Nguồn lực nào cho Tây Bắc phát triển?

Kinh tế - Ngày đăng : 09:50, 31/08/2019

(TN&MT) - Tây Bắc có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế như: Du lịch, dịch vụ và thương mại, khai khoáng, thủy điện... Trong đó, nguồn lực chính được các tỉnh Tây Bắc chú trọng quan tâm, chủ yếu dựa vào 2 lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp. Tuy vậy, đến nay, các tỉnh Tây Bắc vẫn chưa tìm được cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, nhiều diện tích đất trồng đang dần hoang hóa, chưa có hướng đi bền vững và hiệu quả để phát triển mô hình kinh tế nông, lâm.
ND3
Nhà máy Thủy điện Sơn La

Loay hoay trong thế khó

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của các tỉnh Tây Bắc chiếm khoảng 18% (theo thống kê năm 2018). Các tỉnh Tây Bắc phần lớn phụ thuộc vào ngân sách phân bổ hàng năm, chưa thể tự cân đối. Cơ cấu chuyển dịch kinh tế còn chậm, hiệu quả thấp, sức cạnh tranh còn hạn chế và chưa thu hút đầu tư. Một số tỉnh như: Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Hòa Bình sức hút đầu tư kém do một phần địa hình phức tạp, giao thông cách trở. Những hạn chế về cơ sở hạ tầng, sự khác biệt về khí hậu, thổ nhưỡng, dẫn đến tỷ trọng đầu tư trong nước và nước ngoài còn rất thấp...

Tây Bắc có diện tích bằng 1/3 diện tích cả nước, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng có nét khá tương đồng, chỉ có 2 mùa, mùa mưa và mùa khô: Mùa khô hạn kéo dài cộng với lượng gió Tây khô nóng gây khó khăn cho cây trồng, vật nuôi. Từ tháng 11 đến tháng 1 thường xuyên có sương muối và băng giá, vào đầu mùa mưa thường xuyên có gió lốc, mưa đá và lũ ống, lũ quét gây ra sự tàn phá bất thường đối với đất đai, sản xuất và đời sống của người dân. Tất cả những khó khăn, thuận lợi của tự nhiên đều ảnh hưởng trực tiếp, tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của các cư dân vùng Tây Bắc.

Chính từ nét đặc trưng của vùng khí hậu, nên đồng bào vùng cao buộc phải thích nghi với môi trường sống. Đặc biệt, trong việc gieo trồng sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp.  Thực tế hiện nay, quỹ đất phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ở một số tỉnh Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên… còn tương đối nhiều. Tuy vậy, nguy cơ hoang hóa đất trồng của các tỉnh Tây Bắc nói chung và các tỉnh miền núi rất cao, một phần do địa hình hiểm trở, độ dốc cao, tỷ lệ che phủ rừng thấp, nên lượng mùn trên bề mặt đất bị rửa trôi, bào mòn theo chế độ mưa hàng năm, một phần do các tỉnh chưa có cơ chế, chính sách phục hóa đất trồng.

Mặt khác, nhiều tỉnh khu vực Tây Bắc chưa lựa chọn được cây trồng phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, ngoài cây cao su đang gặp nhiều khó khăn do giá mủ cao su hạ thấp, phụ thuộc chủ yếu vào thị trường thế giới. Mặc dù,  nhiều diện tích cao su ở Tây Bắc đã đến kỳ cho thu hoạch...  Kéo theo đó, nhiều diện tích đất của người dân đã cổ phần góp đất với Tập đoàn Công nghiệp Cao Su Việt Nam để chia cổ tức đến nay chưa mang lại lợi nhuận. Song, quỹ đất để người dân phát triển một số mô hình kinh tế trồng cây ngắn ngày không còn, nên người dân đắn đo nhiều trong các dự án của tỉnh đề ra.

T3
Ruộng bậc thang - vẻ đẹp đặc trưng của Tây Bắc

Tìm hướng đi bền vững

Điện Biên đang “loay hoay” tìm hướng đi bền vững cho ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, kêu gọi các nhà đầu tư trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao. Sau thất bại ở một số mô hình, dự án, tỉnh này xác định cây mắc ca là cây “triệu đô” có thể giúp dân xóa đói giảm nghèo trong tương lai.

Theo Đề án phát triển cây mắc ca của Điện Biên sẽ tập trung ở 4 huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên và Tuần Giáo, với quy mô khoảng 26.000ha, diện tích quy hoạch khoảng 35.000ha.

Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết: Dự án cây mắc ca thành công, đời sống người dân sẽ được nâng lên rõ rệt. Song hiện nay, nhiều huyện chưa thể triển khai được do quỹ đất hạn hẹp.  Để thực hiện Dự án này, tỉnh đề ra 2 phương án để thỏa hiệp với phía các nhà đầu tư. Phương án thứ nhất, trong 5 năm đầu, người dân sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ 1 triệu đồng/ha/năm; từ năm thứ 6 trở đi người dân được hưởng 15% giá trị sản phẩm quả tươi; doanh nghiệp cam kết người dân được hưởng tối thiểu 5.880.000 đồng/ha/năm tính từ năm thứ 6 trở đi; ngoài ra, doanh nghiệp cam kết sử dụng lao động của những hộ dân góp đất mức bình quân 1 lao động/ha. Phương án thứ hai là doanh nghiệp thuê đất để thực hiện dự án.

ND3a
Một góc thị trấn Sa Pa (Lào Cai)

Rút ra từ bài học cây cao su và cây cà phê (dân góp đất với Công ty Thái Hòa, Công ty bị phá sản mang đất của dân đi “thế chấp” ngân hàng), nên tỉnh Điện Biên rất thận trọng. Song việc phát triển dự án “cây triệu đô” lại gặp một trở ngại khác; quỹ đất không còn nhiều. Người dân đang đứng trước câu hỏi lớn: Làm gì để sống nếu mang toàn bộ quỹ đất đi trồng cây dài ngày? Các chủ đầu tư nóng lòng muốn có quỹ đất để thực hiện dự án, còn người dân đang phải tính toán giữa lợi ích trước mắt và lợi ích về sau khi quỹ đất ngày càng thu hẹp.

Ông Lò Văn Thành, đội 12, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, nhận định: Địa phương tôi có rất nhiều dự án nông nghiệp, lâm nghiệp nhưng đến nay, chưa có dự án nào mang lại nguồn thu ổn định. Lần này góp đất trồng  cây mắc ca chúng tôi thận trọng.

Được biết, không riêng gì Điện Biên, một số tỉnh như: Lai Châu, Hòa Bình và Lào Cai cũng đang trong giai đoạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương.

Riêng có tỉnh Sơn La là một trong những tỉnh khu vực Tây Bắc chuyển dịch cơ cấu cây trồng thành công, hiệu quả nhất Khu vực. Toàn bộ diện tích đất trồng có nguy cơ bị hoang hóa đã chuyển hướng trồng cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân; hiện diện tích cây ăn quả của tỉnh này là 57.000ha. Từ nay đến năm 2020, tỉnh này sẽ quy hoạch diện tích đất trồng cây ăn quả là 100.000ha. Năm 2018, Sơn La đã xuất khẩu trái cây sang thị trường các nước như: Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Thụy Sỹ, Ba Lan khoảng 17.000 tấn quả các loại, với giá trị xuất khẩu đạt 100 triệu USD.

Nếu tỉnh Sơn La chọn hướng trồng cây ăn quả để phát triển kinh tế, Yên Bái lại chọn hướng đi phát triển lâm nghiệp; trồng cây gỗ lớn. Với trên 462.527ha đất có rừng, Yên Bái trở thành tốp đầu các tỉnh miền núi phía Bắc có lợi thế phát triển kinh tế lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng 62,8%, đứng thứ 4 toàn quốc. Đến nay, Yên Bái đã hình thành vùng sản xuất nguyên liệu giấy, gỗ cho công nghiệp chế biến lớn và xuất khẩu.

Điểm qua một vài thành tựu của những tỉnh đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế nông - lâm ở Tây Bắc, để những tỉnh trong khu vực rút ra bài học kinh nghiệm cho địa phương mình. Tuy vậy, để giải bài toán phát triển kinh tế nông - lâm, mỗi tỉnh cần chọn cho mình một hướng đúng, chắc chắn và phù hợp với thực tiễn của địa phương. Để nguồn tài nguyên đất không bị sa mạc hóa, đời sống của người dân vì thế được nâng lên.