Xây dựng Bắc Kạn vững bước phát triển đi lên

Trong nước - Ngày đăng : 20:34, 25/08/2019

(TN&MT) - "Bắc Kạn là một tỉnh cách mạng trong kháng chiến; một tỉnh giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, tự hàm chứa trong đó nhiều nét văn hóa riêng, rất đặc trưng. Nhưng Bắc Kạn cũng là một tỉnh nghèo nhất cả nước. Do vậy, cả nước vì Bắc Kạn. Bắc Kạn vì cả nước. Xây dựng Bắc Kạn vững bước phát triển đi lên…”. Đó là phát biểu được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Trung ương nhận định tại buổi thăm, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Kạn nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng tỉnh Bắc Kạn (24/08/1949-24/08/2019).
1
Toàn cảnh buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đồng chí Lý Thái Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác kết quả thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và kết quả thực hiện nhiệm vụ 7 tháng năm 2019.Theo đó: Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh những năm qua tiếp tục phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 6,5%/năm (mục tiêu Đại hội là 6,6%/năm), riêng năm 2019, tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 6,8%, trong đó nông, lâm nghiệp tăng 3,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 9,5%; dịch vụ tăng 7,9%. Về cơ cấu kinh tế của tỉnh hiện nay: Nông nghiệp chiếm 30%, công nghiệp 15,5%, dịch vụ 51,5%, thuế sản phẩm 3%. GRDP bình quân đầu người đến hết năm 2018 đạt 31,8 triệu đồng, bằng 51,8% so với cả nước. Dự kiến năm 2019, GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt trên 34,3 triệu đồng.

4 (1)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, dù còn nhiều khó khăn nhưng Bắc Kạn đã có bước phát triển đáng mừng.

Tỷ lệ hộ nghèo hiện nay là 21,88%, dự kiến năm 2019 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 19,38% (mục tiêu Đại hội giảm 2-2,5%). Công tác đảm bảo an sinh xã hội được thực hiện tốt. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96,5%...Đặc biệt, công tác quản lý, đất đai, tài nguyên và môi trường được thực hiện theo đúng quy định. Việc quản lý về quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản được chính quyền, ngành chức năng địa phương tích cực quản lý và sử dụng có hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Tỉnh đã xây dựng được 7 mô hình xử lý rác thải cấp huyện và nhiều mô hình xử lý rác thải cấp xã đã góp phần nâng cao tỷ lệ xử lý rác thải thành thị, nông thôn, đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 15 xã được công nhận xã nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm nay, cả tỉnh có thêm 7 xã nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới trên toàn tỉnh là 22 xã, đạt 100% mục tiêu Đại hội tỉnh và đạt 88% mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao…

6
Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ tỉnh 10 tỷ đồng để làm 200 căn nhà cho hộ nghèo trong tỉnh Bắc Kạn.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bế Xuân Trường đã đề nghị Chính phủ quan tâm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản của Bắc Kạn phát triển và tích cực tìm nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch vùng Hồ Ba Bể nhằm tăng thu cho địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân …Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã gợi ý: Thế mạnh của Bắc Kạn là nông lâm nghiệp. Đồng bào dân tộc chiếm đa số lại có bản tính khéo léo, cần cù…Do vậy, tỉnh nên chú trọng xây dựng nhiều mô hình doanh nghiệp nhỏ, HTX nhỏ liên kết nhiều nông hộ tại địa phương tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản công nghệ cao sẽ góp phần làm giàu cho 6 vạn hộ dân bản địa. Đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông và cấp vốn để thực hiện dự án xây dựng hồ Nậm Cắt phục vụ thủy lợi tưới tiêu cho nông nghiệp…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, dù còn nhiều khó khăn nhưng Bắc Kạn đã có bước phát triển đáng mừng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và liên tục, gấp 11 lần so với thời điểm tái lập tỉnh năm 1997; thu nhập bình quân tăng gấp 10 lần; giữ vững mối đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt an sinh xã hội, giúp người dân có cơ hội làm giàu từ rừng...Thủ tướng đề nghị tỉnh Bắc Kạn và các bộ, ngành Trung ương cần nhìn nhận thấu đáo những hạn chế của tỉnh như: Quy mô nền kinh tế nhỏ, chậm phát triển; Hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh. Hiện tại toàn tỉnh chỉ có hơn 800 doanh nghiệp, một khu công nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung phát triển công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng; phát triển mạnh du lịch, nhất là khu vực hồ Ba Bể. Ðồng thời, tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp hiệu quả, tạo được xuất xứ hàng hóa, chất lượng, thương hiệu tốt; điều chỉnh quy hoạch có tầm nhìn xuyên suốt, dài hơi; Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; Thực hiện tốt công tác chuẩn bị Ðại hội Ðảng các cấp; Quy hoạch đội ngũ cán bộ, nâng cao hiệu quả chính quyền các cấp, nói đi đôi với làm, tạo dựng cho nhân dân niềm tin vào Đảng, nhà nước, chính quyền địa phương.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về mặt chủ trương đối với các nội dung kiến nghị của tỉnh.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Bắc Kạn, bố trí đa dạng nguồn lực trong phát triển, nhất là giao thông để tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế; giao các bộ Tài chính, Kế hoạch đầu tư, Giao thông, Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường… nghiên cứu dự án xây dựng quốc lộ 3 mới (Chợ Mới – thành phố Bắc Kạn), đường từ Quân Bình, Bạch Thông đi hồ Ba Bể, các đoạn tuyến tiếp theo của dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3B đoạn Xuất Hóa tỉnh Bắc Kạn đi cửa khẩu Pò Mã tỉnh Lạng Sơn; đầu tư bảo tồn sinh thái hồ Ba Bể, xử lý đất lưu không xen kẹp... trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Bắc Kạn cũng là một tỉnh nghèo nhất cả nước. Do vậy, Trước đây Bắc Kạn là nôi cách mạng, vì cả nước; nay cả nước vì Bắc Kạn. Xây dựng Bắc Kạn vững bước phát triển đi lên…
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh (24/08/1949 – 24/08/2019), trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ tỉnh 10 tỷ đồng để làm 200 căn nhà cho hộ nghèo trong tỉnh.