Quảng Ninh: Mưa lớn gây ngập úng hàng trăm ha lúa mùa, sạt lở đường giao thông
Tin tức - Ngày đăng : 20:18, 31/08/2019
Trước tình hình mưa lớn kéo dài đã khiến nước sông, suối dâng cao, huyện Đầm Hà đã bố trí lực lượng canh gác tại 10 ngầm tràn trên địa bàn các xã Quảng Lâm, Quảng An, Dực Yên, Đại Bình. Nước sông, suối dâng cao khiến 22 hộ dân bị ngập úng cục bộ tại thị trấn Đầm Hà và ở các xã Quảng Tân, Đại Bình, Tân Bình. Huyện Đầm Hà đã huy động lực lượng kịp thời di chuyển 22 hộ dân với 64 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Do mưa lớn nên đã làm ngập úng 314ha lúa mùa tại các xã: Đầm Hà, Tân Lập, Đại Bình, Dực Yên, Quảng An, Quảng Lợi, Quảng Tân,Tân Bình. Mưa lớn làm cho trên 12 ha ao nuôi trồng thủy sản nước ngọt bị ngập lụt; hơn 3 ha cây ăn quả, 6.000m2 ao nuôi tôm tại hai xã Đại Bình và Quảng Tân bị thiệt hại. Toàn bộ khu sản xuất rau công nghệ cao của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Đầm Hà tại thôn Tân Thanh, xã Quảng Tân bị ngập.
Trận mưa lớn đêm qua 30/8, cũng đã khiến nước lũ sông Hà Cối dâng cao, gây ngập úng cục bộ một số khu vực tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Đêm 30 rạng sáng ngày 31/8, trên địa bàn huyện Hải Hà có mưa rất to, lượng mưa đo được lên tới 319mm đã khiến cho nước lũ sông Hà Cối dâng cao, gây ngập úng cục bộ tại một số khu vực trên địa bàn. Đường giao thông dẫn vào KCN Cảng biển Hải Hà đã bị ngập úng. Quốc lộ 18A, đoạn qua khu vực dốc Khe Hèo, xã Đường Hoa, đã bị sạt lở. Lực lượng chức năng của huyện đã có mặt tại hiện trường nhanh chóng xử lý, đảm bảo an toàn giao thông.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão số 4, tại một số huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh có mưa to, khiến nước sông, suối dâng cao đã gây ngập lụt một số diện tích lúa mùa, nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn bị sạt lở, một số khu dân cư bị cô lập.
Trước những diễn biến mưa lớn, có nguy cơ gây ngập lụt, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phát đi công điện khẩn cảnh báo, chỉ đạo các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương triển khai ngay các biện pháp cấp bách phòng chống.
UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các sở, ngành liên quan theo dõi thường xuyên, chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. Đồng thời, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, tổ dân phố, khu phố, người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở các bãi thải khai thác than, ngập lụt các khu vực trũng, thấp. Các đơn vị chủ động có phương án đề phòng, sẵn sàng di dời và thực hiện phương án cứu hộ, cứu nạn khi mưa, lũ lớn, sạt lở đất đá xảy ra; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các tuyến đê, hồ đập.
Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm việc tổ chức kiểm soát, cử người trực, canh gác 24/24 thường xuyên và có biển cảnh báo tại các vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập, đò ngang, kiên quyết không cho các phương tiện và người qua lại khi có mưa, lũ xuất hiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ với phương châm 4 tại chỗ khi có yêu cầu.
Với các trường hợp xảy ra thiên tai, sạt lở đất, ngập lụt… tại địa phương, các sở, ngành và chính quyền các cấp phải kịp thời báo cáo ngay về UBND tỉnh để chỉ đạo, xử lý. Các địa phương kiểm tra cụ thể từng thôn, bản, khu phố, tổ dân, đặc biệt các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất đá, khu vực ven sông, suối có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét; thông báo cho người dân biết để chủ động sơ tán ra khỏi nơi nguy hiểm.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh Quảng Ninh xuống thực địa kiểm tra, đôn đốc tại địa bàn được phân thực hiện công tác phòng, chống bão.