Các nhà khoa học phân lập gen kháng hạn hán trong lúa mạch
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:57, 02/09/2019
Phát hiện trên được công bố trên tạp chí Sinh lý thực vật và Hóa sinh.
Các nhà khoa học cho rằng việc phát hiện ra một gen trong lúa mạch có khả năng chống chịu với hạn hán sẽ giúp các loại cây trồng trong tương lai chống lại một số tác động của biến đổi khí hậu.
Các nhà nghiên cứu đã dành gần 5 năm để phân lập gen cụ thể - HvMYB1 - từ hơn 39.000 gen trong lúa mạch. Các thử nghiệm đã chứng minh thực vật mà gen được biểu hiện nổi bật hơn có khả năng sống sót tốt hơn.
Theo các nhà khoa học, phát hiện này sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với ngành ngũ cốc vì nó phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng từ hạn hán liên quan đến khủng hoảng khí hậu.
Peter Morris thuộc Đại học Heriot-Watt dẫn đầu nhóm nghiên cứu cho biết: “Bằng cách tăng sự biểu hiện của gen đặc biệt này trong các cây thử nghiệm và mô phỏng tình hình khô hạn, chúng tôi đã có thể chứng minh các cây trong đó chứa HvMYB1 được biểu hiện nổi bật hơn có thể tồn tại trong thời gian hạn hán kéo dài. Đây là một phát hiện quan trọng giúp các loại cây trồng chịu hạn nhiều hơn trong tương lai”.
“Hạn hán đã ảnh hưởng đến năng suất, với vụ thu hoạch ngũ cốc ở châu Âu gặp nhiều khó khăn trong năm 2018. Một mùa hè kéo dài, khô và nóng ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng. Khi biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và chúng ta trải qua nhiều mùa khắc nghiệt hơn, việc chúng ta có thể duy trì nguồn cung cấp ngũ cốc là hết sức cần thiết” – ông Peter Morris nhấn mạnh.