Xóa bếp than tổ ong: Không thể chần chừ

Môi trường - Ngày đăng : 11:12, 11/09/2019

Nhằm phấn đấu mục tiêu xóa bỏ bếp than tổ ong đến năm 2020, Sở TN&MT đã tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành Chỉ thị thực hiện lộ trình không sử dụng bếp than tổ ong trên toàn địa bàn TP, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể của các sở, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã nhằm triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp.

Hoàn Kiếm là quận được TP thí điểm xóa bếp than tổ ong. Với sự tích cực trong công tác tuyên truyền, đồng thời tổ chức các ngày hội đổi bếp than lấy bếp gas và khám sức khỏe cho người sử dụng bếp than tổ ong, đến nay các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đã không dùng loại bếp này. Theo thống kê của Phòng TN&MT quận Hoàn Kiếm, tính đến cuối năm 2017, toàn quận có 2.525 bếp than tổ ong hoạt động, thì đến nay đã xóa được 1.436 bếp.

Tại quận Ba Đình, việc vận động người dân không dùng bếp than tổ ong cũng có chuyển biến tích cực. Đầu năm 2018, toàn quận có 3.950 bếp than tổ ong, đến nay đã xóa được gần 1.600 bếp. “TP đang dự thảo Chỉ thị về lộ trình xóa bếp than tổ ong đến năm 2020 và chắc chắn khi được ban hành, các quận, huyện trên địa bàn TP sẽ thực hiện rốt ráo hơn" – chuyên viên Phòng TN&MT quận Ba Đình chia sẻ.

bep than
Bếp than tổ ong được sử dụng phổ biến tại các hàng quán nhỏ. Ảnh: Ánh Hà

Dẫu vậy, thực tế việc xóa bếp than tổ ong trên địa bàn TP vẫn gặp một số khó khăn nhất định. Một trong những nguyên nhân là do giá thành thấp (chỉ mất từ 100.000 - 200.000 đồng/bếp than tổ ong), nhỏ gọn nên hộ kinh doanh nhỏ lẻ vẫn sử dụng khá phổ biến. Dạo một vòng quanh các ngõ phố, chợ dân sinh... trên một số tuyến đường như Phố Vọng (Hai Bà Trưng), Phương Mai, Đông Tác (Đống Đa), đường bờ sông Sét (Hoàng Mai…) hình ảnh người dân và hộ kinh doạnh sử dụng bếp than làm phương tiện đun nấu chủ yếu vẫn tràn lan. Bà Nguyễn Thị Lý, chủ một quán nhỏ bán đồ ăn sáng tại đường bờ sông Sét (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Chúng tôi biết việc dùng than tổ ong gây hại cho sức khỏe và môi trường nên sẽ sẵn sàng thay thế, chuyển sang một loại bếp khác phù hợp với điều kiện gia đình, thân thiện với môi trường hơn".

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu của TP đến năm 2020 xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong, Sở TN&MT đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, trước mắt là khu vực nội thành. Sở phối hợp với UBND các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn), Trung tâm Phát triển xanh (GreenHub) cùng nhiều DN sản xuất bếp cải tiến sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường triển khai thí điểm xóa bếp than tổ ong, giới thiệu các bếp thân thiện với môi trường…

Với dự thảo lộ trình không sử dụng bếp than tổ ong trên toàn địa bàn TP, Sở TN&MT đề xuất từ ngày 1/1/2020, sẽ tăng cường tuyên truyền và xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh trên địa bàn TP thực hiện chuyển đổi từ sử dụng bếp than tổ ong sang các loại bếp khác an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Kể từ ngày 1/1/2021 chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn TP. Các hành vi vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan về trật tự đô thị, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và PCCC.

Theo Báo Kinh tế đô thị