Cần làm rõ những quy định Hiến pháp chưa đi vào cuộc sống

Trong nước - Ngày đăng : 10:06, 11/09/2019

(TN&MT) - Ủy ban Pháp luật Quốc hội đề nghị đánh giá bổ sung bối cảnh, những thuận lợi, khó khăn của 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; làm rõ những quy định của Hiến pháp chưa đi vào cuộc sống cũng như nguyên nhân, tác động của việc này đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Sáng 11/9, tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp sáng 11/9. Ảnh: quochoi.vn

Báo cáo sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 (2014-2019), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, công tác triển khai thi hành Hiến pháp đã được tiến hành nghiêm túc, bài bản, toàn diện bám sát yêu cầu, mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 64/2013/QH13, Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 và thu được những kết quả tích cực. Trong đó, công tác phổ biến, tuyên truyền về nội dung và ý nghĩa của Hiến pháp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân được chú trọng thực hiện toàn diện, đồng bộ trong phạm vi cả nước, từ trung ương đến cơ sở.

Đồng thời, công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo nội dung và tinh thần Hiến pháp được tiến hành khẩn trương, cơ bản bảo đảm chất lượng; các luật, pháp lệnh hầu hết đã được đề xuất sửa đổi, bổ sung và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội hàng năm; một số văn bản quy định chi tiết thi hành luật có dấu hiệu chưa thực sự phù hợp với Hiến pháp cũng được các cơ quan có thẩm quyền đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bãi bỏ.

Công tác xây dựng luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp được các cơ quan quan tâm và chỉ đạo sát sao, có những giải pháp để bảo đảm tiến độ và chất lượng của các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm phù hợp với tinh thần của Hiến pháp, gắn kết với việc thực hiện chủ trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp; nhiều tư duy mới của Hiến pháp năm 2013 đã được thể chế hóa trong các dự án luật, pháp lệnh để tạo sự thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật. Kỹ thuật lập pháp cũng đã có những bước tiến đáng kể.

ông Nguyễn Khắc Định
Ông Nguyễn Khắc Định -  Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định mới của Hiến pháp được các cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, chú trọng việc bảo đảm cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trên cơ sở quy định chặt chẽ, rành mạch nhiệm vụ, quyền hạn và quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ của mỗi cơ quan, gắn với việc sắp xếp lại các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

“Nhiều biện pháp, giải pháp nhằm tổ chức thi hành Hiến pháp hiệu quả đã được các cơ quan, tổ chức thực hiện với tinh thần chủ động, sáng tạo. Quá trình triển khai thi hành Hiến pháp cũng đã phát hiện được một số sáng kiến, mô hình hay, cách làm tốt trong công tác phổ biến, tuyên truyền Hiến pháp, bảo đảm tính hợp hiến trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật… cần được nhân rộng”, báo cáo sơ kết nêu rõ.

Có thể nói, những kết quả đạt được trong thời gian qua đã từng bước đưa các quy định của Hiến pháp dần đi vào cuộc sống, tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước; góp phần bảo vệ, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Thông qua triển khai thi hành Hiến pháp cũng góp phần nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân; tạo cơ sở quan trọng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn phát triển mới.

phiên họp sáng 11 9
Quang cảnh phiên họp sáng 11/9. Ảnh: quochoi.vn

Thẩm tra báo cáo sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, ông Nguyễn Khắc Định -  Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội tán thành với đánh giá chung trong Báo cáo và nhận thấy, sau 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp, về cơ bản, việc triển khai thi hành Hiến pháp của các cơ quan, tổ chức đã bám sát yêu cầu, mục tiêu theo Nghị quyết số 64 và Nghị quyết số 718. Các cơ quan, tổ chức đã chủ động thực hiện trách nhiệm của mình trong việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp; xác định việc triển khai thi hành Hiến pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động ngay từ năm 2014 và các năm tiếp theo, vì vậy đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều mặt như nêu trong Báo cáo của Chính phủ.

“Tuy nhiên, đề nghị đánh giá bổ sung bối cảnh, những thuận lợi, khó khăn của việc triển khai thi hành Hiến pháp trong 05 năm vừa qua, làm rõ những quy định của Hiến pháp chưa đi vào cuộc sống cũng như nguyên nhân, tác động của việc này đến mọi mặt của đời sống xã hội và giải pháp khắc phục. Từ đó có những đề xuất, kiến nghị phù hợp nhằm triển khai thi hành Hiến pháp trong thời gian tới”, báo cáo thẩm tra nêu.

Đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo của Chính phủ và cơ bản thống nhất với những nội dụng sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần tổng rà soát các văn bản pháp luật để nhìn lại và có giải pháp khắc phục chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính khả thi, những lĩnh vực còn bỏ trống.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, phải có đánh giá khái quát những đóng góp của Hiến pháp 2013 trong công cuộc xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế; đồng thời, đẩy mạnh việc giải thích Hiến pháp. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục bổ sung những ý kiến trong báo cáo thẩm tra và các ý kiến của UBTVQH để hoàn thiện báo cáo sơ kết 05 năm thi hành Hiến pháp năm 2013.

Tuyết Chinh