Khởi động dự án về bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 12:46, 10/09/2019

(TN&MT) – Sáng 10/9, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã tổ chức Hội thảo tăng cường quan hệ đối tác về bảo tồn các loài nguy cấp và khởi động Dự án “Tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam” (WLP).
1
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Phát biểu khai mạc, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) cho biết, Dự án WLP nằm trong Chương trình “Hợp tác toàn cầu về bảo tồn vì sự phát triển bền vững” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ và Ngân hàng Thế giới là cơ quan điều phối chung với sự tham gia của 19 quốc gia ở Châu Phi và Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Dự án do Bộ TN&MT chủ trì thực hiện từ nay đến năm 2022, nhằm mục tiêu bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa đa dạng sinh học toàn cầu nhờ việc giảm các mối đe dọa từ khai khác, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp thông qua cơ chế hợp tác đa bên.

2
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học phát biểu

“Dự án mong muốn sẽ xây dựng và phát triển được diễn đàn quan hệ đối tác về bảo vệ động vật hoang dã như là nền tảng và mạng lưới để kết nối những nỗ lực và thúc đẩy vai trò của các đối tác trong nước và quốc tế. Sự chung tay và hợp tác từ các ban ngành hữu quan, các tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức dân sự xã hội, khối tư nhân…trong các hoạt động can thiệp nhằm bảo vệ các loài nguy cấp của Việt Nam khỏi nguy cơ tuyệt chủng là một trong các điểm nhấn của dự án”, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn cho hay.

Bày tỏ sự tin tưởng đối với cam kết mạnh mẽ và sự lãnh đạo của Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường và Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học trong việc triển khai thành công dự án này, bà Nguyễn Thị Lệ Thu – Chủ nhiệm dự án của Ngân hàng Thế giới khẳng định, Ngân hàng Thế giới luôn đồng hành cùng Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường, trong đó có bảo tồn đa dạng sinh học.

Nhìn nhận một cách thực tế, dù đã rất nỗ lực từ chính sách và hành động nhưng hệ sinh thái, đa dạng sinh học của Việt Nam liên tục bị suy giảm và suy thoái. Tình trạng buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã ngày càng diễn biến phức tạp, gây ra những mối đe dọa lớn tới đa dạng sinh học cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong bối cảnh đó, dự án WLP được thực hiện sẽ giúp Việt Nam tăng cường khung chính sách, pháp lý và nâng cao năng lực thực hiện pháp luật về bảo tồn các loài hoang dã nguy cấp của Việt Nam.

3
Bà Nguyễn Thị Lệ Thu - Chủ nhiệm dự án của Ngân hàng Thế giới phát biểu

Được biết, dự án gồm 4 hợp phần, bao gồm: Hoàn thiện các quy định chính sách, pháp luật và quản lý dữ liệu để bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng; Tăng cường năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật quốc gia và các cơ quan quản lý bảo tồn để giảm thiểu các mối đe dọa đối với các loài nguy cấp; Tăng cường mối quan hệ đối tác và mở rộng quy mô và thể chế hóa các chiến dịch đổi hành vi, làm giảm nhu cầu tiêu thụ các loài nguy cấp; Quản lý, đánh giá và giám sát dự án.

Theo đó, Dự án sẽ rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Đa dạng sinh học, các quy định hướng dẫn thực hiện Luật và đề xuất sửa đổi các nội dung quy định về quản lý và bảo tồn loài nguy cấp để phù hợp với tình hình thực tiễn. Rà soát, kiểm kê đánh giá hiện trạng các cơ sở bảo tồn các loài nguy cấp và đề xuất các quy định, giải pháp nhằm tăng cường quản lý và giám sát các cơ sở bảo tồn chuyển chỗ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Nghiên cứu, hỗ trợ xây dựng nội dung Đề án phòng chống tội phạm về đa dạng sinh học bao gồm phòng chống tội phạm về các loài hoang dã…