TP.HCM: Khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày

Tin tức - Ngày đăng : 17:45, 28/08/2019

(TN&MT) -  Sáng 28/8, tại Khu liên hợp xử lý rác Tây Bắc Củ Chi, Công ty CP Vietstar đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện có công suất 2.000 tấn/ngày. Tham buổi lễ có ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Trần Phong, Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường Miền Nam (Tổng cục Môi trường); ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM.
VT2
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện

Phát biểu khai mạc lễ khởi công, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Theo kế hoạch của TP.HCM, đến năm 2020, TP.HCM sẽ giảm lượng chôn lấp rác xuống dưới 50% (hiện nay là 72,5%); đồng thời, 50% khối lượng rác thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện.

Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở TN&MT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương đang phối hợp với Công ty CP Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, Công ty CP Vietstar và Công ty Môi trường Tasco khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý theo quy định để các dự án chuyển đối công nghệ xử lý rác sinh hoạt có thể bắt đầu khởi công xây dựng trong quý IV/2019, hoàn thành và đi vào hoạt động vào cuối năm 2020.

Lễ khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty CP Vietstar đánh dấu mốc rất quan trọng, bởi lần đầu tiên TP.HCM khởi công được một nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện. Đồng thời, thể hiện nỗ lực, cầu thị của doanh nghiệp đang xử lý chất thải sinh hoạt cho Thành phố trong giải quyết các vấn đề về môi trường theo hướng phát triển bền vững.

Ông Ngô Như Việt Hùng, Giám đốc Công ty CP Vietstar cho biết: Vietstar tự dùng vốn để xây dựng nhà máy, mua công nghệ hiện đại và thiết bị tiên tiến của Đức  nhưng giữ 100% sở hữu của Công ty; đồng thời, sẽ cải tiến để phù hợp với đặc tính rác thải ẩm ướt và nhiều tạp chất của Việt Nam. Nhà máy được bố trí dây chuyền công nghệ hoàn toàn kín, không để mùi hôi phát tán ra bên ngoài. Rác khi tiếp nhận sẽ được phân loại, tái chế giúp rác còn lại có nhiệt trị cao, đốt dễ dàng hơn.

Cũng theo ông Ngô Như Việt Hùng, để xây dựng nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện, Vietstar không đề nghị được bố trí thêm quỹ đất của Thành phố (dự án nằm trong tổng diện tích 30ha hiện hữu của Công ty). Đến nay, Công ty đã đã đầu tư 120 triệu USD và tiếp tục đầu tư thêm 275 triệu USD để hoàn thành kế hoạch đổi mới công nghệ. Công ty cam kết thực hiện kế hoạch theo đúng tiến độ, đưa nhà máy đi vào hoạt động cuối năm 2020.

VT1
Lãnh đạo TP.HCM cùng các đại biểu và chủ đầu tư thực hiện nghi thức khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ khởi công, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, dẫn đến việc Thành phố cần phải có giải pháp chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải hiện hữu với tiêu chí là xử lý chất thải bằng công nghệ mới, đảm bảo vệ sinh môi trường và tận dụng tài nguyên từ rác thải. Một trong những công nghệ đó chính là đốt rác phát điện.

Vì vậy, để đáp ứng với yêu cầu phát triển của TP.HCM cũng như việc tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xử lý chất thải thì Thành phố yêu cầu các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện hữu trên địa bàn cần phải nhanh chống chuyển đổi sang công nghệ đốt rác phát điện để đạt được chỉ tiêu công nghệ tiên tiến, đảm bảo đến năm 2025 chỉ còn tối đa 20% là chôn lấp. Nhà máy xử lý rác Vietstar là 1 trong 3 nhà máy xử lý chất thải hiện hữu, tiên phong trong việc chuyển đổi công nghệ dốt rác phát điện theo chủ trương của Thành phố.

Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị Công ty CP Vietstar cần tập trung triển khai dự án đảm bảo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng cao nhất, an toàn tuyệt đối công trình, đảm bảo đúng các tiêu chuẩn đã cam kết với Thành phố. Đồng thời, đề nghị các Công ty xử lý rác hiện hữu của Thành phố cần sớm đẩy nhanh khởi công dự án chuyển đổi công nghệ để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2020, khoảng 50% khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố được xử lý bằng công nghệ đốt rác phát điện.

Được biết, dự kiến, ngày 6/10/2019, Công ty CP Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa sẽ khởi công xây dựng Nhà máy xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện với công suất 2.000 tấn trong khuôn viên 22ha tại Khu xử lý rác Tây Bắc Củ Chi (TP.HCM).