Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh: Cực tăng trưởng năng động của cả nước

Kinh tế - Ngày đăng : 09:14, 31/08/2019

(TN&MT) - Giao thông phát triển đang giúp các tỉnh vùng Đông Bắc nói chung và trục tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh nói riêng dần phá bỏ thế “cô lập” và đang tạo ra “tam giác vàng” phát triển về nhiều mặt, trong đó đáng nói nhất là phát triển du lịch nghỉ dưỡng, giao thông, bất động sản… tạo nên cực tăng trưởng năng động của cả nước.
anh 2
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long

Giao thông hiện đại đóng vai trò kết nối 

Ngày 30/12/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ khánh thành Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, thông xe kỹ thuật Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và khai trương Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đã khẳng định: Quảng Ninh có tiềm năng để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch hơn nữa và những công trình được khánh thành hôm nay sẽ góp phần vào mục tiêu đó. Theo đó, tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu và cụ thể hóa các điều kiện xây dựng Vân Đồn thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, phấn đấu đến năm 2050, Vân Đồn trở thành một trong những động lực kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của châu Á - Thái Bình Dương.

Đường Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Sân bay quốc tế Vân Đồn, sân bay Cát Bi đã đi vào hoạt động và sắp tới tuyến Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thông xe sẽ kết hợp cùng với cảng biển Quốc tế Hạ Long, cảng Hải Phòng sẽ tạo thành chuỗi liên kết đồng bộ, thống nhất với nhau tạo động lực phát triển kinh tế cho Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung.

Theo các chuyên gia, tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng được đầu tư bài bản và thông tuyến đã góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, tạo tiền đề cho sự liên kết chặt chẽ về phát triển kinh tế xã hội giữa các vùng. Đây là dự án tiêu biểu, mở đầu cho giai đoạn phát triển hạ tầng giao thông mới của Hải Phòng và Quảng Ninh, với tổng vốn đầu tư ngoài ngân sách lên đến hàng ngàn tỷ đồng như cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và thời gian tới là cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, việc rút ngắn khoảng cách từ Hải Phòng đến Quảng Ninh đã tạo ra sự kết nối có hiệu quả đối với các địa phương nằm trong tam giác tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Đây là công trình có ý nghĩa chiến lược không chỉ giải quyết nhu cầu về phát triển giao thông mà còn thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế xã hội toàn vùng, nhằm khai thác triệt để những lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch biển đảo của các địa phương này.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh cho biết, giao thông, ý tôi muốn nhấn mạnh ở đây là hệ thống đường cao tốc kết nối từ Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Móng Cái và cảng hàng không Nội Bài (Hà Nội), Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Bi (Hải Phòng), cộng với các cảng biển quốc tế Hải Phòng, Cái Lân đang đóng vai trò rất to lớn trong việc kết nối kinh tế xã hội của toàn vùng và cả nước với nhau, tạo thành một cực tăng trưởng năng động cho miền Bắc và giao lưu quốc tế.

anh 1


Tam giác thiên đường du lịch

Hà Nội là một trung tâm kinh tế, văn hóa, lịch sử mang trong mình sức hấp dẫn của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Bên cạnh những di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nổi tiếng ở trung tâm thành phố, phần diện tích đồi núi thuộc các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc Oai, Mỹ Đức với chiều cao 400 -1.300m đã tạo ra những khu vực thiên nhiên sơn thủy hữu tình, khí hậu trong lành mát mẻ. Non thiêng Ba Vì hội tụ nhiều tiềm năng từ cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, giao thông thuận lợi… đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, khách du lịch đến Hà Nội đạt 14,39 triệu lượt khách, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt hơn 3,3 triệu lượt, khách nội địa đạt gần 11,1 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 50.242 tỷ đồng, tăng 29,8%.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Du lịch Hải Phòng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định: đón và phục vụ 3.981.000 lượt khách, tăng 11,86% so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu ước đạt 1.640 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2018.

6 tháng đầu năm 2019, khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 8,55 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế 2,8 triệu lượt, tăng 14% so với cùng kỳ. Thời gian lưu trú trung bình của du khách đạt từ 2,7 - 3 ngày trở lên. Tổng doanh thu du lịch đạt gần 16.000 tỷ đồng, tăng 25% cùng kỳ.

Cách Hà Nội 120km, Hải Phòng được xem là điểm sáng vùng Đông Bắc với những sắc thái riêng không lẫn với bất kỳ tỉnh nào. Tại thành phố này, các địa điểm như biển Đồ Sơn, quần đảo - khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, khu di tích lịch sử danh thắng Tràng Kênh - Bạch Đằng, đảo Hòn Dấu… đang thu hút hàng triệu khách du lịch tới tham quan và đầu tư vào khai thác du lịch biển đảo.

Trong khi, Quảng Ninh được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, hội tụ đầy đủ các dạng địa hình tiêu biểu là biển đảo, đồng bằng và trung du miền núi trở thành một mảnh đất màu mỡ, “mỏ vàng” trong bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Địa hình biển đảo tự nhiên kì vỹ đã tạo cho Quảng Ninh những di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, quần đảo Cô Tô, bãi tắm Trà Cổ, Vườn Quốc gia Bái Tử Long. Cùng với đó, thương cảng Vân Đồn, khu di tích lịch sử Bạch Đằng… cũng là những điểm đến hút hồn du khách.

Những năm gần đây, Quảng Ninh và Hải Phòng đã thu hút hơn 100 dự án đầu tư bất động sản, trong đó, đa phần là các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Dẫn đầu cuộc đua trong thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Quảng Ninh, Hải Phòng có thể nhắc đến Vingroup, Sun Group, Tập đoàn FLC, Tập đoàn BIM, Tập đoàn Flamingo… Đây là tiền đề quan trọng để hỗ trợ cho ngành công nghiệp không khói phát triển mạnh mẽ của trục tăng trưởng kinh tế.