Việt Nam cần bắt nhịp xu thế kinh tế tuần hoàn

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 19:27, 09/09/2019

(TN&MT) - Ngày 9/9, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức đã tổ chức Hội thảo khoa học “Mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”. Hội thảo nhằm cung cấp thông tin cho công tác nghiên cứu, thực hiện chuyên đề “Nghiên cứu đề xuất mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu”, chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban và TS Lê Hồng Tịnh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban đã cùng chủ trì hội thảo. Tham dự có bà Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng dân tộc; TS Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội; PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT); ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam cùng đại diện một số cơ quan, Bộ ngành, các chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực có liên quan.

anh 1
TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại hội thảo

Việt Nam chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn đúng nghĩa

Theo Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng, các thách thức về môi trường, về tài nguyên thiên nhiên đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới phải thay đổi chính sách, chiến lược và mô hình phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến một nền kinh tế xanh, sạch, nền kinh tế hiệu suất cao, nền kinh tế không phát thải và nền kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.

Việc xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn có trọng tâm là tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên có trách nhiệm, nâng cao hiệu quả sản xuất, chuyển đổi sâu sắc chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, mô hình tiêu dùng, tái thiết kế hệ thống công nghiệp và quản lý chất thải hiệu quả trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cho rằng, nếu nhìn từ góc độ bản chất, nội hàm, quá trình hình thành và phát triển để khái quát mô hình KTTH ở Việt Nam, có thể nhận thấy Việt Nam hiện chưa có mô hình KTTH đúng nghĩa. Tuy nhiên, những mô hình gần với kinh tế tuần hoàn đã có từ khá sớm. Trong nông nghiệp có mô hình vườn – ao – chuồng, vườn – rừng – ao – chuồng, thu hồi khí biogas và chất thải trong trang trại chăn nuôi. Trong ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã có các làng nghề sử dụng phế liệu, phụ phẩm, chất thải sản xuất công nghiệp, bên cạnh đó là ứng dụng, cải tiến các công đoạn sản xuất theo hướng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và thu hồi chất thải, hoặc hình thành các khu công nghiệp sinh thái mới đây ở Hải Phòng, Ninh Bình…

anh 2
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) chia sẻ về cơ hội và thách thức của Việt Nam trong phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn

Vấn đề ở đây là các mô hình dạng này mới dừng ở tái sử dụng, tái chế chất thải mang lại lợi ích về tài chính cho cơ sở sản xuất, tiêu dùng bằng cách tận dụng lại chất thải, nhưng chưa triệt tiêu chất thải và chính hoạt động của các mô hình đó lại gây ra suy thoái môi trường – ông Chinh nhấn mạnh. Ở cấp độ cao nhất của KTTH, toàn bộ các  công đoạn của quá trình sản xuất đều được thiết kế và không có chất thải đưa ra môi trường. Chất thải đều được giảm thiểu tối đa, tái sử dụng và tái chế.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, mô hình KTTH đang dần được chuyển hóa trong hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhưng đa số vẫn chưa bắt kịp với xu thế này. Nguyên nhân chủ yếu do hạn chế trong năng lực và nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam, với đại đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quan trọng hơn cả là chưa có hành lang pháp lý có liên quan, giám sát thực thi luật và đầu tư cơ sở hạ tầng hỗ trợ cần thiết.

Công nghệ - chìa khóa phát triển KTTH

Viện trưởng Nguyễn Thế Chinh chỉ ra, kinh tế tuần hoàn gắn với đổi mới công nghệ và thiết kế mô hình. Đây là thách thức lớn cần vượt qua bởi Việt Nam là quốc gia đang phát triển, phần lớn công nghệ lạc hậu và quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Thuận lợi hiện nay là chúng ta đang hướng đến cách mạng 4.0 và việc ứng dụng các mô hình KTTH sẽ gắn với công nghệ cao sẽ là cơ hội lớn cho thực hiện đầu tư các mô hình mới.

Cần có thêm cơ chế chính sách cho phát triển công nghệ sạch, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, chất thải phải là tài nguyên trong nền kinh tế, xét trên cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc phát triển các mô hình KTTH cần dựa trên các mô hình đã có và bổ sung, hoàn thiện, có sự lựa chọn phù hợp với từng ngành, lĩnh vực từ thí điểm đến triển khai nhân rộng.

Đồng quan điểm, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo Xanh cho rằng, trong điều kiện nguồn lực và tài chính của chúng ta chưa sẵn sàng, doanh nghiệp có thể bắt nhịp với xu thế, cần có những đánh giá làm thế nào gia tăng giá trị các mô hình sẵn có và phát huy vai trò của truyền thông để nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp. Những nghiên cứu tới đây để xây dựng chính sách pháp luật cần tạo ra khuôn khổ để các bên liên quan cùng tham gia, không thể chỉ nhìn KTTH ở góc độ riêng lẻ từng ngành mà cần tính đến mối liên kết, sự phối hợp giữa các ngành nghề.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Theo ông Lê Minh Đức, đại diện Hiệp hội Công nghiệp và Môi trường, để thu hút đầu tư cải tiến công nghệ nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn, cần có những cải tiến trong quản lý chất thải, đặc biệt là quản lý thông tin số lượng, khối lượng, phân loại thành phần chất thải… Nếu coi chất thải là tài nguyên thì giá trị của tài nguyên này sẽ được tính toán như thế nào. Đây là cơ sở quan trọng giúp các doanh nghiệp có cở sở đầu tư, đặc biệt là tìm kiếm thêm công nghệ nước ngoài phù hợp để đưa vào ứng dụng tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các chuyên gia môi trường, đại diện các Bộ, ngành cũng đã trao đổi, đi sâu vào những vấn đề kinh tế xã hội đặt ra hiện nay trong quá trình Việt Nam tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn và cụ thể ở một số ngành. Hầu hết các ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu để xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện để phát triển KTTH đúng nghĩa tại Việt Nam. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Ủy ban sẽ tiếp thu các ý kiến để tổng hợp tham mưu, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật và mô hình kinh tế tuần hoàn với Trung ương Đảng trong thời gian tới.