Somalia: Vụ thu hoạch tồi tệ nhất kể từ năm 2011, hơn 2 triệu người ​​sẽ không có lương thực

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 18:35, 06/09/2019

(TN&MT) – Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), vụ thu hoạch ngũ cốc ở quốc gia Somalia năm 2019 được đánh giá là thấp nhất trong lịch sử kể từ năm 2011, khi nạn đói căng thẳng đã làm khan hiếm nguồn tài nguyên.
Ở những vùng bị hạn hán ở Somalia, các gia đình đang từ bỏ nhà cửa và di dời đến các thành phố hoặc vùng đất nơi có viện trợ (28/3/2017). Ảnh: Anouk Delafortrie
Ở những vùng bị hạn hán ở Somalia, các gia đình đang từ bỏ nhà cửa và di dời đến các thành phố hoặc vùng đất nơi có viện trợ (28/3/2017). Ảnh: Anouk Delafortrie

Những cơn mưa đến chậm xảy ra trong vụ mùa (từ tháng 4 - 6), những lòng sông khô cằn đã tạo ra mức thu hoạch thấp hơn mức trung bình tới 70% ở một số nơi. Theo báo cáo mới nhất từ đơn vị phân tích an ninh lương thực và dinh dưỡng của Somalia FSNAU, nạn đói hoành hành khiến hơn 2 triệu người khốn đốn.

“Trong trường hợp không có hỗ trợ nhân đạo, sẽ có 2,1 triệu người trên khắp Somalia phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng trong tháng 12 tới. Theo dự báo, điều này sẽ khiến 6,3 triệu người Somalia mất an ninh lương thực vào cuối năm nay”, Liên Hợp Quốc cảnh báo.

Khí hậu thất thường và dễ bị tổn thương

Vấn đề gợi lại năm 2018, khi những cơn mưa nhỏ xảy ra từ tháng 10 đến tháng 12 xảy ra trước mùa khô khắc nghiệt vào đầu năm nay. Theo số liệu phân tích gần đây nhất của FAO, mưa thất thường, hạn hán xảy ra trong tháng 4 đến đầu tháng 5 dẫn đến sự suy giảm sản lượng mùa vụ và chăn nuôi trong tháng 7, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng ngũ cốc của Somalia.

Liên Hợp Quốc cho biết: “Tình hình khí hậu khắc nghiệt cùng với nghèo đói xảy ra trên diện rộng là những nguyên nhân chính khiến hàng triệu người Somalia bị đói và suy dinh dưỡng trầm trọng”.

Khoảng 2,2 triệu người được ước tính là mất an ninh lương thực nghiêm trọng, rơi vào giai đoạn 3 và 4 trong 5 năm giai đoạn của Phân loại Giai đoạn Tích hợp (IPC). Giai đoạn 3 biểu thị tình trạng khủng hoảng với mức độ suy dinh dưỡng cao hơn mức bình thường và giai đoạn 4 cho thấy mức độ suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong cao.

Con số này cao hơn 40% so với ước tính dân số bị mất an toàn lương thực của FAO từ đầu năm nay, với ước tính 2,6 triệu người phải di dời khỏi nội thành và sống trong các khu định cư tạm thời ở vùng ngoại ô, đối mặt với nạn đói.

“Nếu không tăng cường các biện pháp can thiệp, 1 triệu trẻ em có thể sẽ bị suy dinh dưỡng nặng trong năm tới, trong đó 180.000 người có khả năng bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng”, Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.

Người đứng đầu Cơ quan Nhân đạo và Quản lý Thảm họa cho chính phủ Somalia - Hamza Said Hamza chia sẻ: “Mặc dù tình hình khí hậu căng thằng không làm trầm trọng thêm nhu cầu cần thiết, nhưng nó không dẫn đến thảm họa quy mô lớn. Chúng ta phải tiếp tục phối hợp để tăng cường năng lực của Somalia trong việc chống lại tình hình này và xác định các giải pháp lâu dài”.

Dự báo mưa lớn, tìm kế hoạch ứng phó

Theo Liên Hợp Quốc, dự báo cho thấy có 45 - 55% khả năng lượng mưa trên mức trung bình sẽ xảy ra trong mùa vụ tiếp theo (từ tháng 10 đến tháng 12), được cho là “sẽ rất quan trọng để tránh tình trạng an ninh lương thực xấu đi ở Somalia”.

Cộng đồng Nhân đạo và Chính phủ Somalia đã cùng nhau đưa ra Kế hoạch ứng phó hạn hán (DIRP) để bảo đảm an toàn từ tháng 6 - 12/2019, tuy nhiên khoản tài trợ 487 triệu USD nhận được cho đến nay chưa đáp ứng được một phần hai yêu cầu.

George Conway - Điều phối viên nhân đạo của LHQ tại Somalia đã thúc giục các nguồn lực bổ sung và sự phối hợp hỗ trợ từ các nhà tài trợ. “Các đối tác nhân đạo sẵn sàng giúp đỡ nhưng họ không thể làm nếu không có đủ nguồn lực” - George Conway nhấn mạnh.