Bão số 4 Podul di chuyển nhanh hướng vào miền Trung

Trong nước - Ngày đăng : 11:32, 29/08/2019

(TN&MT) - Theo Trung tâm Dự báo Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 4 Podul đang di chuyển với tốc độ nhanh hướng vào khu vực miền Trung các tỉnh từ Nghệ...
(TN&MT) - Theo Trung tâm Dự báo Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 4 Podul đang di chuyển với tốc độ nhanh hướng vào khu vực miền Trung các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã đề nghị các địa phương khẩn trương kêu gọi hơn 300 tàu thuyền trong vùng nguy hiểm nhanh chóng về nơi tránh trú an toàn, bám sát các thông tin dự báo để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó với bão và mưa lũ.
anh 1
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phát biểu tại cuộc họp 
Tại cuộc họp triển khai công tác ứng phó bão Podul sáng ngày 29/8, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, đến 4 giờ sáng nay 29/8, vị trí tâm bão ở trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 480km, cách đất liền các tỉnh Nghệ An - Quảng Bình khoảng 680km về phía Đông, sức gió cấp 9, giật cấp 11.
Trong 24 giờ tới, bão di chuyển hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 25km/h và có khả năng mạnh thêm, vùng nguy hiểm là phía Bắc vĩ tuyến 14,5. Từ tối nay, khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7 – 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9 – 10 giật cấp 12. Đến đêm, vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình gió cấp 8 – 9, giật cấp 11; sóng cao từ 2 – 4m và nước dâng khoảng 1m.
Rạng sáng ngày mai 30/8, bão sẽ ảnh hưởng đến bờ biển các tỉnh Nghệ An - Quảng Trị và dự kiến chiều cùng ngày sẽ đổ bộ.. Trong 24 - 48 giờ tiếp theo, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình, gió cấp 8 - 9, giật cấp 11, sau đó tiến vào đất liền khu vực Trung Lào.
Theo ông Khiêm, vùng mưa lớn tập trung ở khu vực các tỉnh Thanh Hóa – Huế (200 -400mm); Bắc Bộ, Đà Nẵng khoảng 100 – 200mm. Lũ cao nhất ở thương lưu sông Mã, sông Cả có khả năng lên tới báo động 2 – 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ, đặc biệt là Sơn la, Hòa Bình, Yen Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
anh 2
Dự báo đường đi của bão số 4. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia
Thông tin từ Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến 6 giờ hôm nay, đơn vị đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.361 phương tiện/315.815 lao động biết diễn biến bão số 4 để vào nơi tránh trú. Trong khu vực nguy hiểm hiện vẫn còn 358 tàu/2.360 lao động đang di chuyển đến nơi neo đậu và vẫn còn 7 tàu chưa liên lạc được.
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, khu vực bờ biển từ Nghệ An đến Bình Thuận hiện có 24 điểm sạt lở/41,93km đang có diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần xử lý cấp bách, nhất là tại Quỳnh Thọ - Nghệ An, Quảng Phú – Quảng Bình, Hải Dương – T.T.Huế, Vĩnh Mốc – Quảng Trị, Hội An – Quảng Nam, Cửa Đại – Quảng Ngãi, Phước Lộc – Bình Thuận. Về sản xuất nông nghiệp, với dự báo mưa 200-400mm cả đợt, nhiều khả năng xảy ra ngập úng trên diện rộng, đặc biệt ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Hiện nay, các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trong vùng ảnh hưởng của bão vẫn còn có thể tích nước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, bão di chuyển nhanh và nhiều khả năng càng vào sâu vùng biển nước ta thì càng có thay đổi. Sóng lớn không chỉ ở Vịnh Bắc Bộ mà mở rộng đến ven biển các tỉnh Nam Trung Bộ, bởi vậy, khu vực phía dưới vùng nguy hiểm cũng cần chủ động triển khai công tác phòng chống. Đặc biệt, bão tương tác với hoạt động của gió mùa Tây Nam gây sóng lớn, kết hợp triều cường dâng cao cũng tác động đến đê biển khu vực các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang vốn đang sạt lở, cần hết sức đề phòng.  Các địa phương và các Bộ, ban ngành cần nghiêm túc thực hiện Công điện số 13/CĐ-TWPCTT ngày 28/8/2019 của Ban chỉ đạo về ứng phó bão số 4.
anh 3
Đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai thông tin về tình hình hồ chứa
Để chủ động ứng phó hiệu quả và giảm thiểu thiệt hại do bão và mưa lũ sau bão, Phó Trưởng ban chỉ đạo đề nghị Trung tâm dự báo KTTV quốc gia tiếp tục thường xuyên theo dõi, thông tin kịp thời, chính xác diễn biến của bão, cảnh báo mưa lớn, nước biển dâng (bao gồm cả khu vực biển Tây). Cơ quan phòng chống thiên tai tiếp tục tổ chức trực ban, nắm bắt thông tin cụ thể, hướng dẫn đảm bảo an toàn tàu thuyền, lồng bè sơ tán dân, hồ chứa, các công trình đang thi công,… kịp thời tham mưu chỉ đạo ứng phó và sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phối hợp với các địa phương tiếp tục kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm thoát ra ngoài, nhất bằng mọi cách liên lạc với 7 tàu Quảng Trị; tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, lồng bè ven biển để hướng dẫn di chuyển, tránh trú an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại trên lồng bè, chòi canh.
Bên cạnh đó, tiếp tục thông tin kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh, nhất là khách du lịch trong dịp 2/9, ngư dân tại khu neo đậu; huy động phương tiện, lực lượng khẩn trương thu hoạch lúa hè thu và triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc.
Các địa phương trong vùng dễ xảy ra sạt lở, lũ quét rà soát khu dân cư ven sông suối, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp nơi có nguy cơ cao; khơi thông ngay các điểm bị tắc nghẽn dòng chảy; tuần tra, canh gác các khu vực ngầm tràn, sạt lở... Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa nhất là hồ, đập xung yếu, đang thi công và thủy điện nhỏ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khôi phục sự cố.
Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sẽ vào Nghệ An, Hà Tĩnh trong 2 ngày 29 - 30/8 để cùng địa phương đôn đốc công tác phòng chống bão.