Khủng hoảng rùa châu Á

Môi trường - Ngày đăng : 09:35, 10/09/2019

(TN&MT) - 17/25 loài rùa nguy cấp nhất sống ở châu Á. Số lượng loài này ngày một suy giảm nhanh đến mức các nhà bảo tồn gọi đây là “Cuộc khủng hoảng rùa Châu Á”.

Thông tin trên vừa được Đại học Duke (Mỹ) công bố tại Nghiên cứu Scaling back wildlife trade in the Mekong Delta: Applying apolitical lens to the farmer loophole with a focus on Vietnam and Laos (Mở rộng quy mô buôn bán động vật hoang dã ở vùng Mekong: Áp dụng lăng kính chính trị vào kẽ hở từ người nuôi, tập trung tại Việt Nam và Lào).

Anh rua Viet Nam
Rùa biển bị sát hại để làm đồ thủ công mỹ nghệ tại một cơ sở ở Nha Trang hồi tháng 7/2018. Ảnh: ENV

Nguy cơ tuyệt chủng đứng đầu bảng

Nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm từ rùa để làm trang sức và sử dụng y học cổ truyền trên khắp Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ rùa lớn nhất thế giới - gây ra nạn buôn bán rùa tràn lan. Do gần gũi về địa lý và có hệ động vật rùa phong phú, các quốc gia trong khu vực Mê Công đóng vai trò quan trọng là nhà cung cấp cho thị trường Trung Quốc. Nhu cầu về rùa và sự phát triển của thương mại địa phương ở khu vực Mê Công cũng đến từ thị trường nội địa Việt Nam đang phát triển.

Số liệu của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã - WCS cho thấy, gần 1/3 (8.118 bộ phận động vật hoang dã) trong số 26.221 bộ phận động vật hoang dã bị tịch thu từ năm 2013 đến 2017 là rùa. Trong số 1.504 vụ bắt giữ liên quan đến động vật hoang dã, 150 vụ (chiếm 10,31%) liên quan đến rùa và rùa trở thành nhóm loài lớn thứ hai trong số các vụ bắt giữ động vật hoang dã ở Việt Nam.

Một thị trường đáng kể về rùa quý hiếm ở Việt Nam phục vụ nhu cầu làm thú cưng, đặc sản và làm thuốc, nên khi nguồn cung ngoài tự nhiên thu hẹp thì giá rùa tăng cao. Từ năm 2013 đến 2015, giá rùa hộp trán vàng miền Bắc đã tăng gấp năm lần, từ 31,70 USD/kg lên 164,96 USD/kg; giá rùa đất Spengle siêu nhỏ tăng từ khoảng 2 USD lên 105 USD cho một cá thể. Năm 2015, rùa bốn mắt có giá từ 130 đến 250 USD/kg, gấp đôi giá trung bình năm 2013.

Mặc dù, luật pháp ở Việt Nam, Lào và Campuchia không cho phép săn bắn và buôn bán các loài quý hiếm và nguy cấp, nhưng chỉ áp dụng cho những loài bị bắt trong tự nhiên chứ không áp dụng cho các loài được nuôi trong các trang trại thương mại. Do đó, người nuôi có thể bán các loài bắt từ tự nhiên sau khi tẩy sạch nguồn gốc bằng cách tuyên bố bất hợp pháp rằng những cá thể đó được nhân giống thương mại trong các trang trại.

Ba đề xuất chống khai thác quá mức

Báo cáo của Đại học Duke đề xuất ba can thiệp chủ yếu là can thiệp thay đổi hành vi nhằm vào người tiêu dùng các sản phẩm động vật quý hiếm để giảm nhu cầu tại Việt Nam; can thiệp để cải thiện việc thực thi bằng cách hoàn thành mã vạch DNA cho các loài rùa Đông Nam Á cũng như đào tạo các cán bộ thực thi và công tố viên về nhận dạng chính xác rùa bằng cách sử dụng một giáo án rõ ràng, được cấu trúc hợp lý với mục tiêu học tập có thể xác định được; can thiệp vào chăn nuôi bền vững, đào tạo người nuôi về sinh sản và trách nhiệm pháp lý phù hợp, cho phép bán một số động vật hoang dã để bổ sung thu nhập.

Trước tiên, để giải quyết nhu cầu rất cao về rùa, nhóm nghiên cứu đề xuất một biện pháp can thiệp thay đổi hành vi để nâng cao nhận thức của các chủ nhà hàng, chủ cửa hàng và người tiêu dùng nói chung về sự bất hợp pháp của buôn bán rùa. Bằng cách giải thích về hậu quả của việc tiêu diệt quần thể rùa bản địa và tác động tiêu cực đến di sản văn hóa Việt Nam, can thiệp này nhằm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm rùa. Lý thuyết về sự thay đổi của can thiệp này là giảm nhu cầu sẽ dẫn đến tỷ suất lợi nhuận thấp hơn cho các nhà hàng và cửa hàng, từ đó, sẽ làm giảm các ưu đãi của họ để bán các sản phẩm rùa.

Tiếp đó, nhóm đề xuất một can thiệp thực thi để giải quyết tình trạng thiếu kiến thức pháp lý và sinh học của các cán bộ thực thi và tòa án ở cấp địa phương. Can thiệp thực thi liên quan đến việc giới thiệu một giáo án giảng dạy mới về hình thái và nhận dạng DNA cho các cán bộ thực thi.

Chương trình giảng dạy mới nên được thiết kế để cung cấp các kỹ năng phát hiện nguồn gốc của động vật nuôi và phân biệt giữa các loài và các chi khác nhau. Lý thuyết về sự thay đổi cho can thiệp này là thực thi mạnh mẽ hơn sẽ làm giảm biên lợi nhuận của những kẻ buôn lậu và do đó, làm giảm động lực khiến các chủ trang trại tham gia vào hoạt động tẩy sạch động vật hoang dã.

Cuối cùng là nghiên cứu đề xuất một can thiệp chăn nuôi bền vững để thúc đẩy các chủ trang trại thương mại tham gia vào việc nhân giống động vật thích hợp. Can thiệp này sẽ cung cấp cho người nuôi các thiết bị nhân giống phù hợp và kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi an toàn và bền vững. Lý thuyết về sự thay đổi của can thiệp này là kiến thức tốt hơn về kỹ thuật chăn nuôi và sự sẵn có của thiết bị phù hợp sẽ giảm chi phí nhân giống rùa đến mức rẻ hơn là tẩy rửa bất hợp pháp nguồn gốc hoang dã của chúng.