Giữ “kho báu” thiên nhiên ở Cù Lao Chàm
Biển đảo - Ngày đăng : 13:05, 08/09/2019
Áp lực lớn từ du lịch
Nước ta có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, nhưng chỉ có Cù Lao Chàm nằm trong phạm vi của một khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cù Lao Chàm có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học với 125 hecta rạn san hô, 30 hecta thảm cỏ biển phân bố xung quanh các đảo. Nguồn lợi khai thác liên quan đến các hệ sinh thái bước đầu thống kê trên 506 tấn trên rạn san hô và hơn 11 ngàn tấn ở vùng đáy mềm xung quanh các đảo.
Cù Lao Chàm đã vạch ra một lộ trình phát triển. Tuy nhiên, sự bùng nổ du lịch cũng đã mang đến nhiều hệ lụy và thách thức. TS. Nguyễn Văn Long, Ủy viên Viện Hải dương học cho rằng, những tác động tiêu cực từ du lịch khiến các rạn san hô và thảm cỏ biển không còn duy trì tốt với độ phủ trung bình thấp. Nguồn lợi sinh vật trong hệ sinh thái khá nghèo nàn với những nhóm sinh vật chủ yếu thuộc loại có kích thước nhỏ và giá trị không cao.
“Theo cách tính bình quân, một điểm đến du lịch không được vượt quá 2.400 lượt khách một năm. Cù Lao Chàm chỉ có khoảng 5,6 điểm nhưng mỗi ngày đón gần 3000 du khách. Chỉ cần một phép tính nhân đơn giản cũng đủ để thấy con số này quá khổng lồ so với 15km2 diện tích đảo”, TS. Nguyễn Văn Long cho biết.
Về bảo tồn tài nguyên rừng ở Cù Lao Chàm, ThS. Trần Hữu Vỹ- Trung tâm bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh cho biết, hiện tại chỉ có 3 cơ quan chức năng trực tiếp quản lý rừng gồm UBND xã Tân Hiệp, Chi cục Kiểm lâm và BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Tuy nhiên, việc phân công nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị chưa phát huy nhiều hiệu quả.
“Bên cạnh đó, việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng ở Bãi Hương, đường quốc phòng kết hợp dân sinh ven bờ đảo hòn Lao làm mất phần lớn diện tích rừng tự nhiên, phá vỡ tính liên tục của hệ sinh thái từ rừng xuống biển. Bên cạnh đó, các công trình còn ngăn trở sự di chuyển của động vật xuống biển, cụ thể là loài Cua Đá”, ThS. Trần Hữu Vỹ chia sẻ.
Nhân rộng mô hình đồng quản lý
10 năm Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới cũng là chặng đường gìn giữ “báu vật” thiên nhiên đầy gian lao của đất và người nơi đây. Trước bài toán khó về du lịch và bảo tồn, TS. Chu Mạnh Trinh, BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đề xuất mô hình đồng quản lý như là một công cụ hỗ trợ hài hòa các mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học nhưng vẫn cải thiện sinh kế và phát triển kinh tế xã hội tại khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.
Theo đó, về mặt quản lý Nhà nước, hệ sinh thái biển và vùng ven bờ được quản lý bởi luật, nghị định và các thông tư tương ứng với quản lý tài sản công cộng, bên cạnh việc gắn kết và tư vấn khoa học từ chuyên gia. Trong đó, lợi ích của người dân địa phương chính là động lực cho bảo vệ, bảo tồn và phát triển lâu bền theo cơ chế hợp tác chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giữa các bên liên quan theo tổ chức ban quản lý.
“Thành công tại các mô hình du lịch sinh thái tại xã Cẩm Thanh (TP. Hội An, Quảng Nam) hay mô hình đồng quản lý, phục hồi rạn san hô của cộng đồng và doanh nghiệp tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm sẽ mở ra cơ hội để Cù Lao Chàm gia tăng kết nối các tuyến du lịch mà vẫn đảm bảo vai trò chủ thể của nười dân địa phương trong khu bảo tồn sinh quyển”, TS. Chu Mạnh Trinh phát biểu.
TS. Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học cho rằng bên cạnh các vấn đề pháp lý, cần nâng cao nhận thức của chính những người làm du lịch. “Từ bài học nhãn tiền của du lịch và môi trường tại đảo Phú Quốc, phát triển du lịch một cách quá tải tại Cù Lao Chàm sẽ đem đến thảm họa chứ không phải sự bền vững như ta mong đợi”.
Điều cốt lõi của kế hoạch phát triển du lịch Cù Lao Chàm bền vững là phải giữ gìn, khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ rừng đến biển. Để đảm bảo yêu cầu này, rất cần những nỗ của cộng đồng dân cư, những nhà làm du lịch và cả khách du lịch.