Thừa Thiên Huế: Đời sống khởi sắc từ nông thôn mới

Sức khỏe - Ngày đăng : 12:46, 12/09/2019

(TN&MT) - Trải qua gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010- 2020), đời sống vật chất và tinh thần của người dân tại Thừa Thiên Huế không ngừng phát triển. Thu nhập tăng, hộ nghèo giảm, nhà cửa khang trang, nhiều đường bê tông sạch đẹp ra đời... đã tạo nên diện mạo tươi mới cho các vùng nông thôn.
Những cổng chào thôn, xóm được xây mới và các tuyến đường mở rộng thêm tại xã Điền Lộc
Những cổng chào thôn, xóm được xây mới và các tuyến đường mở rộng thêm tại xã Điền Lộc

Nông thôn nay đã khác...

Vùng Ngũ Điền (gồm Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hòa và Điền Hải) lâu nay vẫn được xem là vùng quê nghèo, vùng sâu vùng xa của huyện Phong Điền với những con đường đất cát trải dài, chật hẹp khiến giao thông bị chia cắt, việc đi lại cực kỳ khó khăn, đời sống người dân vì thế cũng khốn khó. Thế nhưng chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, cuộc sống ở nơi này đổi thay nhanh chóng nhờ chương trình nông thôn mới (NTM).

Dạo quanh Ngũ Điền những ngày này, đập vào mắt PV là những ngôi nhà kiên cố, khang trang, những con đường liên xã đến đường làng, ngõ xóm được bê tông sạch và phẳng lỳ, không còn đường đất, cát như xưa. Những trục đường chính rộng rãi, ô tô đi được hai chiều đến tận trung tâm xã...

Trong mắt người dân nơi đây, sự đổi thay đó phải gọi là “thần kỳ”. “Hơn 20 năm trước, tôi phải đi bộ nhiều cây số để băng qua nhiều độn cát mới đến được trường học. Ngày đó cực khổ ghê gớm. Thấy một nhà cao tầng cũng hiếm, không như bây chừ ai ai cũng khá giả, đường sá đẹp mù. Đi đâu người ta cũng luôn miệng nói 3 từ nông thôn mới rồi...”, anh Trần Hùng (xã Điền Hương) chia sẻ.

Ông Lê Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Điền Lộc hồ hởi cho rằng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã tận dụng nguồn xi măng, kinh phí hỗ trợ từ tỉnh, huyện và huy động thêm trong dân đẩy mạnh bê tông hóa các công trình giao thông. Hiện hệ thống giao thông ở Điền Lộc đã vượt tiêu chí NTM...

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân huyện miền núi Nam Đông ngày càng đi lên nhờ phong trào nông thôn mới
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân huyện miền núi Nam Đông ngày càng đi lên nhờ phong trào nông thôn mới

Trong khi đó, Nam Đông được xem là huyện miền núi khó khăn của Thừa Thiên Huế, 6/10 xã là người dân tộc thiểu sổ. Đa số người dân đều tâm sự rằng, mười mấy năm trước hầu hết nước sạch chưa có, nhiều nhà không điện, đường sá nhỏ hẹp, đường đất nhiều. Một số tuyến đường thấp trũng, băng qua sông, qua suối chưa có cầu cống nên thường chia cắt giữa các thôn, bản vào mùa lũ... Bây giờ, mọi thứ đang khởi sắc.

UBND huyện Nam Đông thông tin, hiện đã có 6/10 xã đạt chuẩn NTM; huy động được 1.121 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng NTM, trong đó có hơn 462 tỷ đồng do nhân dân đóng góp. Đã bê tông hóa hơn 58km đường giao thông nông thôn, nâng cấp sữa chữa 14,9 km kênh thủy lợi. Toàn huyện có 26 trường học đạt chuẩn quốc gia; 99% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 10,9 triệu đồng/người thì đến năm 2018 đã nâng lên 32 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,82%...

“Huyện đã vinh dự được Chính phủ tặng cờ thi đua trong việc thực hiện chương trình nông thôn mới. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới với các tiêu chí nâng cao, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, giảm ô nhiễm môi trường...”, bà Nguyễn Thị Mai Hương - Bí thư Huyện ủy Nam Đông cho hay.

Nhiều công trình văn hóa, giáo dục... được xây mới tại Nam Đông
Nhiều công trình văn hóa, giáo dục... được xây mới tại Nam Đông

Huyện Phú Lộc dự kiến cuối năm nay sẽ có 8/15 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người của huyện hiện đạt hơn 40,48 triệu đồng (vào năm 2011 chỉ 12,6 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,3% đến nay còn khoảng 5%. Tại huyện này, các dự án không ngừng “mọc lên” đã kéo theo sự phát triển nhanh cho vùng quê...

Con đường liên thôn tại thôn Thủy Tụ (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) những ngày tháng 9 này sắp được hoàn thành bằng bê tông trong sự vui mừng của người dân nhờ chương trình NTM. Bởi hàng chục năm qua, họ phải đi lại khổ cực, đường xuống cấp trầm trọng. Có mặt ở đây, PV nhận thấy ai ai cũng xông xáo, góp sức lao động để đẩy nhanh tiến độ.

“Đường được nhà nước hỗ trợ xi măng và kinh phí, dân chỉ đóng góp thêm ít tiền và công sức. Mình cũng mạnh dạng đầu tư một máy đổ bê tông tự hành để phục vụ làm đường cho bà con và ủng hộ thêm phương tiện máy đào. Hơn 30 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu đồng lòng hăng hái. Thôn sắp có đường đi lại đẹp, không còn cảnh sình lầy, nguy hiểm khi mưa lớn nữa rồi...”, anh Trần văn Tiến (thôn Thủy Tụ) vui mừng nói.

Người dân phấn khởi làm đường bê tông
Người dân phấn khởi làm đường bê tông

Tiếp tục phấn đấu

Theo Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Thừa Thiên Huế, gần 10 năm qua, tỉnh huy động 11.100 tỷ đồng đầu tư xây dựng gần 450 công trình hạ tầng, hỗ trợ 641 mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Một số chỉ tiêu liên quan đến dân sinh đều tăng như tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 98,82%; tỷ lệ dân số nông thôn dùng nước sạch quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là 80%, nước hợp vệ sinh đạt 99%; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom khu vực nông thôn đạt 65%.Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn nay đã 31,5 triệu đồng/năm, cao gấp 2,5 lần; tỷ lệ hộ nghèo còn 7,2%, giảm hơn 50% so với năm 2010.

Đến nay số tiêu chí bình quân toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 16,2 tiêu chí/ xã (cao hơn 1 tiêu chí so với bình quân chung cả nước), đã có 44/104 xã đạt 19/19 tiêu chí (42%); 27 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 32 xã đạt từ 10-14 tiêu chí. Không còn xã nào dưới 9 tiêu chí.

Vừa qua, ngoài huyện Nam Đông được tặng cờ thi đua, Thủ tướng Chính phủ cũng tặng bằng khen 5 xã điển hình trong NTM của Thừa Thiên Huế là Phong Hải (Phong Điền), Hương Giang, Hương Hoà (Nam Đông), Phú Thượng (Phú Vang) và Nhâm (A Lưới). Tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ, động viên khen thưởng các đơn vị cá nhân làm tốt phong trào xây dựng NTM. Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” cũng được duy trì, lồng ghép để giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

Đầu tư trụ lưới, nhà lưới để trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap tại huyện Phong Điền
Đầu tư trụ lưới, nhà lưới để trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap tại huyện Phong Điền

Dù hạ tầng đã được tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn khởi sắc; tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Phương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, quá trình thực hiện các chỉ tiêu NTM vẫn gặp khó khăn, nhất là những tiêu chí đòi hỏi về nguồn kinh phí lớn như cơ sở hạ tầng, đường giao thông, xây dựng thiết chế văn hóa, tiêu chí thu nhập, hộ nghèo... Để hoàn thành lộ trình xây dựng NTM đúng thời gian vẫn là một “bài toán” nan giải đòi hỏi sự nỗ lực của các địa phương, sự hỗ trợ, quan tâm của các cấp các ngành. Tỉnh sẽ chỉ đạo các ban ngành địa phương có kế hoạch, giải pháp phù hợp để tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình trong thời gian đến.

Thông tin về những giải pháp cụ thể từ đây đến năm 2020, trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Hồ Vang - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh sẽ khẩn trương hoàn thành các dự án cấp nước sạch cho các địa phương như xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy); 5 xã vùng cao của huyện Nam Đông. Triển khai xây dựng NTM ở các thôn của các xã đặc biệt khó khăn huyện A Lưới. Thực hiện đề án thí điểm xây dựng mô hình thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật ở huyện Quảng Điền. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, “Nói không với túi ni lông, rác thải nhựa”...

“Toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2019 có 54 xã đạt chuẩn (52%) để làm tiền đề đạt mục tiêu 59% số xã đạt chuẩn cuối năm 2020, tức là 61 xã. Đối với cấp huyện thì thị xã Hương Thủy phấn đấu cuối năm nay hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Quảng Điền phấn đấu thành huyện nông thôn mới vào năm 2020. Nam Đông có 80% số xã đạt chuẩn trong năm nay. Ngoài ra, mỗi huyện phải có ít nhất 1 xã nông thôn mới nâng cao trước năm 2020. Đó là những chỉ tiêu mà tỉnh đặt ra và phải thực hiện được....”, ông Vang nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Văn Dinh