Sơn La: Đảm bảo an toàn cho người dân mùa mưa lũ

Tin tức - Ngày đăng : 10:26, 29/08/2019

(TN&MT) - Năm 2018, thiên tai trên địa bàn tỉnh Sơn La đã làm 21 người chết, 01 người mất tích, 18 người bị thương, ước thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng. Mới đây nhất, ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, mưa to kéo dài trên toàn tỉnh làm 01 người chết, hàng trăm ngôi nhà bị sạt lở, ngập úng, hơn 800 điểm trên các quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt sụt, sa bồi. Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho người dân mùa mưa lũ luôn là câu hỏi lớn với chính quyền địa phương nơi đây.
a1
Huyện Bắc Yên tổ chức diễn tập ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019

Nâng cao khả năng phòng chống lũ cho người dân

Bắc Yên là huyện vùng cao nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Sơn La, với địa hình phức tạp, dốc đứng, nhiều núi cao, khe sâu, diện tích đất bằng rất ít, kết cấu địa chất không vững chắc, nên khi có mưa kéo dài thường gây ra sạt lở đất ở nhiều điểm trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên bản, liên xã, gây nhiều khó khăn và nguy hiểm cho người và các phương tiện lưu thông, thậm chí xảy ra tình trạng tắc đường, cô lập một số xã trong nhiều ngày.

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên cho biết: Năm 2018, mưa lũ trên địa bàn huyện Bắc Yên đã làm 2 người chết, 3 người bị thương, 29 nhà bị sập trôi, 341 nhà phải di chuyển khẩn cấp; 681 điểm giao thông bị ách tắc với hàng trăm nghìn m3 đất đá sạt lở tại các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên bản, liên xã… Ước thiệt hại trên 169 tỷ đồng. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn huyện đã xảy ra 04 đợt mưa to kèm theo mưa đá, tố lốc gây lũ lụt, sạt lở đất, làm 01 người chết, ước thiệt hại trên 700 triệu đồng...

Trước thiệt hại nặng nề do thiên tai, huyện Bắc Yên xác định: Phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về cách phòng, chống lũ; tuyên truyền, phổ biến cách chằng chống nhà cửa cho nhân dân, cũng như trụ sở làm việc để phòng ngừa giảm nhẹ thiệt hại do giông lốc. Duy trì tổ chức diễn tập ứng phó lũ bão và tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương, nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác trong phòng, chống thiên tai cho người dân. Chú trọng hướng dẫn kinh nghiệm xử lý khi có lũ bão, nhất là việc hỗ trợ sơ tán người dân đến nơi an toàn. Hướng dẫn cho nhân dân cơ cấu, mùa vụ, chủng loại giống để sản xuất nông, lâm nghiệp, gắn với phòng chống thiên tai ngay từ đầu năm.

A2
Huyện Bắc Yên duy trì tổ chức diễn tập ứng phó lũ bão và tìm kiếm cứu nạn nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác trong phòng, chống thiên tai cho người dân.

Từ năm 2017 trở lại đây, huyện Phù Yên cũng là địa phương thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện bị thiệt hại trên 700 tỷ đồng do mưa lũ trong giai đoạn 2017 – 2019.

Trong năm 2019, để chủ động hơn trong công tác PCTT, huyện đã phối hợp với Chi cục Thủy lợi tỉnh hướng dẫn truy cập, khai thác dữ liệu và lắp đặt hệ thống đo mưa chuyên dùng tại các xã Mường Thải, Gia Phù, Mường Bang, Sập Xa. Lắp đặt 06 bộ thiết bị cảnh báo sớm lượng mưa tự động phục vụ cộng đồng và 06 bộ loa cầm tay tại 06 bản. Chuẩn bị trên 300 phao tròn cứu sinh, hơn 200 phao áo cứu sinh và 04 nhà bạt phục vụ công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Đặc biệt, đã khởi công mới 04 công trình khắc phục thiên tai, gồm: Kè xử lý sạt lở lũ dọc Suối Bùa, xã Gia Phù; Kè xử lý sạt lở lũ dọc bản Xà, xã Huy Hạ; Kè xử lý sạt lở lũ dọc bản Suối Làng, xã Huy Bắc; Sửa chữa cầu và đường vào điểm sắp xếp ổn định dân cư bản Trùng, bản Bang, xã Mường Bang. Cắm 116 biển cảnh báo tại các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét trên địa bàn các xã theo Bản đồ phân vùng cảnh báo lũ quét và sạt lở đất huyện Phù Yên. Hoàn thành 04 dự án Bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai cho 183 hộ dân; đang tiếp tục triển khai 02 dự án Bố trí sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai cho 86 hộ dân.

Ổn định đời sống cho gần 500 hộ dân bị ảnh hưởng

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các dạng thiên tai trên địa bàn tỉnh Sơn La ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Năm 2019 được dự báo mùa mưa sẽ đến muộn, tập trung cao điểm trong tháng 8, tháng 9 và nửa đầu tháng 10. Công tác PCTT&TKCN đã và đang được chính quyền các cấp triển khai đồng bộ trên mọi mặt.

a3
Các dạng thiên tai trên địa bàn tỉnh Sơn La ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường

Ông Cao Viết Thịnh, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La thông tin: Nhằm nâng cao khả năng phòng - chống thiên tai, tỉnh Sơn La đã tập trung kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, với 32 thành viên cấp tỉnh, 330 thành viên cấp huyện và 6.157 thành viên cấp xã, bản. Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã in và phát hành 14.000 tờ rơi, poster về các dạng thiên tai và cách phòng tránh đến các tổ bản, trường học và người dân. Rà soát, bổ sung phương án PCTT, chủ động đảm bảo lực lượng, phương tiện, vật tư, hàng hóa, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT&TKCN. Trong mùa mưa lũ, phân công rõ nhiệm vụ đến cấp xã và trưởng bản để theo dõi diễn biến mưa, lũ, kịp thời huy động lực lượng phòng, tránh lũ, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục thiên tai.

Đã triển khai thực hiện dự án xã hội hóa đầu tư 25 trạm đo mưa tự động, cung cấp dữ liệu phục vụ công tác PCTT&TKCN. Phân bổ 70 bộ “Thiết bị đo lượng mưa vượt ngưỡng – cảnh báo” và 70 loa cầm tay tiếp nhận từ Tổng cục Phòng chống thiên tai cho các bản vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.

Đặc biệt, từ năm 2018, tỉnh Sơn La đã triển khai rà soát các vùng, các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét, trình UBND tỉnh phê duyệt rà soát, bổ sung Quy hoạch PCTT tỉnh Sơn La đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Trong nội dung quy hoạch nêu rõ từng vùng, vị trí bản và một số bản có nguy cơ cao khi có mưa lũ, thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1:25.000 để UBND các huyện, thành phố theo dõi, chỉ đạo công tác PCTT kịp thời xuống các xã.

Cùng với đó, tập trung rà soát toàn bộ các điểm dân cư có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, bổ sung vào Quy hoạch sắp xếp, ổn định dân cư tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng 2025. Trước mắt, trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019, đã triển khai thực hiện 10 dự án sắp xếp dân cư vùng thiên tai, với quy mô 488 hộ dân.