Những người hùng cứu nạn giữa biển khơi
Xã hội - Ngày đăng : 11:35, 12/09/2019
Tình người cao hơn sóng biển
Sau Sự kiện cứu tàu SAR 413 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực III phường 11 Vũng Tàu đưa thuyền viên Wang Deqian (sinh năm 1985, quốc tịch Trung Quốc) bị gãy xương đùi phải ngoài biển xa cập đất liền an toàn hôm 2/9, thuyền phó 3 Nguyễn Hùng Xuân thở phào nhẹ nhõm bảo: “Chúng tôi như những chiến binh thời chiến trận. Bất chấp ngày hay đêm, bão tố hay biển lặng, cứ có lệnh là lên đường cứu nạn, cứu hộ. Khi chưa cứu được nạn nhân, chưa vớt được thi thể mình như người có lỗi. Vì vậy, bằng mọi cách, mọi phương tiện phải nỗ lực hết sức mình cứu vớt cho bằng được. Chỉ khi nào không còn tin hy vọng nữa mới thôi”.
Trong nhiều lần vượt sóng gió cứu hộ cứu nạn, trong tâm trí anh Xuân chưa bao giờ quên lần cứu tàu Bulk Jupiter bị chìm trên biển Vũng Tàu ngày hồi đầu năm 2015. “Lúc đó, Tàu SAR 413 vừa đi cứu nạn 10 ngư dân ở vùng biển Tiền Giang về thì nhận lệnh đi biển khẩn cấp cứu tàu Bulk Jupiter. 14 giờ ngày 2/1/2015, tàu Tàu SAR 413 rời bến khẩn cấp ra biển Vũng Tàu cứu nạn. Có thủy thủ chưa kịp về thăm vợ con sau gần một tháng lênh đênh trên biển, dù nhà của họ ngay trong TP. Vũng Tàu” - anh Xuân hồi tưởng lại.
Tàu SAR 413 là loại chuyên dùng cứu nạn trên biển có tốc độ 25 hải lý/giờ, song, cũng chỉ chạy được 15 hải lý bởi sóng to cấp 9 và ngược gió. Sau hơn 20 giờ “chồm lên, ngụp xuống” trong sóng dữ, tàu SAR 413 đã đến tọa độ tàu Bulk Jupiter bị chìm. “Theo kế hoạch, tàu chúng tôi tiếp nhận 2 thi thể và một thuyền viên còn sống từ tàu kéo OLNG Mutrah mà trước đó, tàu này đã cứu vớt được. Lúc đó sóng rất lớn, tàu nghiêng ngả. Xuồng được hạ khẩn cấp. Một tổ thủy thủ ngồi sẵn trên xuồng và tiếp cận mạn trái của tàu OLNG Mutrah. Hai thi thể thuyền viên là thuyền trưởng Ronel Acueza Andrin, thuyền phó 3 Jerome Maquilang và bếp trưởng Angelito Capindo Rojia được chuyển xuống xuồng bằng cầu từ tàu OLNG Mutrah. Tàu OLNG Mutrah và tàu tôi chỉ cách 60 mét nhưng rất khó khăn chuyển các thuyền viên lên tàu. Ngay sau khi đưa các thuyền viên lên tàu, bếp trưởng Ronel Acueza Andrin được chăm sóc y tế. Tôi là người đút từng thìa nước cháo cho anh ấy. Lúc đó, anh ấy hoảng sợ. Một số vị trí trên người bị xây xát. Hai thi thể được gói chặt. Chúng tôi thắp hương khâm liệm theo phong tục người Việt Nam ngay lúc mới vớt lên. Ở giữa biển khơi sóng gió, tình người cao hơn sóng biển. Người nước ngoài cũng như ngư dân mình, thương lắm”, anh Xuân kể lại.
Cứu người, mệnh lệnh từ trái tim
Ngược dòng câu chuyện tàu SAR 413 cứu Bulk Jupiter bị chìm ở biển Bà Rịa - Vũng Tàu hồi đầu năm 2015, trước đó hai tuần, tàu SAR 413 cứu Xà Lan Đồng Nai chở cọc Pê-tông bị chìm trên vùng biển Cửa Đại (Tiền Giang). Giọng Thuyền phó 3 Nguyễn Hùng Xuân trầm lắng: “Vụ cứu xà lan ấy cũng đau thương. Lúc đó sóng to gió lớn, trong đầu tôi chỉ duy nhất hai từ “cứu người”.
Hồi ấy, tàu SAR 413 nhận được lệnh đi cứu Xà Lan Đồng Nai chìm ở biển Cửa Đại khẩn cấp. Sau 10 giờ tăng tốc đến biển Cửa Đại, tàu SAR 413 nhiều lần quần thảo tìm kiếm. Đúng lúc tâm trạng mọi người vô vọng, phát hiện được một ngư dân đang trôi dạt trên biển. Tàu tăng tốc, các thủy thủ quăng phao tròn, thả thang dây. Khi kéo lên tàu, nạn nhân đã nhợt nhạt. Sau đó, tàu tiếp tục tìm kiếm và vớt được 5 thi thể ngư dân. “Lúc vớt 5 thi thể lên tàu, nhìn họ thương lắm. Tất cả thủ tục tâm linh như cúng cơm, đốt hương chúng tôi làm chu đáo. Ngư dân còn sống sót được bàn giao cho bộ đội Biên phòng Côn Đảo. Cứ tưởng ra Côn Đảo sẽ được nghỉ ngơi cho lại sức, nhưng không, ngay đêm đó, tàu lại nhận lệnh khẩn cấp hành quân về cứu ghe cá Bạc Liêu bị chìm do phá nước ở biển Cà Mau. Vậy là thức trắng lên đường khẩn cấp”.
Vượt chặng đường gần 100 hải lý, sau gần 6 giờ hành trình, tàu SAR 413 có mặt tại biển Cà Mau. Vừa lúc các thủy thủ bắt đầu cuộc tìm kiếm thì nhận được lệnh khẩn cấp đi cứu nạn 10 ngư dân của tàu cá Bình Định bị chìm ở Tiền Giang. Nhanh chóng bàn giao hiện trường cho tàu SAR 272, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Đinh Xuân Trường, 18 thủy thủ lại cấp tốc lên đường. Biển Tiền Giang mênh mông, nước chảy siết, trời mù sương. Việc tìm kiếm gặp muôn vàn khó khăn khi tàu cá Bình Định bị bục nước chìm xuống đáy biển ở độ sâu 40 mét. 10 ngư dân trên tàu tan tác, biết ai sống, ai chết?
Tất cả phương tiện ống nhòm được huy động, radar quét mặt biển liên tục vẫn không tìm thấy vật nổi nào khả nghi trên biển. Lúc đó mọi người nghĩ các ngư dân đã chìm sâu dưới đáy biển, việc tìm kiếm quá mong manh, Thuyền phó 2 Hoàng Thế Lực hô to trong: “Kia rồi anh em ơi. Phía trước có người”. “Lúc đó, chúng tôi đổ xô ra hành lang tàu nhìn về phía trước mừng rơi nước mắt. Tàu tăng tốc chạy về hướng người đang chới với. Xác định đó là ngư dân của tàu cá Bình Định bị chìm, chúng tôi quăng phao tròn để nạn nhân bám vào. Ba thủy thủ nhảy xuống biển dìu nạn nhân vào sát tàu rồi kéo lên bằng thang dây hoa tiêu. Lúc đó nạn nhân đã nhợt nhạt. Đầu ngón tay, ngón chân tím tái và chấn thương nhiều chỗ. Chúng tôi nhanh chóng đưa vào phòng chăm sóc y tế, cho húp nước cháo từng ít một”, anh Xuân kể lại.
Phía sau giọt mồ hôi
Nghề cứu nạn trên biển không phải tàu nào đi, thời gian nào xuất phát cũng cứu được người, tìm được thi thể. “Nói là cái duyên, bởi biển mênh mông biết đâu mà tìm. Khi tàu chìm, thuyền viên cố bơi để sống, song thực tế, ở giữa biển tầm nhìn thấp chẳng biết bơi đi đâu. Khi tàu đến cứu ở tọa độ tàu gặp nạn đầu tiên, hầu hết không tìm thấy nạn nhân. Nên tìm được xác, vớt được người cũng là cái duyên” - Thuyền phó 3 Nguyễn Hùng Xuân cho biết.
"Khi chưa cứu được nạn nhân, chưa vớt được thi thể, mình như người có lỗi. Vì vậy, bằng mọi cách, mọi phương tiện phải nỗ lực hết mình cứu vớt cho bằng được. Chỉ khi nào không còn tia hy vọng nữa mới thôi", Thuyền phó 3 Nguyễn Hùng Xuân nói. |
Hàng ngàn lần vượt biển cứu nạn, cứu sống nhiều thuyền viên, ngư dân, vớt nhiều thi thể nạn nhân chìm tàu ở nhiều vùng biển khác nhau, kể cả ngoài đại dương khơi xa hay gần bờ; song những thủy thủ tàu SAR 413 chưa bao giờ ngại ngùng việc tìm thi thể, khâm liệm nạn nhân. Bởi các anh luôn coi những nạn nhân xấu số là những người cùng đồng hành trên biển. Đối với nạn nhân còn sống được chăm sóc sức khỏe chu đáo, thân tình; đối với thi thể, kể cả là người nước ngoài đều được khâm liệm, hương khói đàng hoàng, theo phong tục người Việt.
Phía sau những giọt mồ hôi mặn mòi của biển là niềm vui không bao giờ kể xiết. Bởi các anh đã hồi sinh cho hàng trăm sự sống thuyền viên, ngư dân và xoa dịu nỗi đau mất mát cho thân nhân của những người xấu số.
Gắn bó với tàu SAR 413 từ những ngày đầu tiên khi tàu được điều về đơn vị, ông Phạm Hiển, Giám đốc Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III cho biết: 15 năm qua, niềm vui lớn nhất của tập thể sĩ quan, thủy thủ tàu SAR 413 là cứu cứu sống hàng trăm ngư dân, xoa dịu nỗi đau cho nhiều thân nhân của những người tử nạn. Mỗi chuyến đi biển, cứu sống được một ngư dân là niềm vui nhân lên. Khi thi thể ngư dân nằm dưới biển, là cả đêm chúng tôi mất ngủ. Ngoài nhiệm vụ, chúng tôi cứu người bằng trái tim, bằng tình người và đạo đức nghề nghiệp”.
Nghề cứu hộ cứu nạn trên biển không có khái niệm nghỉ ngơi. Mùa biển lặng cũng như mùa mưa bão, có lệnh là lên đường. Các tàu SAR 413, SAR 272 của Trung tâm luôn túc trực có mặt ở các vùng biển sẵn sàng xuất phát. Có đợt cả tháng mới về thăm vợ con một lần. Có khi vừa bưng bát cơm phải bỏ xuống vì nhận đi cứu nạn khẩn cấp. |