Khôi phục đất để cứu hành tinh, thúc đẩy nền kinh tế

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:45, 10/09/2019

(TN&MT) – “Đầu tư vào phục hồi đất đai không chỉ giúp bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta mà còn là điểm khởi đầu để giải quyết một số vấn đề lớn nhất trên thế giới”, người đứng đầu tổ chức Liên Hợp Quốc về Chống Sa mạc hóa phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Thủ đô New Delhi của Ấn Độ.  
Biến đổi khí hậu và sử dụng đất không bền vững đã làm tăng sa mạc hóa ở phía Đông Bắc của Cameroon. Ảnh: UN News/Daniel Dickinson
Biến đổi khí hậu và sử dụng đất không bền vững đã làm tăng sa mạc hóa ở phía Đông Bắc của Cameroon. Ảnh: UN News/Daniel Dickinson


Phát biểu bên lề phiên họp thứ 14 của Hội nghị các Bên tại New Delhi, Ấn Độ, Tổng Thư ký điều hành Công ước Chống sa mạc hóa của Liên Hợp Quốc (UNCCD) Ibrahim Thiaw cho biết: “Chúng ta phải đầu tư vào phục hồi đất đai như một cách cải thiện sinh kế, giảm thiểu các lỗ hổng làm gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu và giảm rủi ro cho nền kinh tế”.

Hội nghị thượng đỉnh COP14 diễn ra đến hết ngày 13/9 có sự tham gia của các bộ trưởng, nhà khoa học, đại diện chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các nhóm cộng đồng khác nhau từ 196 quốc gia, với mong muốn nhất trí các hành động mới để tăng cường độ phì nhiêu cho đất đai.

“Đất đai đang cung cấp cho chúng ta 99,7% thực phẩm chúng ta ăn, đồng thời cũng cung cấp nước uống cho chúng ta - chất lượng nước chúng ta có được là từ đất và hệ sinh thái của nó. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên quý giá này đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng” – ông Thiaw cho biết.

Theo ông Thiaw, năm ngoái, 25 quốc gia kêu gọi các biện pháp khẩn cấp sau hạn hán lan rộng và trung bình, 70 quốc gia bị ảnh hưởng bởi hạn hán mỗi năm. Thường thì những cộng đồng nghèo nhất là những người chịu gánh nặng; đối mặt với sự cạn kiệt tài nguyên và phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo.

“Suy thoái đất cũng có mối liên hệ với hòa bình và an ninh, buộc các cộng đồng phải cạnh tranh để có thể có được đất đai và nước”, ông Thiaw cho biết.

Khi hiện tượng sa mạc hóa gia tăng, một hành tinh “cạn kiệt nước” đã làm gia tăng di cư bắt buộc, áp lực gia tăng trên đất đai màu mỡ, mất an ninh lương thực và gánh nặng tài chính.

Ông Thiaw cho biết theo ước tính, chỉ riêng sa mạc hóa đang tạo ra khoản thất thoát từ 10 đến 17% GDP toàn cầu.

“Tình trạng đất xấu kết hợp với mất đa dạng sinh học - trầm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu - đã sinh ra những thay đổi môi trường có thể buộc 700 triệu người phải di cư vào năm 2050”, UNCCD ước tính.

Hội nghị dự kiến ​​sẽ thống nhất khoảng 30 quyết định nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu của Hội nghị trong giai đoạn 2018-2030, như được nêu trong Khung Chiến lược của Hội nghị về Hiệp định Cam kết toàn diện nhất để đạt được Khung khái niệm về cân bằng và suy thoái đất (LDN).

Các bên tham dự sẽ thông qua tuyên bố suy thoái đất sẽ được trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh về hành động khí hậu của Liên Hợp Quốc sắp diễn ra vào ngày 23/9. Hội nghị sẽ nêu bật việc phục hồi đất đai như một phần của giải pháp chống biến đổi khí hậu.