Quảng Ninh: Sớm có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc về đất đai

Đất đai - Ngày đăng : 13:04, 29/08/2019

(TN&MT) – Những năm gần đây, hàng loạt các dự án lớn trị giá hàng chục nghìn tỷ của nhiều tập đoàn tên tuổi được triển khai trên địa bàn, cùng với việc Quảng Ninh đẩy mạnh cải cách hành chính, ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư đã giúp cho địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục. Tuy nhiên, cùng với tốc độ xây dựng, đô thi hóa nhanh cũng đã làm nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai đối với tỉnh Quảng Ninh đang rất cần Trung ương, Bộ, ngành sớm có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
A 1
Hàng chục ha đất nông nghiệp bỏ hoang tại phường Ninh Dương, TP. Móng Cái.

Tổng hợp từ Sở TN&MT Quảng Ninh cho thấy một số vấn đề khó khăn vướng mắc, liên quan đến một số điều trong Luật Đất đai 2013 rất cần được sửa đổi cho phù hợp với tình thực tiễn.

Cụ thể, tại các Điều 54, 55, 56, Luật Đất đai 2013, cần bổ sung quy định giao đất theo hình thức đối tác công tư (PPP), nhất là việc giao đất, cho thuê đất đối với dự án cảng hàng không trong trường hợp thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh- chuyển giao (BOT); bổ sung trường hợp giao đất, cho thuê đất đối với các dự án thực hiện theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu. Trong khi hiện nay, Luật Đất đai chưa có quy định cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất đối với các dự án sử dụng đất ngoài ngân sách thực hiện theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu.

A 2
Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Yên Thọ, TX. Đông Triều.

Liên quan về lĩnh vực đấu giá đất, tại Điều 118, Luật Đất đai 2013, quy định các trường hợp đấu giá đất và các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, lại không có quy định cụ thể các trường hợp là dự án đầu tư không thuộc trường hợp đấu giá đất thì lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức nào, cụ thể là chỉ định nhà đầu tư hay đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Hơn nữa, tại Điều 118, cũng chưa quy định về các trường hợp đấu giá đất theo Luật Đất đai, đấu thầu dự án theo Luật Đấu thầu một cách rõ ràng, như chưa phân định cụ thể giữa trường hợp phải áp dụng hình thức đấu giá đất và trường hợp áp dụng hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Dũng tại TP. Uông Bí cho biết, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhiều năm, qua một số lần tham gia các buổi đấu giá đất và đấu thầu dự án, nhận thấy việc quy định tại một số điều của Luật Đất đai 2013 còn chưa sát thực tế, quy định còn chung chung, chưa cụ thể, chi tiết khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn khi tham gia. Đơn cử như, tại Điều 58 của Luật Đất đai 2003 có hình thức đấu giá đất, đấu thầu dự án có dự sử dụng đất. Nhưng Luật Đất đai 2013 chỉ có hình thức đấu giá đất và không đấu giá đất, không có quy định về giao đất cho trường hợp thực hiện hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu.

A 3
Dự án khu đô thị mới Yên Thanh (TP.Uông Bí) do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long làm chủ đầu tư  lấy đất lúa 2 vụ triển khai hơn 10 năm nay vẫn chưa hoàn thành.

Liên quan đến vấn đề tích tụ ruộng đất, tại Điều 130, Luật Đất đai 2013 quy định tạo điều kiện cho các hộ gia đình cá nhân tích tụ đất đai, đưa khoa học công nghệ hiện đại, mở rộng sản xuất.

Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn, cần sửa đổi Điều 130, Luật Đất đai 2013 về hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân theo hướng mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng hoặc bỏ quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng. Bởi lẽ, việc nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để tích tụ đất đai cũng cần phải có điều kiện kiện ràng buộc về năng lực, tiến độ thực hiện, phải có phương án kinh doanh, hay dự án đầu tư được chấp thuận, phê duyệt và phải nằm trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung, sản xuất ứng dụng công nghệ cao được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhằm tránh tình trạng đầu cơ đất đai, sử dụng đất không hiệu quả, trong khi đó người nông dân bị mất tư liệu sản xuất.

Đồng thời, cũng cần xem xét sửa đổi quy định của Luật Đất đai 2013 về điều kiện chuyển nhượng đất trồng lúa để các doanh nghiệp, hộ gia đình cá nhân sản xuất nông nghiệp có thể thực hiện được việc tích tụ đất đai, phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, tại Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 quy định về xử phạt phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai còn một số điểm chưa phù hợp, cần bổ sung thêm. Cụ thể, cần bổ sung xử phạt đối với hành vi tự ý chuyển mục đích từ đất trồng cây lâu năm sang mục đích khác; quy định xử phạt hành vi hủy hoạt đất, làm biển đổi địa hình của đất; quy định xử phạt về hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng; hành vi người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, để xử phạt nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thu hồi đất theo điểm g, khoản 1, điều 64, Luật Đất đai 2013.

Đặc biệt đối với hành vi lấn, chiếm đất xảy ra tại các địa phương hầu hết vi phạm tại khoản 1 và khoản 2, điều 10, Nghị định số 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Các hành vi này đều thuộc thẩm quyền xử phạt tiền của Chủ tịch UBND cấp xã. Tuy nhiên, về biện pháp khắc phục hậu quả thì Chủ tịch UBND cấp xã chỉ có thẩm quyền “Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm” mà không có thẩm quyền “buộc trả lại đất đã lấn, chiếm”. Do đó, hành vi vi phạm này không được xử lý một cách triệt để dẫn đến việc quản lý của chính quyền địa phương về đất đai chưa được chặt chẽ, dễ tạo thành “lỗ hổng” dẫn đến tái phạm nhiều lần.
Thậm chí, ở một số xã, phường trên địa bàn Quảng Ninh khi xảy ra hành vi lấn, chiếm đất trái phép còn có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không xử lý mà đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện xử lý.
Trong khi, mức xử phạt bằng tiền tại các Nghị định đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai còn thấp, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa. Vì vậy, cần xem xét, nâng mức xử phạt đối với các hành vi nêu trên, góp phần vào việc nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực đất đai.