Hội thảo Truyền thông về hạ tầng giao thông: Nhìn nhận và định hướng
Xã hội - Ngày đăng : 15:35, 04/09/2019
Sáng 4/9/2019, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam tổ chức hội thảo Truyền thông về hạ tầng giao thông: Nhìn nhận và định hướng.
Tham dự hội thảo có ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải; ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội; đại diện của Ngân hàng Nhà nước; Kiểm toán Nhà nước; các chuyên gia trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, kinh tế, đại diện một số chủ đầu tư dự án BOT và đông đảo các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương. Hội thảo được chia làm 3 phần: Thành tự và bất cập; Kiến nghị xây dựng chính sách, pháp luật; Định hướng truyền thông.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu đã được phát biểu, trao đổi công khai nhằm tìm ra những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, khúc mắc mà những dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông (theo hình thức đối tác công tư – PPP, BOT …) vướng phải thời gian qua.
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Một hội thảo hết sức thiết thực với cơ quan báo chí
Đây là hội thảo có nội dung rộng, có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hoạt động đối tác công tư – PPP mà còn hết sức thiết thực đối với cơ quan báo chí trong việc tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức, góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí về lĩnh vực này. Tôi đề nghị các đại biểu dành thời gian, trí tuệ, tình cảm và trách nhiệm, đóng góp ý kiến, đề xuất nhiều sáng kiến nhằm góp phần xây dựng luật về PPP và hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông ngày càng hiệu quả hơn.
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải: Mong người dân thấu hiểu hơn nữa
Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải thì nhu cầu nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông là rất lớn và hiện nay ngân sách mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu. Vì thế, một trong những giải pháp để tăng cường đầu tư vào hạ tầng giao thông chính là hình thức đối tác công tư - PPP. Đây là hình thức không mới và một số nước thường áp dụng ở giai đoạn đầu cần nguồn lực để phát triển đất nước. Thực tế Việt Nam mới chỉ áp dụng hình thức này từ năm 2011. Chúng tôi cũng thống kê Việt Nam hiện có khoảng trên 500.000 km đường quốc lộ nhưng chất lượng tuyến đường mới đạt khoảng 30- 35% theo tiêu chuẩn đặt ra. Nói như vậy để thấy, việc sử dụng hình thức BOT là rất cần thiết.
Tuy nhiên vừa rồi dư luận cũng lên tiếng nhiều về những bất cập ở một số dự án BOT. Lãnh đạo Bộ Giao thông và Vận tải cũng rất suy nghĩ nhưng có nhiều câu hỏi tôi muốn nêu ra để mọi người cùng thảo luận. Thường thì mọi người cho rằng việc đầu tư xây dựng BOT phải làm con đường mới, tránh con đường độc đạo để người dân có lựa chọn. Tuy nhiên nếu nói như vậy thì việc này chỉ phù hợp với xây dựng đường cao tốc. Vậy thì những đường nhỏ, đường xuống cấp thì phải làm sao trong khi ngân sách không đáp ứng nổi? Thực tế có nhiều con đường độc đạo nếu cho làm BOT thì lợi ích nó mang lại rất nhiều. Vì vậy tôi mong muốn các chuyên gia, các cơ quan truyền thông thấu hiểu để sắp tới Bộ có thể tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Điều quan trọng là phải thống nhất về mặt nhận thức
Vấn đề của chúng ta khi đề cập tới các dự án hạ tầng giao thông là chưa đánh giá đúng bản chất của vấn đề. Hiện nay rủi ro đối với các dự án BOT rất nhiều nhưng việc chia sẻ rủi ro lại rất ít. Tôi cho rằng điều cần làm đầu tiên là phải thống nhất về mặt nhận thức, nếu không thì chúng ta sẽ thất bại. Sự thống nhất về mặt nhận thức không nằm ở việc chúng ta không làm được một con đường mà chúng ta tạo ra những rào cản, rủi ro. Bên cạnh việc coi các dự án BOT là một sứ mệnh thì điều quan trọng là phải đưa tất cả những gì liên quan tới lợi ích ra ánh sáng. Chúng ta phải công khai trong dự án này thì doanh nghiệp được gì, nhà nước được gì và người dân được gì (cả vật chất lẫn tinh thần). Tiếp đến chúng ta mới cần làm tốt làm tốt công tác tuyên truyền từ trung ương tới địa phương để tránh tình trạng: khi vui thì vỗ tay vào, đến khi sóng cả thì nào thấy ai.
GS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam: Cần tạo điều kiện để doanh nghiệp VN lớn lên
Tôi cho rằng các dự án hạ tầng giao thông phải là đột phá chiến lược, trong đó các dự án PPP được coi là đột phá trong đột phá trong cách làm và thể chế. Tuy nhiên thực tế môi trường chính sách, hệ thống pháp lý của chúng ta có tính bất ổn cao. Chúng ta nỗ lực làm luật theo nghĩa ứng phó, cơi nới nhiều hơn trong khi nền tảng cũ bị xung đột rất nhiều. Tôi đã kiến nghị tới chính phủ phải thay đổi tư duy này nếu không, chẳng chủ đầu tư nào có thể sống được với tình trạng thay đổi chính sách liên tục như vậy. Lòng tin của nhà đầu tư và đối với nhà đầu tư sẽ vỡ hết. Tôi cho rằng, chúng ta thậm chí cần có những khuôn khổ chính sách riêng cho những dự án đặc biệt.
Riêng đối với các dự án BOT, tôi cho rằng phải coi đó mang tính quốc gia và chúng ta phải khuyến khích người thắng chứ không phải chọn người thắng. Nếu đơn vị nào cam kết về chất lượng, trách nhiệm thì nhà nước phải hỗ trợ, kể cả việc đứng ra bảo lãnh vốn để chủ đầu tư vay vốn ngân hàng. Theo tôi, đối với những dự án lớn về hạ tầng, chính phủ phải coi đó là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam lớn lên. Thực tế hiện nay doanh nghiệp trong nước không được coi trọng, bị trói buộc kinh khủng quá trong khi doanh nghiệp nước ngoài lại được tạo điều kiện quá mức dù năng lực của họ không hơn gì nhiều so với chúng ta. Vì thế tôi nghĩ rằng chúng ta phải có chủ đích rõ ràng để khuyến khích doanh nghiệp trong nước lớn lên.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch tập đoàn Đèo Cả: Khó trăm bề
Là một nhà đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT thời gian qua, tôi xin nêu ra một số khó khăn mà chúng tôi đang vướng phải. Thứ nhất, cơ chế chính sách của chúng ta thường xuyên thay đổi gây khó khăn, vướng mắc tới quá trình quản lý, thực hiện dự án. Thứ hai liên quan tới vấn đề vốn và ngân hàng. Tôi nghĩ rằng ngân hàng phải là bạn đồng hành với chủ đầu tư trong việc cho vay vốn thực hiện dự án từ những bước đầu tiên cho tới khi hoàn thiện. Tuy nhiên thực tế lại không phải như vậy. Họ chỉ biết thu đủ, thu xong nhưng nếu có bất lợi thì họ ngừng cấp vốn. Như vậy thì chủ đầu tư chúng tôi phải sống như thế nào? Thứ ba liên quan tới cơ quan kiểm tra, giám sát. Đây là lực lượng được xem là trọng tài giúp đỡ các bên liên quan nhưng như vừa rồi, ông Nguyễn Văn Dương - chủ dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn bị bắt vì đường dây đánh bạc, rửa tiền thì những đơn vị phối hợp như chúng tôi bị sát hạch liên tục bởi cơ quan an ninh. Chúng tôi thực sự lo lắng trăm bề. Thứ tư liên quan tới vấn đề truyền thông. Thời gian qua, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chủ đầu tư nhưng vẫn có những cơ quan báo chí dẫn dắt vấn đề tạo hiểu nhầm và phản ứng trong dư luận. Điều này không chỉ gây khó khăn cho chủ đầu tư mà còn tạo áp lực lớn tới hệ thống chính quyền.
Nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng biên tập báo VietnamPlus: Báo chí cần thông tin hai chiều
Báo chí rất cần thông tin hai chiều để phản ánh kịp thời tới bạn đọc. Vấn đề ở đây là chúng ta phải làm thế nào để báo chí hiểu đúng nhằm tuyên truyền cho chính xác. Các nhà đầu tư cũng cần thông tin chính xác, kịp thời tới cơ quan báo chí. Nếu cơ quan báo chí đã thông tin rồi thì mong các nhà đầu tư cần trao đổi chân thành, kịp thời để cơ quan báo chí điều chỉnh, định hướng lại để tránh tạo dư luận xấu trong xã hội.