Tiếp bài Đê sông Đáy “oằn mình” cõng xe quá tải (Hà Nam): Xã "quá mệt mỏi"

Tiếng dân - Ngày đăng : 10:10, 25/08/2019

(TN&MT) – Ngày 20/08, Báo Tài nguyên và Môi trường có bài "Kim Bảng (Hà Nam): Đê sông Đáy “oằn mình” cõng xe quá tải", phản ánh tuyến đê sông Đáy đoạn từ xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng ra đến KCN Đồng Văn IV nhiều năm qua tình trạng xe quá tải, cơi nới thành thùng ngang nhiên tung hoành khiến người dân vô cùng bức xúc. Liên quan đến vấn đề này, chính quyền địa phương cho biết: Quá mệt mỏi với tình trạng trên!

Chính quyền rất mệt mỏi vì xe tải lộng hành

Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết: Xã quá mệt mỏi với tình trạng xe quá tải, chở vật liệu gây ồn ào, gây bụi bặm, ô nhiễm môi trường trên địa bàn trong suốt nhiều năm qua. Từ năm 2018 đổ về trước khi tuyến đường từ ngã Ba Hàng đến đê sông Đáy chưa được mở rộng, nâng cấp thì liên tục xảy ra tình trạng người dân chặn xe vì bụi bặm không thể chịu được. Hơn nữa, tuyến đường này đi qua trường học nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho các cháu học sinh là rất cao.

Anh 1
Tình trạng xe quá tải, cơi nới thành thùng, gây ô nhiễm môi trường tại tuyến đê sông Đáy đến KCN Đồng Văn IV đã gây không ít bức xúc cho người dân và mệt mỏi cho chính quyền địa phương.

Trong ba thôn Thuỵ Hồi Trại, Thuỵ Sơn 1, Thuỵ Sơn 2 thì thôn Thuỵ Hồi Trại là bị ảnh hưởng nặng nề nhất với trên 500 hộ dân bị ảnh hưởng bởi bụi bặm, ồn ào từ xe vận chuyển vật liệu và khai thác mỏ. Xã không có ngày nào không khí trong lành, nắng thì bụi còn mưa thì bẩn, ông Dũng cho biết thêm.

Ông N.V.L ở thôn Thuỵ Sơn 2 bức xúc: Việc các xe vận chuyển vật liệu đất, đá hoạt động ở đây đã phải chục năm rồi, chừng ấy năm là thời gian người dân chúng tôi phải sống mòn với tình trạng ô nhiễm môi trường do bụi đá bủa vây khắp nơi. Trời nắng khô thì bụi mịt mù khắp các nơi, đặc biệt là khu dân cư gần đường, còn trơi mưa thì nhầy nhụa, bẩn. Tuyến đường này, xe vận tải hoạt động liên tục từ sáng sớm đến tận tối muộn với hàng trăm, thậm chí cả nghìn lượt xe mỗi ngày. Rất nhiều xe cơi nới thành thùng, chở vượt thùng, che chắn sơ sài hoặc không thèm che chắn nên đi đến đâu là rơi vãi đất đá, gây ô nhiễm bụi bặm đến đó. Người dân nhiều lần chặn xe phản đối nhưng rồi đâu lại vào đó.

Anh 2
Cùng một tuyến đường chỉ cách nhau vài mét nhưng có tới 2 biển báo giới hạn tải trọng trái ngược nhau.

Tuyến đê sông Đáy thường được cắm biển giới hạn tổng tải trọng không vượt quá 12 tấn, tuy nhiên ở đây lại được cắm biển giới hạn tải trọng trên trục là 10 tấn. Điều khó hiểu nữa là ngay tại ngã Ba Hàng trước khi lên đê có tới 2 biển báo được cắm cách nhau chỉ chừng vài mét, 1 biển là giới hạn tải trọng trên trục 10 tấn và 1 biển giới hạn tổng tải trọng toàn xe 10 tấn? Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết: Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Kim Bảng cắm biển giới hạn tải trọng trên từ tháng 12/2018.

Lực lượng chức năng kêu khó

Về phía lực lượng chức năng, ông Dương Văn Hội – Chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Hà Nam cho rằng: Đối với các doanh nghiệp vận tải, các mỏ trong 1 năm chỉ được kiểm tra 1 lần, bị hạn chế trong việc kiểm tra tải trọng tại nơi bốc xếp hàng hoá. Hơn nữa lực lượng ít mà địa bàn rộng nên không thể khép kín được. Chúng tôi làm chỗ này thì các xe lại chạy chỗ khác. Tính riêng 7 tháng đầu năm 2019, lực lượng thanh tra đã xử phạt gần 2 tỷ đồng chủ yếu là vi phạm quá tải.

Anh 3
Nhiều xe quá tải đánh vào các bãi đất trống ven đường rồi tắt máy để trốn tránh sự kiểm tra.

Thượng tá Trần Quốc Huy – Phó phòng CSGT Công an tỉnh Hà Nam cho biết: Tính hết tháng 6/2019 toàn tỉnh đã xử phạt trên 900 trường hợp với số tiền trên 5,7 tỷ đồng, riêng Phòng CSGT xử phạt 731 trường hợp với trên 4,7 tỷ đồng. Việc xử lý các xe cũng gặp không ít khó khăn như trốn tránh lực lượng khi phát hiện có lực lượng tuần tra, kiểm tra. Rồi việc bốc xếp hàng hóa, vật liệu ngay đầu mỏ, đầu bến bãi chưa được kiểm soát chặt nên cũng gây không ít khó khăn trong việc xử lý xe quá tải.
Xe quá tải lộng hành trên địa bàn huyện Kim Bảng nói riêng, tỉnh Hà Nam nói chung đang là sự quan ngại đối với cấp ủy, chính quyền cơ sở. Hơn nữa xe tải cơi nới, chở quá tải, không che chắn, văng đầy vật liệu, vật tư, đất đá gây ô nhiễm môi trường, chạy bất chấp pháp luật còn là nội kinh sợ đối với người dân trên địa bàn và người tham gia giao thông, nhất là đã vào mùa nhập học, học sinh tựu trường, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam cần khẩn trương có biện pháp mạnh, xử lý nhằm ngăn chặn tình trạng coi thường kỷ cương phép nước, lập lại trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này...