Quảng Trị: Nhiều nơi chìm trong biển nước, hàng nghìn hộ dân tiếp tục được sơ tán
Trong nước - Ngày đăng : 22:00, 04/09/2019
(TN&MT) - Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, toàn tỉnh Quảng Trị có mưa lớn kéo dài, có nơi lượng mưa đo được trên 500 mm, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sản xuất của người dân.
Trước tình hình đó, ngày 4/9, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai và ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã đi kiểm tra công tác ứng phó với lưa lũ tại huyện miền núi và đồng bằng đang bị ảnh hưởng nặng nề.
Tính đến chiều 4/9, để đảm bảo sự an toàn cho người dân, các cấp chính quyền, ngành liên quan và cơ quan chức năng đã tiến hành sơ tán, di dời 1.047 hộ dân với 4.668 người ở vùng nguy hiểm thuộc các huyện Hướng Hóa, Đakrông và Cam Lộ. Riêng tại huyện Hướng Hóa, có 931 hộ dân với 4.220 người dân đã được đưa đến nơi an toàn.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên địa bàn miền núi Quảng Trị có mưa to và có nơi rất to, gây ngập lụt và chia cắt cục bộ ở các xã miền núi, biên giới ở vùng Lìa huyện Hướng Hóa và các xã dọc tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây huyện Đakrông.
Mưa lũ đã khiến 10 khóm của thị trấn Lao Bảo gồm: Đông Chính, Vĩnh Hoa, Xuân Phước, Duy Tân, Cao Việt, Ka Tăng, Trung Chính, Tân Kim, Ka Túp, An Hà bị ngập sâu trong nước. Người dân phải sử dụng thuyền để di chuyển.
Một số khu vực như khóm Duy Tân, Vĩnh Hoa, An Hà, Cao Việt… bị ngập từ 4 - 5m, nước lên tới nóc nhà. Các địa bàn còn lại mực nước ngập trung bình từ 1 - 1,5m. Nước sông Sê Pôn dâng cao, lũ đổ về lúc nửa đêm khiến người dân trở tay không kịp.
Kiểm tra tại khu vực huyện Hướng Hóa, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị lưu ý các địa phương cần theo dõi sát sao diễn biến của áp thấp nhiệt đới để có biện pháp ứng phó. Tuyệt đối không được chủ quan, không để xảy ra chết người trong và sau lũ.
UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác công trình Thủy lợi và các chủ đập cần theo dõi sát các công trình hồ đập để đề phòng hiện tượng sau thời gian hạn hán kéo dài khi gặp mưa lớn dễ xảy ra sạt trược mái đập. Huy động lực lượng tại chỗ di dời người dân ra khỏi vùng ngập lụt, tiến hành cưỡng chế di dời nếu thấy cần thiết để đảm bảo cho người dân. Vệ sinh khu vực nhà dân, khu vực công cộng sau khi nước rút, đảm bảo vệ sinh sau lũ. Các lực lượng Biên phòng, Công an thường xuyên túc trực ở nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở trước trong và sau bão lũ 24/24.
Hiện nay, trên địa bàn vẫn mưa rất to, dự kiến tình hình mưa lũ sẽ còn diễn biến phức tạp. Các lực lượng vẫn đang túc trực tại các địa điểm xung yếu. Đối với những khu vực ngập sâu, chính quyền địa phương kiên quyết không để người dân trở về nhà khi nước vẫn còn dâng lên. Tại các địa điểm tập trung dân, chính quyền địa phương cũng đã hỗ trợ lương thực, thực phẩm và nước uống với quyết tâm không để một người dân nào phải chịu đói, chịu rét.
Không chỉ thiệt hại về tài sản, mưa lớn kéo dài còn làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân. Theo số liệu thống kê mới nhất, toàn tỉnh hiện có 4.483 ha lúa bị ngập úng; 345,4 ha hoa màu bị hư hỏng nặng; 50,4 ha cây trồng hàng năm bị gãy đổ, hư hại… Nhiều gia súc, gia cầm của người dân đã bị chết do nước cuốn trôi hoặc ngập lụt. Tại huyện Hướng Hóa, các vườn chanh leo người dân liên kết với doanh nghiệp để trồng bị rụng quả nhiều, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế.
Hiện Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ đến các địa bàn xung yếu bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai để kịp thời hỗ trợ người dân.
Để giảm tải cho ngập lũ ở Thành Cổ và TX.Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị chỉ đạo mở cống An Tiêm, thuộc hệ thống Nam Thạch Hãn để giảm lũ, với lưu lượng bước đầu là 50m3/giây. Hiện tình hình mưa lũ ở Quảng Trị đang còn nhiều diễn biến phức tạp.
Kiểm tra tình hình ứng phó mưa lũ tại Quảng Trị, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị địa phương thực hiện tốt công tác di dân, đảm bảo trước mắt an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Tiến hành cắt điện ở những nơi bị ngập sâu tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra với người dân trong mưa lũ. Với những thiệt hại do thiên tai gây ra trong đợt này, tỉnh cần sớm có báo cáo cụ thể gửi cơ quan trung ương xem xét hỗ trợ khắc phục…
Dịp này, đoàn đã đến thăm, trao quà hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
Trước tình hình mưa lũ vẫn đang diễn biến phức tạp, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã gửi công văn cho các địa phương về kế hoạch tổ chức khai giảng. Theo đó, các trường phải chủ động xây dựng các phương án tổ chức lễ khai giảng tại đơn vị đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Nếu tình hình thời tiết bình thường, địa bàn cư trú của học sinh không bị chia cắt, ngập lụt, các đơn vị tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2019 - 2020. Trong trường hợp mưa kéo dài không thể tổ chức lễ khai giảng ở ngoài trời, các trường có thể sử dụng hội trường, phòng họp... để tổ chức.
Trường hợp thời tiết trên địa bàn diễn biến xấu, có thể gây nguy hiểm đối với học sinh, đặc biệt tại các khu vực xung yếu, địa bàn bị chia cắt do mưa lũ... các trường chủ động dừng tổ chức lễ khai giảng, đồng thời báo cáo với phòng và sở để tổ chức Lễ khai giảng vào thời điểm phù hợp.