Hà Tĩnh: Đầu tư du lịch tránh “sáng nở, tối tàn”
Xã hội - Ngày đăng : 17:48, 30/08/2019
Tiềm năng lớn đang để lãng phí
Với vị trí nằm ở trên tuyến du lịch xuyên Việt, là cửa ngõ để kết nối khách quốc tế của Hà Tĩnh trên hành lang kinh tế Đông- Tây. Cái tên Nước Sốt nằm trong quần thể khu du lịch sinh thái Sơn Kim 1 ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) từng được kỳ vọng sẽ thành niềm tự hào, điểm đến hấp dẫn của du khách.
Một địa danh được cả nước biết đến, có thời điểm du lich sinh thái Sơn Kim1 trở nên nhộn nhịp. Người dân địa phương đặt rất nhiều kỳ vọng một ngày quê hương sẽ đổi thay nhờ vào “báu vật” được thiên nhiên ban tặng.
Vậy mà, gần ba năm nay, khu du lịch sinh thái Sơn Kim1 trở nên hoang tàn, hạ tầng đã xuống cấp, một số điểm vui chơi, giải trí bị hư hỏng do thiên tai gây ra nhưng không được thu dọn.
Ông Phan Thanh Tùng- Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) chia sẻ: “Thiên nhiên đã ban tặng cho Hà Tĩnh nói chung, người dân Hương Sơn nói riêng một địa điểm lý thú, đầy tiềm năng để phát triển du lịch như sinh thái. Nhưng thật đáng tiếc, do chưa đánh thức được tiềm năng nên thế mạnh đó đang bị bỏ phí, thậm chí đầu tư thiếu bài bản, thiếu trách nhiệm bảo vệ môi trường đã tác động không nhỏ đến cảnh quan”.
“Cảnh quan môi trường rất đẹp với hệ thống khe suối, bến nước khoáng, nước khoáng nóng (người dân quen gọi là nước sốt) khai thác độ sâu 1000m cùng với nhiều địa điểm di tích lịch sử đã có từ hàng trăm năm. Bên cạnh đó, địa điểm nằm dọc trên đường QL8A nối cửa khẩu cầu treo với các nước bạn, xa dân cư nên đây là lợi thế rất lớn cho việc đầu tư du lịch. Cần phải được quan tâm hơn của các cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm mới đánh thức được tiềm năng này”, Ông Phan Thanh Tùng- Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 cho hay.
Tránh đầu tư “sáng nở, tối tàn”
Nhận thấy được tiềm năng lớn ở Khu sinh thái Sơn Kim 1, vào năm 2000, Công ty Hợp tác QK 4 đã lập đề án xin chủ trương, triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng với số vốn hàng chục tỷ đồng trên diện tích khoảng hơn 10 héc ta, với hệ thống nhà hàng, điểm vui chơi mang đặc trưng riêng. Được biết, khi mới đi vào hoạt động lượng khách rất đông nhưng được một thời gian ngắn, hạ tầng hư hỏng khách ít dần đi và còn lại chủ yếu là khách địa phương.
Bàn về tính hiệu quả của các dự án đầu tư du lịch, ông Phan Thăng Long - Phó Ban Kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Nhiều năm qua những dự án đầu tư phát triển du lịch tại Hà Tĩnh chưa thực sự xứng tầm, khi bắt tay đầu tư và đi vào hoạt động không hiệu quả, ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên, cản trở đến kế hoạch phát triển của địa phương. Bên cạnh đó là sự tác động rất lớn đến môi trường, đặc biệt là môi trường đầu tư”.
Đánh giá về nguyên nhân thất bại khi đầu tư du lịch nước sốt Sơn Kim, ông Long cho rằng: “Phát triển du lịch phải nằm trong chuỗi tổng thể, không thể đơn lẽ. Khu sinh thái Sơn Kim là một tiềm năng rất lớn nhưng nếu chỉ đầu tư đơn lẻ thì rất khó để mang lại hiệu quả. Giải quyết được việc này cần một nhà đầu tư có tầm mang tính chiến lược để triển khai bài bản, với sự hỗ trợ của những đơn vị tư vấn có trình độ chuyên môn. Ngoài ra, tỉnh phải xem xét điều chỉnh lại quy hoạch, nếu để như hiện nay rất khó để kêu gọi đầu tư do còn những vướng mắc”.
Đơn cử, với trường hợp Khu du lịch biển Xuân Thành, huyện Nghi Xuân với kế hoạch xây dựng quần thể du lịch sinh thái. Nằm vị trí đắc địa, được xem là khu “đất vàng” với diện tích 17 héc ta, Hà Tĩnh đã ưu ái cho hai doanh nghiệp là Công ty CP Sông Ngư Sơn Giang Đình (với diện tích 6 héc ta) và Công ty Hợp Lực (11 héc ta) triển khai nhưng hơn hai năm nay vẫn dậm chân tại chỗ.
Theo Ban quản lý Khu du lịch biển Xuân Thành cho biết: Khi UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, huyện Nghi Xuân đã kịp thời bàn giao mặt bằng sạch, thời gian bàn giao cách đây hơn hai năm. Thế nhưng, hiện tại thì tất cả các hạng mục dự án vẫn án mới chỉ được thực hiện trên giấy và ý tưởng. Nguyên nhân dự án nằm bất động, đất đai bị bỏ hoang là do năng lực của nhà đầu tư.
“Phát triển du lịch được ví như là một ngành công nghiệp không khói. Với một tỉnh có nhiều tiềm năng như Hà Tĩnh, nếu phát huy hiệu quả thì đây được đánh giá là một nguồn thu lợi rất lớn. Tuy nhiên, thất bại ở dự án du lịch không hiệu quả đó là một bài học kinh nghiệm. Chúng ta thường có thói quen khi nhìn thấy lợi thường vội vàng đầu tư, nhưng khi làm mới thấy khó khăn”, ông Phan Thăng Long- Phó Ban Kinh tế tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Hà Tĩnh có bờ biển 137km với những bãi tắm, điểm đến du lịch biển hấp dẫn như khu du lịch Thiên Cầm, Xuân Thành, Lộc Hà, Thạch Hải, Kỳ Ninh, Đèo Con…cùng với đó là gần 500 di tích, danh thắng với đủ loại hình như: Khu di tích danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, chùa Hương Tích..., nhiều di sản văn hóa phi vật thể như làng nghề truyền thống, lễ hội văn hóa, nhiều hình thức diễn xướng độc đáo như ca trù, ví dặm. Đây là cơ sở để nhận thấy tiềm năng phát triển, đưa du lịch trở thành ngàn kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Theo thống kê của Phòng nghiệp vụ du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, tổng lượng khách đến Hà Tĩnh 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1.050.000 lượt (tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó, khách nội địa là 1.032.600 lượt (tăng 11,9 % so với cùng kỳ năm 2018), khách quốc tế đạt 17.400 lượt (tăng 2,9 % so với cùng kỳ năm 2018). Có được kết quả này, du lịch biển được đánh giá đang là điểm sáng của Hà Tĩnh. Cùng với yếu tố khách quan từ thời tiết nắng nóng thì tại các khu du lịch biển cũng đã có nhiều cải thiện chấn chỉnh về an ninh trật tự, an toàn tắm biển, quản lý giá cả. Ngoài ra, để tạo được dấu ấn riêng, ngay từ đầu năm các địa phương, đơn vị đã đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng khu du lịch, nhất là khách sạn nhà hàng, khu vui chơi giải trí, các điểm nghỉ dưỡng. |