Cẩn trọng với mưa lớn trên diện rộng do áp thấp nhiệt đới

Trong nước - Ngày đăng : 11:09, 02/09/2019

(TN&MT) - Thông tin tại cuộc họp giao ban Thường trực Ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai sáng ngày 2/9, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, 2 cơn ATNĐ trên biển Đông có thể tương tác gây mưa to đến rất to cho các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ nay đến ngày 6/9. Bên cạnh đó, phía ngoài Phillipin cũng đang xuất hiện một cơn ATNĐ mới.
anh 1
Vị trí 3 cơn áp thấp nhiệt đới lúc 7 giờ sáng ngày 2/9

Nhận định về diễn biến cơn ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới, ông Khiêm cho biết, tổng hợp từ đánh giá quốc tế cũng như các mô hình dự báo của Việt Nam và phân tích các yếu tố tác động, phương án dễ xảy ra nhất là ATNĐ khi đi vào sẽ xuống vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Trị, rồi quay trở ra đi về phía Hồng Kông (Trung Quốc). Song song với nó, cơn áp thấp trên biển Đông di chuyển theo hướng Bắc – Tây Bắc, trong vòng 24 – 48 giờ tới sẽ nhập với cơn áp thấp kia trên đường quay trở ra.

Hai vùng áp thấp cùng hoạt động gần nhau tạo nên vùng gió mạnh trong khoảng từ 13 độ vĩ Bắc trở ra. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, sau có khả năng mạnh lên thành bão, từ trưa và chiều nay (2/9) khu vực phía Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh dần lên cấp 6, vùng gần tâm bão cấp 7-8, giật cấp 10. Vùng ven biển có sóng biển cao 3 - 4m, ngoài khơi Bắc và giữa biển Đông khoảng 4 - 5m, biển động rất mạnh. Trung tâm Dự báo KTTV sẽ liên tục cập diễn biến ATNĐ và thông tin ngay các tình huống bất thường có thể xảy ra.

Từ ngày 2 – 6/9, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi nhiều khả năng có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 300 – 500mm. Khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to khoảng 200 – 300mm. Nam Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to kèm theo dông với lượng khoảng 100 – 150mm. Các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị lên mức BĐ2-BĐ3, vùng thượng lưu các sông và các sông suối nhỏ lên trên mức BĐ3, còn lại ở mức BĐ 1 – 2.

Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất cấp độ 1 ở vùng núi các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai. Nguy cơ xảy ra ngập lụt vùng trũng thấp, thành phố, khu vực đô thị các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi.


Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam cường độ mạnh nên ngày và đêm 2/9, các vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. 

anh 2
Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết về diễn biến ATNĐ


Theo đại diện Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 7 giờ  ngày 2/9, Biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.462 phương tiện/317.699 người và 11.826 lồng bè, lều chòi nuôi trồng thủy sản/14.926 người biết diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Với 88 tàu chưa liên lạc được của Quảng Trị và Nghệ An ngày hôm qua, đến nay đã nắm được thông tin đầy đủ và xác nhận đều đang neo đậu trong vùng an toàn. Khu vực quần đảo Hoàng Sa có 39 phương tiện của Bình Định, Quảng Nam đã neo đậu an toàn ở các đảo, 13 tàu đang di chuyển xuống phía Nam thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 14/CĐ-TW ngày 01/9/2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai gửi các địa phương và các Bộ, ngành, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai đề nghị cơ quan dự báo tăng cường công tác dự báo và theo dõi diễn biến và sự tương tác của 3 cơn áp thấp trên, đặc biệt là xác định vùng nguy hiểm để Ban chỉ đạo có chỉ đạo công tác ứng phó trên tuyến biển cho phù hợp. Thời tiết trên toàn bộ tuyến biển đang diễn biến phức tạp nên lực lượng biên phòng, kiểm ngư tiếp tục theo dõi sát, giám sát để phòng ngừa sự cố.

anh 3
Quang cảnh cuộc họp

Theo dự báo, gió trên đất liền không lớn nên các địa phương cần tăng cường ứng phó với mưa lớn, nhanh chóng thu hoạch lúa chín và sẵn sàng bơm tiêu thoát nước. Tập trung xử lý các công trình đã bị sự cố; kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, vận hành các hồ thủy điện nhỏ và chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn. Huy động lực lượng, nhất là lực lượng xung kích tại cơ sở kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thấp trũng để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn. Tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện, vật tư hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống của nhân dân và sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.