Trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp nhiều hệ lụy - Bài 1: “Xé rào” trồng rừng kinh tế

Đất đai - Ngày đăng : 11:46, 05/09/2019

(TN&MT) - Hàng nghìn ha đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định được phủ xanh bởi các loại cây lâm nghiệp như keo lai, bạch đàn. Đây là hệ quả của việc người dân “xé rào”, tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trong khi đó, chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan lúng túng, chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
anh 42 cay keo phu xanh tren dat lua tai xa canh hien
Cây keo phủ xanh trên đất nông nghiệp tại xã Canh Hiển (Vân Canh)

Theo Sở NN&PTNT Bình Định, toàn tỉnh hiện có hơn 6.149 ha đất nông nghiệp bị người dân chuyển đổi mục đích sang trồng các loại cây lâm nghiệp như keo lai, bạch đàn, sao đen, quế, sầu đông. Huyện Phù Mỹ (hơn 2.387 ha), Tây Sơn (hơn 1.360 ha), Vĩnh Thạnh (hơn 874 ha), Vân Canh (hơn 738 ha),… là những địa phương nằm trong “tốp đầu” vi phạm.

“Rừng” trên đất nông nghiệp

Tại huyện Phù Mỹ, dọc 2 bên tuyến đường bê tông xi măng từ Đèo Nhông đi Mỹ Thọ - thuộc địa phận xã Mỹ Phong - ngút ngàn màu xanh của cây keo lai, keo lá tràm. Tất cả diện tích này được quy hoạch chức năng đất nông nghiệp, trồng cây điều thuộc Dự án PAM triển khai từ đầu những năm 1990. Nhiều năm nay, các hộ dân được giao đất đã tự ý phá bỏ cây điều, chuyển sang trồng cây keo lai do trồng cây keo lai đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Không riêng xã Mỹ Phong, tại một số xã như Mỹ Châu, Mỹ Lộc, Mỹ Hòa (Phù Mỹ), nhiều người dân tự ý trồng cây keo, bạch đàn trên đất nông nghiệp. Ông Nguyễn Thành Khâm, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ cho biết: Diện tích đất nông nghiệp trước đây được quy hoạch trồng cây lâu năm (điều), hàng năm (dứa) đều bị người dân tự ý chuyển sang trồng cây lâm nghiệp. Đây là một trong những lý do khiến huyện Phù Mỹ dẫn đầu toàn tỉnh về thực trạng này. Ngoài ra, một số ít diện tích đất trồng lúa 1 vụ gặp khó khăn về nước tưới, đất bạc màu cũng được người dân chuyển sang trồng keo.

Tại huyện Vân Canh, hàng trăm ha đất chạy dọc sông Hà Thanh - từ địa phận xã Canh Vinh đến xã Canh Thuận - trước đây vốn trồng lúa, mì, mía, nhưng nay đã thành rừng keo, bạch đàn. Những xã có đất nông nghiệp bị người dân “quy hoạch” qua trồng cây lâm nghiệp chiếm diện tích lớn là Canh Thuận (254 ha), Canh Hòa (100 ha), thị trấn Vân Canh (245 ha)…

Theo ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Vân Canh có nhiều đặc điểm khác biệt so với các địa phương khác trong tỉnh. Vì không có khả năng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nên người dân tự ý chuyển sang trồng cây keo, bạch đàn trên đất nông nghiệp sau khi canh tác 2 - 3 chu kỳ cây mì hoặc cây bắp.

Tương tự, tình trạng người dân trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp cũng diễn ra khá “nóng” tại các huyện Hoài Ân, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Nhơn… Những “rừng” keo xanh ngút ngàn nằm xen kẽ, liền kề với các cánh đồng lúa trở nên phổ biến tại hầu hết các địa phương.

anh 43 nguoi dan xa an tuong tay khai thac keo (1)
Việc xử lý tình trạng trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp chỉ dừng ở mức cho dân cam kết không tái trồng sau chu kỳ khai thác

Loay hoay xử lý

Việc nhiều người dân “xé rào”, tự trồng cây lâm nghiệp trên đất quy hoạch chức năng nông nghiệp diễn ra ồ ạt, tràn lan là hành vi sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai. Nghiêm trọng hơn, việc làm này phá vỡ quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp tại các địa phương nhưng chính quyền các địa phương, ngành chức năng liên quan còn lúng túng, chưa kịp thời, kiên quyết ngăn chặn, xử lý dứt điểm.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Bình Định), đến tháng 5/2019, chỉ 5 địa phương là huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, Phù Cát, TX. An Nhơn thống kế số hộ trồng cây lâm nghiệp trái phép trên đất nông nghiệp. 6/11 huyện, thành phố còn lại của tỉnh chưa thống kê; trong đó, có những địa phương số diện tích vi phạm rất lớn như huyện Phù Mỹ (hơn 2.387 ha), Tây Sơn (hơn 1.360 ha).   

Qua làm việc với nhiều địa phương, lãnh đạo các xã, thị trấn đều than gặp khó trong khâu thống kê số hộ vi phạm, cũng như công tác ngăn chặn, xử lý do là địa bàn rộng, người dân trồng phân tán nhiều vùng nên công tác kiểm tra, kiểm soát gặp khó.

Bà Lê Hiếu Nam, Chủ tịch UBND thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh), tâm tư: “Toàn thị trấn có 288 hộ dân trồng cây keo, bạch đàn trên đất nông nghiệp với tổng diện tích 245 ha. Mặc dù, đây là hành vi sử dụng đất sai mục đích nhưng địa phương khó xử lý dứt điểm. Trước mắt, UBND thị trấn đã họp dân, thông báo chủ trương sử dụng đất, đồng thời, yêu cầu dân ký cam kết sau chu kỳ khai thác không tái trồng. Trường hợp tái phạm, sẽ căn cứ nội dung bản cam kết để xử lý”.

Ông Đỗ Văn Định, Chủ tịch UBND xã Bình Nghi (Tây Sơn) cho biết: “UBND xã nhiều lần tuyên truyền, vận động, nhưng đại bộ phận bà con không chấp hành. Xã không thể cưỡng chế, nhổ bỏ số keo dân đã trồng”.

Ông Lê Bá Thành, Bí thư Huyện ủy Vân Canh cho biết: “Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định 102/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ không quy định cụ thể việc xử phạt trường hợp trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp. Vì vậy, UBND các xã, thị trấn lúng túng trong công tác xử lý là điều khó tránh khỏi”.

Địa phương than khó, song, ở góc độ chuyên môn, ông Nguyễn Tấn Phát, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Định cho rằng: Bên cạnh quy định, chế tài xử lý thiếu chặt chẽ, một số huyện chưa có hướng dẫn cụ thể các xã, thị trấn xây dựng những mô hình chuyển đổi cây trồng phù hợp; gắn với chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác để nâng cao năng suất, hiệu quả cây nông nghiệp. Trong khi đó, cây keo lai, bạch đàn vốn dễ trồng, chi phí đầu tư thấp. Với tâm lý “ăn sỏi” nên nhiều người dân “tìm đến” các loại cây này; trong đó, có việc “xé rào” trồng trên đất nông nghiệp.

Theo ông Lê Văn Tùng, Giám đốc Sở TN&MT Bình Định: Việc xử lý tình trạng trên gặp khúc mắc ở chỗ các quy định, chế tài còn chung chung, chưa cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt, đối với các diện tích đất nông nghiệp đã giao quyền cho người dân, việc họ tự trồng cây keo, bạch đàn trên đất lại càng khó xử lý. Bởi đây là hoạt động canh tác, sản xuất của người dân trên đất đã được Nhà nước giao quyền. Những khó khăn, vướng mắc khiến việc xử lý tình trạng trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp chưa kịp thời, dứt điểm; gây ra nhiều hệ lụy xấu, ảnh hưởng đến công tác quy hoạch sử dụng đất nói chung, đất nông nghiệp nói riêng.