Tham vấn xây dựng “Chiến lược quốc gia phát triển ngành Tài nguyên và Môi trường đến năm 2030, tầm nhìn 2040”
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 17:41, 28/08/2019
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, ông Michael Parsons – Cố vấn chính sách cho Bộ trưởng Bộ TN&MT và ông Nguyễn Thế Chinh – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT đồng chủ trì hội thảo. Tham gia hội thảo, có sự góp mặt của đại diện các Bộ, ngành Trung ương, địa phương cùng đông đảo các chuyên gia trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, sau hơn 16 năm hình thành và phát triển, ngành TN&MT ngày càng được nâng cao vai trò và đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đồng thời cũng luôn phải đối mặt với nhiều thách thức, cơ hội từ xu hướng phát triển mới của thế giới, của khu vực và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...
Cũng theo Thứ trưởng Nhân, ngành TN&MT đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước có liên quan mật thiết đối với sự phát triển của các ngành kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, có tác động lớn đến bảo đảm an ninh quốc gia, phát triển kinh tế, xã hội và phát triển bền vững của đất nước. Vấn đề này lại càng trở nên quan trọng và phức tạp hơn từ sức ép gia tăng dân số, sức chịu tải của môi trường ở nhiều nơi đã tới ngưỡng giới hạn cho phép và tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, khan hiếm. Điều đó đòi hỏi ngành TN&MT phải điều chỉnh đối tượng, phạm vi và cách thức hoạt động nhằm quản lý tài nguyên và môi trường hiệu quả hơn, phù hợp với xu hướng biến động chung. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao cho Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì thực hiện nhiệm vụ Khảo sát, nghiên cứu, xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cho biết, cấu trúc đề cương Chiến lược phát triển TN&MT đến năm 2030, tầm nhìn 2040 (Chiến lược) có 3 phần chính: Căn cứ xây dựng và phạm vi của Chiến lược; thực trạng ngành TN&MT, bối cảnh quốc tế và trong nước; nội dung cơ bản. Về nội dung cơ bản của Chiến lược sẽ gồm quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển; 6 nhiệm vụ trọng tâm và 26 giải pháp. Chiến lược sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chủ động kiểm soát các vấn đề môi trường và ứng phó hiệu quả với những tác động của biến đổi khí hậu.
Góp ý cho Chiến lược, ông Nguyễn Danh Sơn – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, nền kinh tế VN vài thập kỷ qua tăng trưởng nhanh nhưng không bền vững, trong đó môi trường được thể hiện rõ nhất. Phát triển bền vững được ví như ngôi nhà dựa trên 3 cột trụ kinh tế, xã hội, môi trường, tuy nhiên ở Việt Nam cột trụ môi trường đang bị nghiêng lệch, thấp hơn các trụ cột khác. Do đó, ngành TN&MT trong 10 năm tới (2020 – 2030) và tầm nhìn đến năm 2045/2050 phải thực hiện sứ mệnh làm cho cột trụ TN&MT trở nên cân đối, hài hòa với 2 cột trụ kinh tế và xã hội, tạo thế vững chắc cho ngôi nhà phát triển bền vững của đất nước.
Ông Michael Parsons – Cố vấn chính sách cho Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng đã chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và thực thi chính sách quản lý TN&MT. Ông Michael Parson cho rằng, tại Anh Chính phủ sẽ đề xuất chính sách về môi trường, Nghị viện hoặc Quốc hội sẽ chuyển những chính sách này thành luật. Các chính sách này xây dựng dựa trên bằng chứng khoa học, đồng thời đề cao vai trò của các bên tham gia. Đối với EU giai đoạn 2002 -2012 đã đề xuất 7 chiến lược theo các chủ đề khác nhau... Cùng với đó, hàng trăm quốc gia đã có trên thế giới đã có quy định về độ dày của túi nilon.
Tại Việt Nam, việc xây dựng nội dung Chiến lược cần phải có tính bao phủ; tập trung giải quyết các vấn đề về túi nilon. Về mô hình quản lý về tài sản quốc gia, cần phải nêu rõ những vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới và xác định khu vực nào, mảng nào cần phải cải thiện so với giai đoạn trước. Xác định đâu là vấn đề chính để giải quyết sớm nếu không sẽ quá muộn hoặc chi phí rất tốn kém. Điều này phải được nêu bật trong Chiến lược và xem xét phương án giải quyết vấn đề đó.
Các chuyên gia và đại diện các Bộ, ngành cũng đã thảo luận ý kiến góp ý về cấu trúc của Đề cương Chiến lược; tồn tại hạn chế của ngành TN&MT; định hướng, quan điểm và mục tiêu về phát triển ngành TN&MT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp để hoàn thiện về Dự thảo Đề cương Chiến lược.
Một số ý kiến cho rằng cách trình bày Chiến lược cần phải mới và hiện đại, cần có sự sắp xếp cho phù hợp và xem xét lại cách diễn đạt sao cho thể hiện rõ những quan điểm, đồng thời cần có đích đến cho Chiến lược đến năm 2030 và 2040.
Đại diện Đại sứ quán Đức, chia sẻ: Trong Chiến lược của Việt Nam tôi thấy thiếu từ con người, vì môi trường và tài nguyên thiên nhiên vẫn liên quan đến chúng ta muốn sống như thế nào. Đây chính là nội dung được bàn của Chính phủ Đức. Trong các chiến lược của Đức luôn tạo ra một bức tranh con người muốn sống cuộc sống của mình trong tương lai như thế nào? Môi trường sẽ ra sao? Nước Đức luôn đặt con người vào trọng tâm. Ở Việt Nam cũng vậy, Chiến lược nên tập trung vào con người cụ thể, chính là những con người đang công tác tại các bộ phận. Cần tăng cường con người vào các Bộ, các Sở để cùng với nhau có những ý tưởng tốt nhất, những giải pháp tối ưu.
Kết thúc hội thảo, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT đã tiếp thu những ý kiến đóng góp tích cực, thẳng thắn, có trọng tâm vào các vấn đề của các đại biểu và sẽ có những sửa đổi phù hợp vào Đề cương Chiến lược quốc gia phát triển ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.