“Tấc đất” không hóa “tấc vàng”

Đất đai - Ngày đăng : 10:45, 12/09/2019

(TN&MT) - Chúng ta đang sống trong thời buổi “tấc đất tấc vàng”, thế nhưng những “tấc đất” tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn chưa thể tạo ra “tấc vàng” vì nạn tham nhũng, xâm lấn, chiếm đoạt đất công, quy hoạch “treo”, dự án “treo”…

Phát triển công nghiệp là xu hướng không phải bàn cãi, tuy vậy, bất cập trong quy hoạch, tùy tiện trong chấp hành pháp luật về đất đai, áp lực phát triển nóng… đã biến hàng nghìn ha đất nông nghiệp cùng hàng trăm tỷ đồng đầu tư cho nhiều khu công nghiệp trở nên lãng phí. Ngân sách Nhà nước và “bờ xôi, ruộng mật” mà người dân ngàn đời khai khẩn bỗng chốc bị thu hồi rồi để phơi nắng, phơi sương...

Thực tế, với 1 ha đất nông nghiệp, chúng ta chỉ cần khoảng dăm ba lao động, nhưng với 1 ha đất sử dụng cho mục đích công nghiệp, có thể huy động được tới hàng trăm lao động. Đây là một lý do để các địa phương “nóng lòng” muốn chuyển đất nông nghiệp thành đất công nghiệp để “lo” công ăn việc làm cho người lao động địa phương nhằm tăng thu ngân sách.

treo
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đương nhiên đất nước phát triển, chuyển mục đích sử dụng đất là nhu cầu rất lớn. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ sự chuyển đổi ấy lâu nay ở đâu đó vẫn chưa đúng, chưa mang lại hiệu quả. Vẫn còn nhiều nơi thu hồi xong bỏ hoang 5 - 7 năm chưa khai thác, chưa sử dụng. Việc này dẫn đến bần cùng hóa một số lượng lớn nông dân không có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp.

Để rồi dòng người từ nông thôn hối hả chuyển vào đô thị gây nên sự quá tải ngày càng trầm trọng về cơ sở hạ tầng, về chất lượng văn hóa của cuộc sống. Xót xa nhất là dần dà nông thôn trở thành nơi không ai muốn ở, nông nghiệp đang là ngành ít ai muốn đầu tư, nền văn hóa làng, cội nguồn của bản sắc văn hóa Việt Nam đang bị mai một, những giá trị truyền thống bị phôi pha, các thế hệ tương lai sẽ bỏ rơi nông thôn.

Còn ngay tại các đô thị, câu chuyện lãng phí đất đai chưa bao giờ hết nóng. Hiển hiện trên những nẻo đường nội đô đất chật người đông, mỗi khoảng trống “vàng” của không gian vật lý đó đều để lộ ít hay nhiều, to hay nhỏ những lỗ hổng về trách nhiệm, về trình độ tư duy quy hoạch và quản lý đô thị.

 Dễ nhìn thấy là khi thị trường bất động sản vẫn ì trệ và những bản quy hoạch treo chưa hạ xuống hết, không ít những khoảng mặt bằng giải tỏa xong rồi để đó cho cỏ tha hồ mọc chen với thứ xà bần muốn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Những nơi nào may mắn thì được chủ đầu tư tìm cách lấp chỗ trống bằng các bãi giữ xe hay quán nhậu tạm thời...

Nhiều nhà đầu tư dự án không thừa nhận năng lực hạn chế là nguyên nhân chính để không thể triển khai dự án như quy định. Họ thường đổ lỗi cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp khó, người dân không đồng thuận. Và ở nhiều địa phương cũng chấp nhận lý do đó như là “nguyên nhân khách quan” để không thu hồi dự án?!

Đơn cử tại báo cáo giám sát mới đây của HĐND TP. Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2012 - 2017 thể hiện, vi phạm pháp luật về đất đai của các tổ chức được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án trên địa bàn vẫn còn nhiều. Việc lấn chiếm, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí, cho thuê lại đất sai quy định vẫn diễn ra ở một số nơi, gây bức xúc trong nhân dân.

Theo Sở TN&MT, hiện có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm, chiếm tỷ lệ 23,1% số dự án được giao đất, cho thuê đất giai đoạn 2012 - 2017 với hình thức và mức độ khác nhau. Phổ biến vẫn là chậm đưa đất vào sử dụng trên 12 tháng liên tục kể từ khi được giao đất trên thực địa (40 dự án), chậm tiến độ thực hiện dự án trên 24 tháng (47 dự án), chậm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (22 dự án), chậm nghĩa vụ tài chính (4 dự án).

Quản lý đất công chưa hiệu quả, điều mất đi không chỉ là tiền, là nguồn lực phát triển mà lớn hơn là niềm tin của nhân dân về sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, về năng lực và sự công tâm của người quản lý sẽ bị hao mòn, vụn vỡ...

Gần đây, nhiều quan chức dính đến những sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất công đã bị pháp luật sờ gáy, bị đưa ra xét xử. Đó là một tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực lập lại trật tự trong lĩnh vực này nói riêng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng nói chung. Tuy vậy, làm sao danh sách những vụ án tham nhũng, những cán bộ tham nhũng đất đai không kéo dài thêm; làm sao quyền tiếp cận thông tin của người dân được tôn trọng; làm sao những quy định của pháp luật về đất đai đi vào cuộc sống mới là điều cần suy nghĩ?!

Gấp rút lấp đầy những khoảng trống pháp lý trong chính sách pháp luật đất đai là yêu cầu cấp bách lúc này nhằm khắc phục xung đột chính sách, đảm bảo tính công khai minh bạch trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất.

Phương Anh