Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên: Cần xác định tiêu chí môi trường, cảnh quan là trọng tâm ưu tiên

Trong nước - Ngày đăng : 14:39, 07/09/2019

(TN&MT)-  Sáng 7/9, tại tỉnh Quảng Nam, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai tại vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 500 đại biểu đến từ các bộ, ngành TW và 13 tỉnh thành phố thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân tham dự Hội nghị.

ntm3
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, định hướng cho giai đoạn sau 2020 cần xác định tiêu chí môi trường, cảnh quan là trọng tâm ưu tiên

Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (DHNTB) và Tây Nguyên (TN) bao gồm 13 tỉnh, thành phố, chiếm khoảng 30% diện tích của cả nước với hơn 40 đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của cả nước;  nhiều cảng biển, đường giao thông, đường sắt, đường hàng không nối liền với các vùng khác trong cả nước và quốc tế, có tài nguyên đất đai và khí hậu đa dạng, phong phú là điều kiện rất thuận lợi để phát triển một nền kinh tế toàn diện.

Tuy nhiên, do địa hình bị chia cắt và khí hậu phức tạp (nhiều khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ, hạn hán…), có xuất phát điểm thấp và tồn tại nhiều bất lợi trong quá trình phát triển,… nên sau hơn 09 năm triển khai Chương trình, kết quả xây dựng nông thôn mới của cả 02 vùng hạn chế hơn so với các vùng khác của cả nước.

ntm2
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vùng DHNTB và TN

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo TƯ – Trần Thanh Nam cho biết, đến tháng 8/2019, vùng DHNTB và TN có 604/1.424 xã (chiếm tỷ lệ 42,41%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thấp hơn so với mức đạt chuẩn cả nước (cả nước có 4.522 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 50,8%)….

Thực hiện Chương trình NTM, trong những năm qua, vùng DHNTB đã chú trọng phát huy kinh tế biển, gồm du lịch biển và khai thác thủy hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Sản lượng thủy hải sản khai thác ước đạt 887,5 nghìn tấn/năm (chiếm 29,23% cả nước); số lượng tàu khai thác thủy hải sản biển có công suất từ 90 CV trở lên: 11.673 chiếc (chiếm 40,65% cả nước). Đặc biệt, vùng biển Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định là nơi cho khai thác nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như cá ngừ, tôm hùm, hải sâm... Còn các tỉnh Tây Nguyên chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung (bơ, sầu riêng, hồ tiêu,… ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum; cà phê ở tất cả các tỉnh; rau, hoa ở Lâm Đồng; sâm Ngọc Linh ở Kon Tum…).

ntm4
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tham quan các gian hàng sản phẩm nông nghiệp vùng

Tuy nhiên, nhiều ngành kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp) vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, có nơi quá lạm dụng khai thác tài nguyên khoáng sản, rừng, biển, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững của hệ sinh thái; các liên kết cụm ngành còn thiếu, khả năng lan tỏa hạn chế; nhiều tiềm năng “rừng vàng, biển bạc” vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Riêng tiêu chí môi trường, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt còn thấp; tính chủ động của nhiều địa phương trong tìm kiếm, lựa chọn công nghệ, thu hút nhà đầu tư xây dựng các công trình xử lý rác thải còn chưa cao; việc tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác tham gia phân loại rác tại nguồn mới chỉ được một vài địa phương thực hiện; nhiều nơi, tiêu chí môi trường tuy đã đạt, nhưng chưa thực sự bền vững hoặc đi vào chiều sâu.

ntm5
Mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái mang lại thu nhập cao cho người nông dân Hội An, Quảng Nam

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG cho rằng, định hướng cho giai đoạn sau 2020 cần xác định tiêu chí môi trường, cảnh quan là trọng tâm ưu tiên. Để thực hiện được điều này, chính quyền các địa phương phải sớm xác định vị trí xử lý rác thải lâu dài, không thể manh mún như hiện nay bằng công nghệ hiện đại; từng hộ gia đình, thôn bản tập trung phân loại tại nguồn; Các tỉnh ven biển từng bước giảm thiểu sử dụng túi ni lông, hạn chế sản phẩm nhựa một lần để bảo vệ môi trường biển; Chú trọng đi vào nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên; Tiếp tục phát huy vai trò của mặt trận, các đoàn thể, già làng, trưởng bản và vai trò của các tôn giáo trong công tác bảo vệ môi trường….

“Đề nghị các bộ, ngành cùng phối hợp cần đặc biệt quan tâm hơn nữa đến công tác môi trường không để môi trường tụt lại phía sau, những giá trị mất đi không thể lấy lại được nữa… Môi trường tốt là sẽ nâng cao chất lượng của cuộc sống của người dân. Đây chính là tiêu chí để rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị”- Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đề xuất.

Để xây dựng nông thôn mới tại khu vực này thành công như mục tiêu đã đặt ra, theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, các tỉnh, thành DHNTB và TN phải xác định nông nghiệp – nông dân – nông thôn là thế mạnh, là dư địa, là đặc thù của Việt Nam. Các tỉnh thành phải coi đây là sự nghiệp của dân, và không ai làm thay cho các địa phương, làm tốt bằng các địa phương. Về các kiến nghị, vướng mắc, tồn tại, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục và sớm có giải pháp khắc phục.

“Muốn xây dựng nông thôn mới, trước hết phải tuyên truyền chuyển cấp cho cán bộ để từ đó có nhiều hơn nữa những chính sách đúng đắn, thúc đẩy kinh tế nông thôn. Sau hội nghị này, các địa phương phải tổ chức tổng kết, rút ra những kinh nghiệm để thực hiện mục tiêu đề ra trong thời gian tới nhằm đạt được những kết quả tốt nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.