Khát vọng làm giàu từ biến

Sức khỏe - Ngày đăng : 09:19, 01/09/2019

(TN&MT) - Phía trước những đồng tiền đem về từ biển, nhiều ngư phủ đã bất chấp rủi ro, gian  khổ, thậm chí, thiệt mạng nhưng chưa bao giờ họ giã từ ngư trường. Với ngư phủ Làng chài Phước Hải (tỉnh Bà Rịa Vũng - Vũng Tàu) giong buồn ra khơi đánh cá như một khát vọng làm giàu từ biển.
anh 4,
Những ghe cá ở làng chài Phước Hải trước giờ “xông biển”

 “Kình ngư” kể chuyện nhà lầu xe hơi

Phước Hải là làng chài khá sầm uất của huyện Phước Đỏ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hơn 80% hộ dân làm nghề đi biển đánh bắt xa bờ và được coi là địa phương làm giàu từ nghề đi biển và dịch vụ nghề cá. Hàng trăm gia đình sắm được xe hơi, hàng nghìn hộ xây được nhà lầu và dụng cụ đắt tiền, tất cả từ biển mà có. Đó là những điều nhận biết đầu tiên khi chúng tôi đến làng chài Phước Hải để được nghe các ngư dân ở nơi này kể chuyện đi biển trong những ngày trung tuần tháng 8/2019.

Ông Trần Văn Tài là người được coi là “Kình ngư” ở làng chài Phước Hải có ba đời làm nghề đi biển. Từ đời cha ông, rồi ông và bây giờ là 3 con trai và một con gái đều gắn liền với sông nước. Mặc dù, đã qua cái thời “trai tráng kình ngư”, nhưng hỏi về tinh thần mỗi lần ra khơi ông sôi nổi kể lại đầy khí phách: “Cứ nhìn vào đồng tiền đem về, không ai biết được gian khổ của nghề đi biển, nhưng cũng nói thật đi biển nhanh giàu lắm. Chỉ cần một chuyến thắng lợi là ba chuyến thất bại cũng chẳng đánh đổ được. Rừng lắm cây, biển nhiều cá, có sức là có tiền. Hơn 40 năm gắn bó với biển nhưng chưa bao giờ tôi có ý định từ bỏ nó. Đời cha tôi, con tôi cũng như vậy. Đi  biển cũng nhiều niềm vui lắm chớ. Anh nhìn thấy đấy, suốt dọc bờ biển Phước Hải này nhà xây san sát, nhà lầu xe hơi đều từ tiền từ biển”.

Theo tay ông Tài chỉ dọc theo bờ biển là khu phố mới với những nhà lầu, nhà ngói đỏ tươi in mình xuống nước. Đó là “sản phẩm” của biển mà hàng nghìn hộ dân chài Phước Hải này nhiều năm gây dựng mới có được.

anh 1,
Tàu cá về, cảng Phước Hải luôn tấp nập người bán, người mua

 Bên chiếc xe hơi mua tháng trước, ông Tài “khoe” với chúng tôi về những thành tích mà ông và các bạn ngư phủ của ông một thời “dọc ngang” trên vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. “Lúc đầu chỉ đi theo ba nấu cơm cho các anh làm công, nhưng mỗi lần kéo được nhả cá từ  biển lên là tôi thấy mình không thể bỏ được biển. Ra biển đánh cá mới thấy yêu đất nước mình. Nói thật với anh, nếu không đi biển đánh cá biết là gì để sinh sống, trong khi biển đã là nghề truyền thống của gia đình. Nhà cửa, cả cái xe này nữa đều lấy từ biển. Mặc du, nhiều chuyến đi dài ngày khá vất vả, nhất là vào mùa bão gió, song chính trong gian khổ ấy mình mới thấy yêu nghề”, ông Tài chia sẻ.

Kể về chuyện làm giàu “kình ngư” Trần Văn Tài chỉ nói ngắn gọn “ở làng chài Phước Hải này, không chỉ tôi, mà nhiều gia đình ngư phủ khác làm giàu từ nghề đi biển. Tất cả các vật dụng từ nhà cửa, ti vi, tủ lạnh đến xe hơi đều từ công sức lao động mà chiếc ghe là phương tiện đẻ ra tiền của chúng tôi”.

Sinh nghề tử nghiệp

Vượt qua eo biển Dinh Cô (huyện Long Điền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) dọc đường Làng chài Phước Hải, người đi đường dễ dàng nhìn thấy có nhiều ngôi miếu nhỏ ven đường lúc nào cũng khói nhang nghi ngút. Theo người dân, đó là những ngôi mộ gió cúng cho các linh hồn ngư phủ chẳng may bị bỏ mạng trong những lần ghe tàu của họ gặp nạn giữa đại dương. Không ai muốn những ngôi mộ gió ngày càng mọc thêm nhiều ở ven đường này, nhưng thiên tai bất thường sao lường hết được. Những ngư phủ ở đây vẫn ngày đêm bám biển, vẫn giong buồn vươn khơi, chẳng hề mảy may rủi ro phía trước.

Ông Nguyễn Đăng Danh, chủ nhân của tàu cá VT-1972 trọng tải gần trăm tấn chuyên đánh bắt xa bờ ở làng chài Phước Hải kể lại vụ tai nạn suýt chết cách đây một năm về trước. Tàu của ông chở 5 thuyền viên cùng bốn khoang cá đầy ắp hành trình từ biển Nam Côn Đảo về đất liền, bất thần bị tàu hàng đâm bên mạn phải. Giữa đêm tối bịt bùng sóng nước, ông và 5 thuyền viên vật lộn với sóng gió chờ tàu đến cứu. “Bây giơ, nghĩ lại đêm tai nạn ấy, tôi vẫn thấy bàng hoàng. Lúc đó tôi đang ngủ, bỗng bị hất tung, mở mắt ra thấy quanh mình toàn nước. Biết tàu bị đâm, tôi hô hoán mọi người tự ứng cứu. Vụ tai nạn ấy tôi gãy một chân. Mặc dù bị tật, nhưng không hiểu sao tôi vẫn muốn quay lại biển”, ông Danh chia sẻ.

Nghề biển nhiều người làm giàu, nhưng không thể không gặp rủi ro, tai nạn. Phần vì yêu nghề, phần vì cuộc sống mưu sinh, nên dù gặp nạn họ vẫn chưa bao giờ có ý định từ bỏ ngư trường. Ngư dân Trần Văn Hạnh, một trong năm thuyền viên của ông chủ tàu cá Nguyễn Đăng Danh khẳng định: “Không ra biển đánh cá buồn lắm, dù nhiều lần gặp nạn suýt chết, nhưng tôi không ngại chi hết, sẽ vẫn ra khơi”.

Còn với ngư dân Mai Văn Tưởng - người đã có gần 15 năm gắn bó với đầu sóng ngọn gió biển đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. “Mình sinh ra và lớn lên trên biển, giờ bỏ nghề đánh cá không biết làm gì? Còn sức, tôi vẫn cứ đi biển, con người sống chết có số, lúc nào biển bắt, mình đi. Biển lấy đi nhiều thứ nhưng cũng đã nuôi lớn nhiều thế hệ người con Phước Hải, nên dù có mất mát, đau thương, chúng tôi cũng không quay lưng với biển” - Tưởng khẳng định.

anh 3
Anh Đinh Văn Thơ 32 tuổi - chủ ghe cá VT-2659 TS chuẩn bị chuyến hành trình mới

Bắt cá lớn, không bắt cá bé

Đến cảng Phước Hải, điều dễ dàng nhận thấy một không khí tấp nập trên bến dưới thuyền cho chuyến xuất bến đi biển đánh cá đầu năm. Anh Đinh Văn Thơ 32 tuổi- chủ ghe cá VT-2659 TS tay bưng thùng bia tiger xuống tàu giọng oang oang: “Thời tiết thuận lợi năm nay hứa hẹn một mùa cá bội thu. Chuyến biển vừa qua, chúng em đánh cá tận gần đảo Hoàng Sa, sau hơn một tháng, trừ chi phí dầu nhớt, mỗi lao động cầm tay trên dưới hai chục triệu đồng. Nói thật với anh, nghề đi biển cực nhọc lắm, nhưng chính biển đã nuôi sống chúng tôi. Biển cướp đi nhiều sinh mạng, nhưng biển cũng đem lại cơm áo gạo tiền. Vì vậy, đi biển, làm giàu từ biển luôn là một khát vọng của ngư chài”. 

Theo anh Thơ, thời tiết hiện nay biển êm, công việc đánh cá cũng thuận lợi hơn, nên tàu đánh cá đi xa hơn. Đánh bắt xa bờ ngoài kiếm được đầy khoang cá, còn góp phần bảo vệ biển của mình. “Mỗi lần đi biển, chúng tôi đều có ý thức bảo vệ, giữ gìn tài nguyên, như bắt cá lớn không bắt cá bé” - anh Thơ cho biết. Thấy tôi ngạc nhiên, anh Thơ dãi bày “Nếu cứ bắt cá bé sẽ dần cạn kiệt. Nhiều khi cào lên mẻ cá nhỏ, đành thả lại xuống biển, vài tháng sau chúng lớn mình bắt cũng chưa muộn”.

Những ngày tới, tàu của anh Thơ và 9 tàu các khác ở Làng chài Phước Hải cùng nhau xuất phát đi biển. Trong chuyến hải trình này, những ngư phủ Làng chài Phước Hải mang theo trong mình hai niềm tin vui lớn: Tin vào chuyến biển bội thu với những khoang cá đầy và an toàn trở về, vui vì được ra khơi để thỏa chí làm, để rồi sau 35 ngày lênh đênh trên biển, các ngư phủ trở về đất liền với những khoang cá đầy và trong niềm hân hoan chờ đón của những người thân.