Phối hợp chặt che quản lý tài nguyên môi trường biển và hải đảo
Biển đảo - Ngày đăng : 09:54, 10/09/2019
Theo đó, các địa phương cần chủ động xây dựng Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, cụ thể các công việc như Nghiên cứu, phổ biến, quán triệt, triển khai các nội dung Nghị quyết số 36-NQ/TW. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển bền vững kinh tế biển, hải đảo phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương.
Thống nhất giao một cơ quan đầu mối phù hợp tham mưu giúp UBND cấp tỉnh trong theo dõi, triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW (có thể xem xét giao Sở TN&MT để bảo đảm thống nhất với Trung ương); tham khảo dự thảo Đề cương Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ để xây dựng kế hoạch của địa phương.
Về xây dựng, thi hành văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục rà soát, đánh giá, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn quản lý của địa phương và ban hành các văn bản mới theo thẩm quyền; tăng cường nâng cao nhận thức, năng lực thực thi pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Tiếp tục quan tâm củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo tại địa phương, đảm bảo cơ quan được giao nhiệm vụ có đủ thẩm quyền, năng lực thực hiện nhiệm vụ; xem xét duy trì, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và kinh phí cho Chi cục Biển và Hải đảo trực thuộc Sở TN&MT để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao trong giai đoạn mới.
Với mục tiêu hoàn thiện cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc quản lý Nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo ở địa phương, UBND phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT chỉ đạo các cơ quan chức năng đề xuất, thực hiện các nhiệm vụ cấp bách để triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW trên cơ sở đánh giá được tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái và các ngành, lĩnh vực kinh tế biển được coi là thế mạnh của địa phương.
Tập trung sớm hoàn thiện việc lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo để phục vụ công tác quản lý Nhà nước, phát triển bền vững kinh tế biển. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, phục vụ khai thác và sử dụng đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và nhu cầu của các tổ chức, cá nhân có các hoạt động trên biển để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.
Về quản lý khai thác, sử dụng biển và hải đảo, đánh giá tình hình triển khai và kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, UBND chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng và đầy đủ việc lập hồ sơ giao khu vực biển; khẩn trương hoàn thành việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển... đảm bảo đúng quy định của pháp luật, trong khi hành lang bảo vệ bờ biển chưa được thiết lập, thực hiện nghiêm quy định tại Điều 79, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện đúng và đầy đủ nội dung trong Thông tư số 10/2016/TT-BTNMT, ngày 16/5/2016 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định chi tiết nội dung, thể thức, thời điểm báo cáo về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.