Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Cần minh bạch thông tin ô nhiễm tới người dân
Trong nước - Ngày đăng : 15:54, 03/09/2019
Sáng ngày 3/9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, Ngành, thành phố Hà Nội, cơ quan nghiên cứu cùng các nhà khoa học về sự cố cháy nổ tại kho chứa sản phẩm, nguyên liệu vật tư, hóa chất tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông khiến người dân lo ngại nguy cơ xảy ra mất an toàn hóa chất độc hại và ô nhiễm môi trường.
Trước đó, ngày 28 tháng 8 năm 2019, đã xảy ra sự cố cháy nổ tại kho chứa sản phẩm, nguyên liệu vật tư, hóa chất tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Ngay sau khi sự việc xảy ra, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, sở ngành liên quan thực hiện các biện pháp kịp thời ứng cứu, khống chế và dập tắt đám cháy ngay trong đêm ngày 28 tháng 8 năm 2019.
Hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đang phối hợp với các chuyên gia, các nhà khoa học để tính toán, lượng hóa các nguồn, chất gây ô nhiễm có thể phát sinh từ bóng đèn huỳnh quang, đèn compact để đưa ra được mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường nếu có.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngay sau cuộc họp ngày hôm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có báo cáo lên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về sự cố cháy nổ tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Do đó, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự cuộc họp – là đại diện của các Bộ, Ngành liên quan cần có những ý kiến chính xác, khoa học và khách quan để Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể tổng hợp và có được bản báo cáo chính xác nhất.
Sau khi nghe các báo cáo, phân tích từ đại diện của Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Công an, Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng), UBND thành phố Hà Nội, Viện Hóa học - Viện Hàn lâm và Khoa học Việt Nam, các nhà khoa học, báo cáo kết quả quan trắc đánh giá về hiện trạng môi trường xung quanh nhà máy của Tổng cục Môi trường…, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá mức độ nguy hại và phạm vi ảnh hưởng từ sự cố cháy nổ tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông có nguy cơ ở mức độ trung bình và các cơ quan chức năng của Việt Nam có đủ khả năng để kiểm soát được vấn đề này.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tuyệt đối với môi trường và người dân xung quanh nhà máy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cần thực hiện ngay các biện pháp che chắn, cô lập những khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm để tránh phát tán hoá chất ra môi trường xung quanh; các vật liệu đã bị huỷ hoại, hư hỏng, tro xỉ, tàn dư từ đám cháy cần thu gom vào các container để các cơ quan có đủ năng lực xử lý theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường;
Về lâu dài, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Công ty cùng với UBND Hà Nội cần phối hợp với lực lượng phòng hoá của Bộ Quốc phòng để xử lý các tồn dư hoá chất và kim loại nặng phát tán từ sự cố cháy nổ vừa qua.
Bộ trưởng đề nghị UBND thành phố Hà Nội làm việc với Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông để công ty cung cấp đầy đủ, chính xác các số liệu về nguyên liệu, vật liệu hóa chất, mức độ thiệt hại, từ đó UBND thành phố Hà Nội có căn cứ đưa ra những thông tin minh bạch, khoa học, tới người dân tránh có những thông tin sai lệch gây hoang mang trong dư luận.
Bộ trưởng đề nghị Bộ Y tế cung cấp thêm những thông tin khoa học, hướng dẫn và tới người dân đến các cơ sở y tế có đủ chức năng, cơ sở hạ tầng để kiểm tra sức khỏe.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam mời các chuyên gia Nhật Bản tham gia phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam để nghiên cứu đánh giá và quản lý môi trường sau sự cố cháy nổ. Tổng cục Môi trường tiếp tục tham vấn ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước để hướng dẫn, hỗ trợ thành phố Hà Nội trong quá trình thực hiện; tiếp tục thực hiện quan trắc, kiểm tra, giám sát chất lượng môi trường không khí, đất, nước xung quanh khu vực sự cố để có các khuyến cáo kịp thời tới cộng đồng.
Sau sự cố này, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành liên quan cần kiểm soát và đưa ra các quy định về sự cố an toàn hóa chất, sự cố môi trường, cháy nổ và có chính sách quản lý các cơ sở công nghiệp có liên quan đến hóa chất trong các khu đô thị để tránh những trường hợp đáng tiếc như sự cố vừa qua.