Trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp nhiều hệ lụy: Bài 2: Hậu họa nhãn tiền

Đất đai - Ngày đăng : 11:43, 10/09/2019

(TN&MT) - Giải pháp ngăn chặn, xử lý diện tích cây lâm nghiệp “tăng nóng” trên đất nông nghiệp gần như “đóng băng” về mặt pháp lý, hệ lụy nhãn tiền từ việc này đã và đang nảy sinh rất lớn.

Nước suy kiệt, đất thoái hóa…

Tiến sĩ Lại Đình Hòe, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ phân tích: Keo lai, bạch đàn là những loại cây có tốc độ lớn, sinh khối nhanh (chu kỳ khai thác từ 5 - 7 năm). Với đặc tính này, khả năng hút chất dinh dưỡng để nuôi cây rất cao khi hòa tan trong nước. Do vậy, việc trồng đại trà cây keo lai, bạch đàn ở một vùng đất nào đó sẽ ảnh hưởng tới nguồn nước hoặc dòng chảy.
 

anh 47a gieng kho can nuoc
Trồng cây keo lai tràn lan trên đất nông nghiệp làm mạch nước ngầm nhanh khô kiệt.

Thực tế, nhiều vùng đất sản xuất cây nông nghiệp nhưng người dân tự chuyển đổi sang trồng cây keo, bạch đàn trong thời gian dài đều có biểu hiện khô cằn, nghèo chất dinh dưỡng. Chẳng hạn, ở giữa một cánh đồng lúa tại thôn Hiển Đông, xã Canh Hiển (Vân Canh) có 2 đám keo, bạch đàn rất xanh tốt.  Trong khi đó, các đám lúa nằm xung quanh lại còi cọc, năng suất ngày càng giảm.

“Hai đám keo, bạch đàn được trồng cách đây hơn 3 năm. Khi cây keo, bạch đàn còn nhỏ, chưa gây ảnh hưởng đến các thửa ruộng lúa nằm bên cạnh. Khi cây keo, bạch đàn phát triển, việc canh tác lúa ngày một không hiệu quả. Năng suất của những đám lúa cạnh bên bị giảm là do tán lá keo, bạch đàn che khuất, làm mất khả năng quang hợp của cây lúa. Đó là chưa kể, lá cây bạch đàn rụng xuống chỗ nào, đất chỗ đó gần như cằn cỗi”, ông Trần Văn Thanh có ruộng lúa gần đám keo, than vãn.

Không chỉ thoái hóa đất, việc trồng cây keo, bạch đàn tràn lan hiện nay còn đe dọa đến mạch nước ngầm. Giữa đỉnh điểm mùa nắng nóng năm nay, những giếng nước khô kiệt, trơ đáy nằm cạnh những rẫy keo lai, bạch đàn không hiếm. Chỉ tay về giếng nước sau vườn cạnh đám keo, ông Trần Xuân Thương, xã Mỹ Phong (Phù Mỹ) cho biết: “Trước kia, mạch nước ngầm ở đây khá ổn. Giếng có nước quanh năm. Vào mùa nắng hạn kéo dài, nước có giảm nhưng vẫn đủ sử dụng. Nhưng 3 - 4 năm nay, cứ đến tháng 6 nước trong giếng gần như khô kiệt. Hiện tượng này ngoài tình trạng khô hạn kéo dài, còn có tác động của việc trồng cây keo ồ ạt trên đất nông nghiệp, đất vườn”.
 

anh 46 dua khong ra trai do trong keo xen ke
Cây dừa không thể ra trái khi trồng keo xen kẽ - tình trạng này xảy ra tại thôn Thạch Long 1, xã Ân Trường Đông (Hoài Ân).

Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Bình Định) khẳng định: Việc trồng keo lai, bạch đàn trên đất nông nghiệp khiến nguồn nước ngầm bị khô cạn, do rễ 2 loại cây này hút lượng nước ngầm nhiều. Ngoài ra, việc này còn dẫn đến hiện tượng đất mất chất dinh dưỡng, khô cằn, bạc màu; ảnh hưởng đến canh tác cây nông nghiệp sau này. Đối với cây bạch đàn, lá có chứa chất dầu, khi rơi xuống đất sẽ thẩm thấu vào trong, gây hiện tượng xơ hóa đất, bạc màu, nghèo chất dinh dưỡng. Còn gốc, rễ bạch đàn bám sâu vào đất, khi cải tạo đất để trồng cây nông nghiệp sẽ tốn nhiều công sức, tiền bạc.

… phá vỡ quy hoạch sản xuất

Thạc sĩ Lê Quang Tình, Phó Trưởng phòng Phòng Khuyến nông - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định cho biết: Tình trạng tự “quy hoạch”, trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển trồng trọt của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; phá vỡ quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương. Mặt khác, nhiều diện tích đất nông nghiệp ở vùng có điều kiện thuận lợi để quy hoạch đất ở, khu dân cư, một số người dân tự trồng cây lâm nghiệp, xây dựng lán trại, hàng rào bao quanh kiên cố để chiếm dụng đất. Khi chính quyền địa phương tiến hành xử lý, cưỡng chế tháo dỡ sẽ tốn thời gian và ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự.

Chưa kể, trên cùng một khu vực sản xuất, diện tích trồng cây lâm nghiệp nằm xen kẽ với diện tích trồng lúa và cây hoa màu khác sẽ xảy ra xung đột giữa những người cùng canh tác. Bởi tán cây keo, bạch đàn che khuất các loại hoa màu và lúa; lá keo, bạch đàn rụng làm lúa và hoa màu chết hoặc phát triển chậm.
 

anh 44 duong tu mo de van chuyen go keo
Mở đường tự phát để vận chuyển keo.

Bà Lê Hiếu Nam, Chủ tịch UBND thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh), cho biết: “Năm 2017 và 2018, UBND thị trấn Vân Canh tiến hành hòa giải không ít vụ việc xung đột lợi ích giữa người trồng mì với các hộ trồng cây keo, bạch đàn. Địa phương rất “đau đầu” bởi cả 2 bên đều có lý lẽ riêng. Trong khi đó, chế tài xử lý các trường hợp trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp chưa cụ thể, rõ ràng”.

Tình trạng trồng cây lâm nghiệp tự phát trên đất nông nghiệp còn là nguyên nhân gây hư hỏng đường giao thông, môi trường. Bởi, trong quá trình khai thác, vận chuyển gỗ keo, bạch đàn nhiều người ngang nhiên đào đường, mở lối đi để phương tiện vận chuyển băng cắt qua các tuyến đường bê tông liên thôn, kênh mương nội đồng và cả đất sản xuất nông nghiệp của các hộ dân như những con đường vận chuyển gỗ keo, bạch đàn tự phát dọc tỉnh lộ 631 qua địa bàn huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, hành vi này gây xung đột giao thông, thay đổi dòng chảy, tăng nguy cơ sạt lở, xói mòn đất…

Chưa kể trường hợp giá keo nguyên liệu giấy xuống thấp, khó tiêu thụ đầu ra sản phẩm, người nông dân sẽ chịu thiệt thòi và chính quyền các địa phương cũng đối diện với nhiều thách thức khó khăn trong việc “giải cứu” loại cây.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết: “UBND tỉnh đã quy hoạch đất trồng lúa và quy hoạch đất sản xuất cây lâm nghiệp. Do vậy, việc người dân đưa cây lâm nghiệp, trong đó, có cây keo lai, bạch đàn trồng trên đất sản xuất lúa gây nhiều hệ lụy nguy hiểm. Trách nhiệm để xảy ra tình trạng này trước tiên thuộc về các địa phương”.

Tiến sĩ Lại Đình Hòe, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ chia sẻ: “Cây keo lai, bạch đàn trồng theo phương thức quảng canh, khai thác nguồn có sẵn trong tự nhiên chỉ mang tính nhất thời. Cây nào cũng vậy, trồng nhiều mà ít đầu tư chăm bón, cải tạo, dinh dưỡng trong đất nghèo kiệt đi là điều khó tránh khỏi”.


Bài cuối: Tìm “lời giải” bền vững