Hạ Lang (Cao Bằng): Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động ở các mỏ đá

Tiếng dân - Ngày đăng : 10:57, 30/08/2019

(TN&MT) - Cao Bằng là tỉnh có nhiều tài nguyên khoáng sản đá. Hiện nay, trên địa bàn huyện Hạ Lang (Cao Bằng) có 4 mỏ đá được cấp quyền khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng với công suất khoảng 45.000 m3 mỗi năm. Qua thực địa các công trường khai thác đá, tình trạng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động đang diễn ra phổ biển. Một số chủ mỏ đá còn chủ quan, chưa thực sự nâng cao ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định khai thác theo đúng thiết kế được phê duyệt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người lao động. 
1 (1)
Vị trí khai thác mỏ đá của HTX SXVLXD Nông Nhẹ tại xã An Lạc, huyện Hạ Lang chỉ nằm cách đường tỉnh 207 chưa đầy 100m.

Tìm hiểu thực tế tại các mỏ đá tại huyện Hạ Lang, phóng viên ghi nhận nhiều hình ảnh công nhân không mặc trang phục bảo hộ lao động, trèo leo trên những mỏm đá cách mặt đất khoảng hơn 15m để khoan, đục... hoặc những mỏ đá gần đường, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Việc không chấp hành bảo hộ lao động là những nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ tai nạn lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.

Điển hình, tại mỏ đá của hợp tác xã (HTX) khai thác đá sản xuất vật liệu xây dựng (SXVLXD) Nông Nhẹ, xóm Phài Sọm, xã An Lạc, huyện Hạ Lang, vị trí khai thác chỉ nằm cách đường tỉnh 207 chưa đầy 100 m, mặt gương khai thác không được cắt tầng theo quy định, vách đá thẳng đứng rất nguy hiểm khi tiến hành khai thác. Mặt khác, một số lao động trực tiếp khai thác đá tại mỏ này là làm thời vụ, bởi vậy, cơ bản không được tập huấn kỹ thuật khoan nổ mìn và không có bất cứ một thiết bị bảo hộ lao động nào.

2
Công nhân tại mỏ khai thác đá của HTX SXVLXD Thanh Nhật, xóm Huyền Du, thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang  chưa tuân thủ nghiêm các quy định khai thác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động.

Theo chủ nhiệm HTX cho biết, do nhu cầu vật liệu xây dựng các công trình dân dụng ở địa phương nên HTX tiến hành khai thác đá để sản xuất gạch. HTX hiện có 8 lao động chủ yếu là người dân địa phương tranh thủ lúc nông nhàn làm việc để tăng thêm thu nhập. Từ nhận thức chưa sâu sắc về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động nên đơn vị chưa chấp hành đầy đủ quy định của luật lao động cũng như quy trình quy định khai thác đá.

Tiếp tục tìm hiểu thêm một số mỏ đá khác, phóng viên ghi nhận tại mỏ khai thác đá của HTX SXVLXD Thanh Nhật, xóm Huyền Du, thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang, các công nhân đang tiến hành khoan đá trên những mỏm đá treo leo cách mặt đất hàng chục mét nhưng không hề có thiết bị bảo hộ lao động nào. Chỉ đến khi thấy phóng viên quay phim, chụp ảnh thì các công nhân này mới thắt dây an toàn, đội mũ bảo hộ lao động. Khi được hỏi về công tác đảm bảo an toàn lao động tại mỏ đá, ông Triệu Văn Tướng, Giám đốc mỏ khai thác đá của HTX SXVLXD Thanh Nhật cho biết: Đơn vị vẫn thường xuyên nhắc nhở người lao động song hầu như các công nhân không chấp hành các quy định này. Hàng năm, vẫn có các đoàn kiểm tra về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, HTX cũng tổ chức tuyên truyền, vận động lao động chấp hành. Song do thói quen và ý thức tự giác chưa cao nên công tác đảm bảo vệ sinh an toàn lao động tại khu vực khai thác cũng còn nhiều hạn chế, mang tính hình thức và đối phó.
Có thể khẳng định, đối với các mỏ khai thác đá thì công tác đảm bảo an toàn lao động là việc cần làm thường xuyên, liên tục và phải thực hiện nghiêm ngặt, đúng quy định của pháp luật. Đối với những đơn vị khai thác đá chỉ cần lơ là, chủ quan gây ra tai nạn lao động không chỉ làm ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của các đơn vị doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người lao động, gây bức xúc trong xã hội.
Điển hình như các vụ tai nạn đã từng xảy ra tại mỏ khai thác đá của Doanh nghiệp Bình Phương ở xã Lương Can, huyện Thông Nông (Cao Bằng) làm 3 người chết, 1 người bị thương do nổ mìn (ngày 22/8/2018) và vụ tai nạn ở mỏ khai thác đá Phia Viềng của HTX Trường An ở xã Dân Chủ, huyện Hoà An (Cao Bằng) làm đá lăn xuống đè chết 2 người (ngày 11/3/2019) và vụ đá lăn sập nhà dân làm 1 người thương nặng xảy ra ngày 5/4/2019 tại mỏ đá của HTX Nho Xanh, xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng). Do đó, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người lao động, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định an toàn vệ sinh lao động, tránh gây những hệ lụy khôn lường.

Các mỏ đá không chỉ đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng cho các công trình mà còn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để phát huy giá trị tài nguyên, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế bền vững, cơ quan chức năng cần tăng cường biện pháp quản lý, đảm bảo an toàn tính mạng cho người lao động.