Bình Định: “An cư” ở vùng đất mới

Đất đai - Ngày đăng : 16:38, 31/08/2019

(TN&MT) - Sau thời gian e dè, đến nay, số hộ dân xây dựng nhà ở kiên cố ở khu tái định cư Gò Núi Một, xã An Tân (huyện An Lão, Bình Định) ngày một tăng lên. Cảm giác an toàn, vững tin để “an cư lập nghiệp” là tâm trạng chung của nhiều hộ dân sinh sống nơi đây.
41 nha moi
Bà Hoàng Thị Đức bày tỏ vui mừng khi ngôi nhà mới của gia đình sắp hoàn thành trên vùng đất Gò Núi Một phẳng phiu và an toàn.

Ông Lê Phước Lưu, Chủ tịch UBND xã An Tân, cho biết: “Khu tái định cư (KTĐC) Gò Núi Một được đầu tư xây dựng gần 30 tỉ đồng, nhằm di dời, tái định cư cho các hộ dân đang sinh sống ở vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở trên địa bàn huyện. Thời gian đầu, KTĐC rơi vào cảnh “vườn không nhà trống” do người dân “dè dặt”. Vượt qua nhiều khó khăn ban đầu, đến nay đã có nhiều hộ đã nhận đất, xây dựng nhà ở kiên cố. Cuộc sống ở vùng đất mới của họ đã ổn định và ngày càng ấm no”.

42 nha moi
Ngôi nhà mới của bà Hoàng Thị Đức đang trong giai đoạn hoàn thiện “phần mềm” để đưa vào sử dụng.

An cư

Gần 1 năm xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống ở KTĐC Gò Núi Một, chị Nguyễn Thị Nhân (30 tuổi), khẳng định: “Nơi ở mới an toàn, tốt hơn hẳn so với nơi ở cũ”. Trước đây, gia đình chị Nhân sinh sống ở thôn Thuận An, xã An Tân. Nhà cửa của gia đình chị nằm ven sông An Lão nên thường xuyên chịu cảnh ngập úng vào mùa mưa lũ và tổn thất nhiều thiệt hại.

Tháng 8.2018, gia đình chị tiến hành xây dựng nhà ở mới sau khi được chính quyền địa phương xét duyệt, cấp 300m2 đất tái định cư ở Gò Núi Một. Sau hơn 3 tháng xây dựng, ngôi nhà rộng hơn 100m2 của gia đình cũng kịp hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2018. Từ đó đến nay, cuộc sống gia đình chị trở nên ổn định, thoải mái hơn trước.

“Nhà cửa xây dựng ở vùng đất cao, bằng phẳng nên không lo nước lụt ngập nữa. Nơi ở cũng gần trung tâm xã, chợ, trường học. Hệ thống điện thắp sáng, nước sinh hoạt cũng được lắp đặt đầy đủ. Sinh sống trong điều kiện ổn định như vậy thì bà con chúng tôi cũng yên tâm lao động, phát triển kinh tế”, chị Nhân chia sẻ.

44 nha moi
Hạ tầng tại KTĐC Gò Núi Một được đầu tư, xây dựng khá bài bản, đầy đủ. Trong ảnh: Hệ thống lưới điện thắp sáng được đầu tư hoàn chỉnh.

Cách ngôi nhà chị Nhân chừng 20m, ngôi nhà cấp 4 mái thái của bà Hoàng Thị Đức (58 tuổi) cũng sắp hoàn thành. Giống chị Nhân, bà Đức cũng là hộ có nhà cửa nằm trong vùng ngập lũ ven sông An Lão thuộc thôn Thuận An. Sau khi được chính quyền xét duyệt, cấp 300m2 đất, bà Đức “xắn tay” vào việc xây dựng nhà ở.

Đứng trong ngôi nhà mới sắp hoàn thiện khá khang trang, bà Hoàng Thị Đức - thổ lộ: “Ban đầu, tôi đắn đo chưa chịu di dời vì “ngại” hạ tầng ở nơi ở mới. Ngược lại, ở dưới này cứ đến mùa lũ lại lo nhà cửa bị ngập, đồ đạc hỏng hóc, gia súc, gia cầm chết trôi. Song, khi chính quyền vận động, giải thích tôi cũng hiểu và quyết định vay thêm tiền để xây ngôi nhà mơi này. Với địa hình cao như vầy, chắc chắn mùa lũ năm nay, tôi không phải lo nghĩ chuyện chạy lũ nữa”.

43 nha moi
Những ngôi nhà mới trên KTĐC Gò Núi Một.

Tiếp tục rà soát, di dời dân ở vùng nguy hiểm

Đến thời điểm này, KTĐC Gò Núi Một có 19 hộ dân đồng ý nhận đất tái định cư. Trong đó, có 12 hộ dân xây dựng nhà ở kiên cố; các hộ còn lại sẽ xây dựng nhà ở trong năm nay.

Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, nhấn mạnh: Các hộ xây dựng ở kiên cố cơ bản đã ổn định cuộc sống. Thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát, xét duyệt cấp đất tái định cư cho các hộ dân còn lại đang sống trong vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Bởi qua kiểm tra, trên địa bàn huyện còn 32 hộ dân ở các xã An Quang, An Nghĩa, An Vinh đang có nhà nằm trong diện bị sạt lở cần di dời trước mùa mưa lũ năm nay.

“Trước tình hình này, huyện chỉ đạo chính quyền sở tại tập trung vận động các hộ dân di dời đến KTĐC Gò Núi Một. Các hộ dân khi di dời đến  KTĐC Gò Núi Một sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền và được cấp đất để xây dựng nhà”, ông Nam nói.