Môi trường - Tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới: Còn lắm gian nan

Tin tức - Ngày đăng : 09:59, 10/09/2019

(TN&MT) - Tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó đạt nhất và thường đạt cuối cùng trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Để đạt được tiêu chí môi trường, các địa phương cần hoàn thành 8 chỉ tiêu: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch đạt từ 50% trở lên; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường đạt 100%; đạt yêu cầu về xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn; mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch; chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo "3 sạch” đạt từ 70% trở lên; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt từ 60% trở lên; tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm đạt 100%.
 

T8
Nước sạch là 1 trong 8 chỉ tiêu để đạt được tiêu chí môi trường Ảnh: MH

Theo phản ánh của các địa phương, trong tiêu chí môi trường có một số chỉ tiêu không được định tính, định lượng rõ ràng mà chủ yếu về cảm quan nên thực tế triển khai và công tác đánh giá tại các địa phương không đồng đều, thiếu bền vững ngay cả đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn. Điển hình như chỉ tiêu yêu cầu về xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp và an toàn. Mặc dù, các địa phương đã tích cực triển khai đa dạng các hoạt động bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn nhưng kết quả nhiều nơi đạt được chỉ mang tính chất thời điểm chứ chưa tạo được chuyển biến thực chất trong cả nhận thức và hành động của cộng đồng dân cư để có thể duy trì được kết quả bền vững. Ranh giới giữa nước sạch và nước hợp vệ sinh còn chưa rõ ràng nên nhiều xã mới chỉ đạt tiêu chuẩn nước hợp vệ sinh chứ chưa đạt tiêu chuẩn nước sạch.

Bên cạnh đó, xuất phát điểm về hạ tầng BVMT nông thôn trước khi triển khai xây dựng NTM rất thấp, các công trình bảo vệ môi trường hầu như chưa được đầu tư xây dựng dẫn đến việc thực hện chỉ tiêu chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, trong khi mật độ dân cư gia tăng liên tục, cơ sở hạ tầng để xử lý các vấn đề môi trường lại không thay đổi, hoặc thay đổi không kịp, hoặc thiếu quy hoạch… dẫn tới sự gia tăng rác thải và nước thải sinh hoạt. Biện pháp xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu hiện nay ở hầu hết các vùng nông thôn là chôn lấp và đốt tự do gây ảnh hưởng tới môi trường. Nước thải sinh hoạt cũng đổ thẳng ra mương, rãnh, ao, hồ. Nhiều hộ gia đình còn tổ chức chăn nuôi ngay trong khu vực dân cư, xả chung nước thải chăn nuôi theo hệ thống nước thải sinh hoạt mà không được xử lý. Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, trên toàn quốc, mới chỉ có 34,75% xã có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chung và 62,42% xã có tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt.

Việc bố trí quỹ đất thực hiện mở rộng nghĩa trang hiện có hoặc xây dựng nghĩa trang mới còn nhiều vướng mắc. Để quy hoạch nghĩa trang đạt chuẩn phải tăng cường trồng cây xanh, có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải tập trung nhưng do thiếu quỹ đất cũng như kinh phí hạn hẹp nên nhiều nơi chỉ tiêu này vẫn còn bỏ ngỏ. Thêm vào đó, nguồn ngân sách hỗ trợ cho các địa phương còn thấp, chưa tương xứng với nội dung tiêu chí. Chế độ thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác cho xây dựng NTM nói chung, tiêu chí về môi trường nói riêng chưa phù hợp nên không thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Với những khó khăn đó nên tỷ lệ các địa phương đạt tiêu chí môi trường còn thấp. Đơn cử như vùng Bắc Trung Bộ, tỷ lệ số xã đạt chuẩn về tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm mới chỉ đạt 68,7%.

Theo GS.TS Đặng Kim Chi, tiêu chí môi trường là một trong các tiêu chí quan trọng để đạt được tiêu chuẩn NTM, tuy vậy, hiện nay chưa có mô hình nào thực sự hiệu quả để đảm bảo giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp cho khu vực nông thôn nhất là các vùng có hạ tầng kém, vùng xa và các vùng còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, cần thiết phải có các nghiên cứu xây dựng các mô hình và giải pháp phù hợp nhằm BVMT và duy trì phát triển bền vững các khu vực nông thôn với các đặc trưng của vùng, miền.

Với địa bàn nông thôn, chúng ta cần giải quyết từng việc một cách kiên trì, mềm dẻo và linh hoạt, theo hướng “tốt hơn mỗi ngày”, nhưng nhất định không bỏ cuộc, có tổ chức, có huy động người dân vào cuộc, có kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở để bảo đảm sự bền vững thông qua việc đưa các quy định về BVMT và xây dựng cảnh quan vào các quy ước, hương ước của thôn, bản... để các hộ gia đình nghiêm túc thực hiện. Đồng thời, nâng cao vai trò giám sát cộng đồng đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT trong khu dân cư.