Hạt vi nhựa có thể hủy hoại sự phát triển của giun đất
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:20, 12/09/2019
Phát hiện mang lại ý nghĩa đối với ngành nông nghiệp vì giun là một phần quan trọng của hệ sinh thái đất nông nghiệp.
Giun đất đầu màu hồng, Ap Corrodea rosea là một trong những loài phổ biến nhất được tìm thấy ở vùng đất nông nghiệp ở vùng ôn đới. Các nhà khoa học phát hiện giun có trong đất chứa polyetylen mật độ cao (HDPE) - một loại nhựa phổ biến được sử dụng cho túi và chai - trong 30 ngày đã mất khoảng 3% trọng lượng cơ thể của chúng so với mẫu đối chứng của những con giun tương tự ở trong vùng đất tương tự mà không có HDPE.
Tiến sĩ Bas Boots, giảng viên sinh học tại Đại học Anglia Ruskin (ARU), tác giả chính của nghiên cứu cho biết những lý do cụ thể cho việc giảm trọng lượng cơ thể của giun vẫn chưa rõ ràng, nhưng có thể do tác động của hạt vi nhựa đối với quá trình tiêu hóa giun. “Những tác động này bao gồm sự tắc nghẽn và kích thích đường tiêu hóa, hạn chế sự hấp thụ các chất dinh dưỡng và làm giảm sự tăng trưởng”, Bas Boots nhấn mạnh.
Nếu sự xuất hiện của hạt vi nhựa ức chế sự phát triển của giun đất trên diện rộng, nó có thể tác động đến tình trạng của đất và nông nghiệp vì giun là một phần quan trọng của hệ sinh thái đất nông nghiệp.
Nghiên cứu góp phần vào số lượng nghiên cứu gia tăng kiểm tra tác động của các hạt nhựa siêu nhỏ đối với động vật không xương sống và cá. Mặc dù còn quá sớm để đưa ra kết luận về ảnh hưởng đối với sức khỏe con người nhưng các nghiên cứu đã phát hiện tác hại đối với giun sán thủy sinh cũng như các tác động có thể có đối với cá và động vật thân mềm.
Hạt vi nhựa hiện đã được tìm thấy trong nước máy, ở các vùng biển trên khắp thế giới, trong phân người, trong không khí và nhiều môi trường khác.
Đất ở nhiều nơi có khả năng chứa một số lượng lớn hạt vi nhựa, lắng đọng ở đó từ sự xuất hiện của chúng trong nước thải, trong nước và trong không khí. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm phần lớn chưa được xác định rõ mặc dù đã có những nghiên cứu ở Châu Âu cho thấy khoảng từ 700 đến 4.000 hạt vi nhựa xuất hiện trên mỗi kg đất ở một số vùng đất nông nghiệp.