Kon Tum: Dân đồng lòng, ủng hộ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Tin tức - Ngày đăng : 11:27, 27/08/2019

(TN&MT) - Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả nguồn tiền DVMTR của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum, đời sống của hàng ngàn hộ dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương đã được cải thiện rõ rệt. Từ đó, rừng được bảo vệ tốt hơn, chính sách chi trả DVMTR ngày càng hợp lòng dân.
rung1
Bà con được cán bộ tập huấn, hướng dẫn sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng để phát triển sinh kế

Hội trường xã Đăk Kroong (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) hôm nay đã nhộn nhịp, đông đúc hơn thường ngày. Từ rất sớm, hàng chục hộ dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng ở 2 thôn Đăk Bo và Đăk Wâk đã có mặt tại đây để tham gia buổi tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR và hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả nguồn tiền chi trả DVMTR do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum tổ chức.

Thôn Đăk Wâk có hơn 300 hộ dân người đồng bào dân tộc Dẻ, sinh sống chủ yếu bằng việc làm nương rẫy, trồng lúa, sinh sống ở vùng xa nhất của tỉnh Kon Tum nên đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Năm 2011, thôn Đăk Wâk thành lập cộng đồng nhận quản lý, bảo vệ hơn 150ha rừng tự nhiên và hưởng tiền chi trả DVMTR từ việc bảo vệ diện tích rừng này.

Anh A Tùng - Trưởng thôn, Phó ban Quản lý rừng thôn Đăk Wâk cho biết, sau khi nhận bảo vệ rừng, hàng năm, thôn Đăk Wâk nhận được một khoản tiền theo chính sách chi trả DVMTR. Từ số tiền này, thôn chia ra để sử dụng cho việc tuần tra, bảo vệ rừng; chi cho các hoạt động chung của thôn; làm vốn cho các hộ gia đình vay để làm ăn, phát triển kinh tế.

“Nhờ được cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum giới thiệu, hướng dẫn các mô hình phát triển kinh tế, nhiều hộ dân trong thôn Đăk Wâk biết sử dụng tiền vay của cộng đồng để đầu tư trồng cà phê, nuôi gia súc, gia cầm. Từ đó, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, kinh tế ổn định. Bà con cũng quan tâm hơn, chú trọng hơn đến việc tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Diện tích rừng được bảo vệ tốt hơn qua từng năm, tiền DVMTR thôn Đăk Wâk nhận được cũng tăng lên”, anh Tùng chia sẻ.

rung2
Công tác tuần tra, kiểm soát rừng được thực hiện thường xuyên, diện tích rừng được bảo vệ ngày càng tăng

Gia đình anh A Dép (làng Trắp, xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy) cũng là một trong những hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo nhờ tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Anh Dép cho hay, gia đình anh được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ 29ha, trong đó có 9,6ha đất có rừng. Mỗi năm, anh nhận được khoảng 6,7 triệu đồng tiền chi trả DVMTR.

Nhà chỉ có 1ha cao su chưa thu hoạch nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc đi làm thuê, nguồn tiền chi trả DVMTR là thu nhập chính. Nhờ chịu khó làm ăn, nay anh Dép đã mua được 1 con bò cái sinh sản và 2 con dê để phát triển kinh tế. “Nhờ Nhà nước triển khai chính sách chi trả DVMTR mà gia đình tôi mới được giao đất, giao rừng, được nhận tiền chi trả DVMTR. Tôi và bà con trong làng rất ủng hộ chính sách này và mong chính sách tiếp tục được triển khai để bà con tiếp tục được bảo vệ rừng, được có thêm nguồn thu nhập”, anh Dép nói.

Cùng quan điểm ủng hộ chính sách chi trả DVMTR, chị Y Phin - Phó Chủ tịch UBND xã Ya Tăng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng xã Ya Tăng khẳng định: “Chính sách chi trả DVMTR đã đưa công tác quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương đạt được hiệu quả cao nhất. Chính sách còn có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống của bà con, giúp bà con có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình”.

Là đơn vị thực hiện triển khai chính sách chi trả DVMTR tại tỉnh Kon Tum, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum nhiều năm nay đã tổ chức đa dạng các hoạt động truyền thông, kết hợp tập huấn, hướng dẫn sử dụng tiền DVMTR tại tất cả các địa phương của tỉnh. Qua hành trình gần 10 năm, chính sách này thực sự đã đi vào đời sống của người dân, được dân đồng lòng, ủng hộ. Từ đó, hiệu quả mà chính sách mang lại trong việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững ngày càng được thể hiện rõ ràng hơn.