Tìm giải pháp hướng tới đô thị sạch bền vững
Môi trường - Ngày đăng : 19:16, 09/09/2019
Ông Trần Quang Đăng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng: Tiết giảm, tái sử dụng, phân loại và tái chế rác
Hải Phòng là trung tâm công nghiệp lớn khu vực phía Bắc, cùng với kinh tế cả nước, kinh tế Hải Phòng đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Việc đầu tư hạ tầng, công nghiệp gia tăng, các khu đô thị được đầu tư mở rộng, nhu cầu sinh hoạt của người dân ngày càng tăng. Kéo theo đó là vấn đề rác thải đô thị gia tăng cả về khối lượng và thành phần, đặc biệt thành phần rác thải nhựa, rác thải có khả năng tái sử dụng.
Việc tìm kiếm giải pháp, công nghệ thu gom, vận chuyển, phân loại và xử lý phù hợp với Việt Nam nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng, đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên; phát triển đô thị sạch, đẹp và bền vững là yêu cầu cấp thiết. Trong đó, chôn lấp hoặc đốt rác là giải pháp cuối cùng. Việc thực hiện vòng tuần hoàn rác bao gồm tiết giảm, tái sử dụng, phân loại và tái chế nhằm tiết giảm tối đa lượng rác chôn lấp, tăng cường tái tạo tài nguyên mới là các giải pháp bền vững.
Cụ thể, từ năm 2016 Công ty đã phối hợp cùng các chuyên gia thuộc thành phố Kitakyushu – Nhật Bản triển khai thực hiện chương trình tuyên truyền và thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Việc có một kế hoạch tổng thể kết hợp với cách làm thực tế giữa công nhân môi trường với người dân dưới đã giúp hoạt động phân loại rác tại Hải Phòng ngày càng tốt hơn. Tại Hải Phòng, các chợ và nhà hàng lớn tại khu vực nội thành đều đã được phân loại rác, các khu dân cư dần hình thành thói quen phân loại rác, rác hữu cơ, vô cơ, rác nhựa. Rác được phân loại được vận chuyển bằng phương tiện riêng biệt, được xử lý và tái chế tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tràng Cát.
Ông Phạm Cao Thắng – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội: Tập trung vào từng giai đoạn cụ thể, lộ trình rõ ràng
Để đảm bảo, cũng như duy trì tốt công tác vệ sinh môi trường, hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô sạch bền vững, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội đã tập trung giải pháp vào từng giai đoạn cụ thể, với lộ trình thực hiện rõ ràng.
Trong đó, giai đoạn 1 (2018-2020) chú trọng vào công tác “quản lý nguồn phát thải, thực hiện cơ giới hóa” thay xe gom bằng thùng rác (bỏ rác vào thùng). Công ty cũng tiến hành thay quét hút thủ công bằng máy chuyên dùng, thay thu gom thủ công bằng cơ giới và thay đổi thói quen của người dân.
Giai đoạn 2 (2021-2023), Công ty tập trung vào việc “thu rác theo giờ” bỏ rác vào thùng; Bỏ thùng tại một số tuyến để bỏ rác theo giờ, thu trực tiếp; Điều hành, giám sát bằng phần mềm; Nâng cao chất lượng thu gom vận chuyển rác đô thị.
Giai đoạn 3 (2023-2025) Công ty sẽ tiến hành bỏ rác đúng giờ; Phân loại rác tại nguồn; Thu gom rác thông minh.
Cụ thể với “quản lý nguồn phát thải” là việc xóa các "điểm đen" về rác bằng các giải pháp lắp camera quan sát, phối hợp với chính quyền địa phương xử phạt các hành vi xả rác bừa bãi. Đối với mô hình "Bỏ rác đúng giờ, thu rác cơ giới" Urenco cùng UBND các phường xây dựng phương án chi tiết cho 73 phường trên địa bàn 4 quận. Với hộ dân, Công ty tổ chức tuyên truyền thực hiện việc bỏ rác vào túi, buộc kín, chỉ bỏ rác ra 1 lần sau 19h30. Với hộ kinh doanh thì tự trang bị thùng rác, đăng ký giờ bỏ rác.
Công ty cũng nhân rộng các mô hinh trọng điểm đã thực hiện có hiệu quả như tại Hồ Hoàn Kiếm và không gian phố đi bộ với việc tăng cường công nhân tuần tra nhặt rác, sử dụng máy hút rác, chụp ảnh, ghi hình để cung cấp thông tin cho chính quyền xử phạt. Đầu tư các xe Hako thực hiện công tác quét đường 100 % bằng cơ giới thay thế công nhân thủ công, nâng cao hiệu quả làm sạch bụi đường phố, giảm công nhân thủ công quét đường 136 thủ công, chuyển sang đào tạo lái xe.
Bên cạnh đó, Công ty còn đầu tư xây dựng bản đồ số với lộ trình thu gom vận chuyển số hóa; Lập trung tâm giám sát điều hành công tác thu gom, vận chuyển; Xe quét hút cảm biến giám sát được tốc độ xe, thời gian hạ chổi; Điều hành hệ thống giám sát hành trình GPS. Thông qua các giải pháp trên chất lượng vệ sinh môi trường được nâng cao rõ rệt. Đặc biệt, nhiều người dân còn tự giác dọn rác sau khi được tuyên truyền, giải thích.
Bà Đào Thị Hoàng Loan – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên: Công tác thu gom rác được cải tiến, cơ giới hóa phù hợp với đô thị hóa
Hiện nay Công ty đang thực hiện công tác thu gom rác thải sinh hoạt trên toàn địa bàn thành phố và vận chuyển từ hơn 100 điểm cẩu rác tạm thời về Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đá Mài để xử lý bằng 2 công nghệ đó là: chôn lấp hợp vệ sinh và công nghệ đốt.
Đối với công tác thu gom rác ngoài sử dụng phương tiện thu gom rác bằng xe gom rác đẩy tay, công ty còn đang thực hiện cơ giới hóa công tác thu gom bằng xe điện 3 bánh; xe tải nhỏ… Để phục vụ cho việc thu gom rác, thành phố đã cho sửa chữa, cải tạo các xe gom rác đẩy tay bằng cách chia làm 2 ngăn (một ngăn đựng rác đốt được và một ngăn đựng rác không đốt được).
Cùng với đó, số lượng xe thu gom, vận chuyển rác được đầu tư đồng bộ, hiện đại phù hợp với điều kiện giao thông của thành phố; việc vận chuyển được thực hiện theo tuyến, lộ trình nhằm đảm bảo cự ly vận chuyển hợp lý; công tác thu gom rác được cải tiến, cơ giới hóa để phù hợp với sự phát triển đô thị hóa của thành phố Thái Nguyên.