Xây dựng kế hoạch chi tiết trữ nước ĐBSCL

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 11:23, 22/08/2019

(TN&MT) - Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành khi ông chủ trì cuộc họp với các đơn vị về giải pháp trữ nước Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sáng 22/8, tại Hà Nội.
thứ trưởng Lê Công Thành
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì cuộc họp về giải pháp trữ nước ĐBSCL sáng 22/8

Báo cáo nghiên cứu giải pháp tổng thể trữ nước tại ĐBSCL, ông Nguyễn Anh Đức - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tài nguyên nước (TNN) cho biết, ĐBSCL có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế  - xã hội và là chìa khóa chính trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề cấp nước ở ĐBSCL ngày càng khó khăn hơn do sự gia tăng nhu cầu nước toàn lưu vực, biến đổi khí hậu và nước biển dâng làm gia tăng xâm nhập mặn.

Trong khi đó, hệ thống thủy lợi ĐBSCL dù có nhiều nhưng hầu hết chưa hoàn chỉnh các hệ thống liên vùng gây khó khăn điều tiết nước và trữ nước, nguồn nước chủ yếu trên sông Tiền và sông Hậu phần lớn theo dòng chính chảy thẳng ra biển Đông mà khó có thể cấp vào đồng ruộng do địa hình bằng phẳng. Các dự án thủy lợi đã và sẽ thực hiện, ngoài xây dựng các hệ thống kênh tưới - tiêu, các cống điều tiết nước trên kênh, trạm bơm cấp nước còn có giải pháp trữ nước trên sông chính nhằm ứng phó với BĐKH và suy giảm dòng chảy từ thượng nguồn.

ông Nguyễn Anh Đức
 Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tài nguyên nước báo cáo nghiên cứu giải pháp tổng thể trữ trước tại ĐBSCL

Theo báo cáo, những tác động của hệ thống hồ chứa, phát triển kinh tế - xã hội, những dự án chuyển nước dự kiến... ở các nước thượng lưu Mê Công sẽ có những tác động to lớn đến chế độ dòng chảy hàng năm đến ĐBSCL; trong đó có nguy cơ lũ nhỏ ngày càng nhỏ hơn, dòng chảy mùa kiệt năm hạn càng kiệt hơn, nước ngọt ngày càng khan hiếm, xâm nhập mặn ngày càng sâu khiến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt, công nghiệp... bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Do vậy, việc trữ nước ở ĐBSCL là cần thiết, đặc biệt cho những năm hạn. Và trữ nước ở ĐBSCL nên được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả việc trữ nước làm chậm lũ, trữ nước mùa lũ dùng cho mùa khô, phân ranh mặn ngọt, trữ nước bằng các biện pháp công trình tại vùng nhiễm mặn...

Báo cáo cũng nêu rõ, thời gian qua, tại ĐBSCL đã có các nghiên cứu liên quan đến vấn đề trữ nước ở ĐBSCL như: Nghiên cứu tiềm năng trữ nước ngọt trong mùa mưa, cấp nước cho mùa khô, kiểm soát mặn và phát triển bền vững ĐBSCL trong điều kiện BĐKH - Nước biển dâng; Nghiên cứu giải pháp quy hoạch vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng trữ nước ngọt cho khu vực ĐBSCL thích ứng với BĐKH; Tính bền vững lâu dài của ĐBSCL Việt Nam: Đánh giá kinh tế về các giải pháp quản lý nước...

ông Nguyễn Tuấn Quang
Ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục BĐKH phát biểu tại cuộc họp sáng 22/8

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho rằng, đến nay ở khu vực này chưa có một giải pháp tổng thể, toàn diện về vấn đề trữ nước cho toàn vùng và các tiểu vùng, mang tính liên ngành, trên cơ sở tầm nhìn dài hạn và định hướng chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL. Các nghiên cứu, dự án mới chỉ dừng lại ở mức độ vùng nhỏ hoặc cục bộ, chưa thể hiện rõ khả năng liên kết vùng; đồng thời chủ yếu về số lượng nước mà chưa làm rõ được về chất lượng nước.

“Thời gian qua, đã có một số dự án thực hiện giải pháp trữ nước tại một số địa phương ở ĐBSCL như Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau... hay các hệ thống phân ranh mặn ngọt, giữ nước ngọt nhưng chủ yếu chỉ dừng ở mực nội vùng hay khu, chưa có tính liên kết trên vùng rộng lớn”, ông Nguyễn Tuấn Quang nói.

Với những nghiên cứu, đánh giá sơ bộ các giải pháp trữ nước ở ĐBSCL như vậy, Cục BĐKH và Viện Khoa học TNN kiến nghị cần sớm thực hiện một dự án nghiên cứu tổng thể về các giải pháp trữ nước ở ĐBSCL trên cơ sở tầm nhìn dài hạn đến năm 2050, 2100, định hướng chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP, mang tính chất liên vùng, liên ngành, dựa trên các số liệu dự báo KTTV trung hạn và dài hạn, kết hợp với kịch bản BĐKH được cập nhật mới nhất, xác định được định hướng rõ ràng và đề ra các giải pháp trữ nước khả thi cho từng vùng sinh thái cụ thể.

Đánh giá cao các nghiên cứu khoa học, dự án thực tiễn về trữ nước ĐBSCL thời gian qua, Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định, trữ nước ĐBSCL cho mục đích thủy lợi đã được làm từ lâu, tuy nhiên những dự án này thường mang tính nhỏ, cục bộ trong khu vực ở một vài xã, huyện... chưa có tổng thể ở khu vực lớn hơn; đó là nhận định đúng và trúng.

thứ trưởng Thành chủ trì
Quang cảnh cuộc họp sáng 22/8

Thứ trưởng Lê Công Thành lưu ý một số vấn đề trong trữ nước ở ĐBSCL, đó là, chúng ta đang chú ý nước mặt nhiều hơn mà chưa có sự liên kết nước mặt - nước ngầm; sông Mê Công chảy vào Việt Nam (được gọi là sông Cửu Long) có hơn 90% nguồn nước từ nước ngoài chảy nhưng phần nước ngoài này ít được tính đến.

“Vấn đề nước cho những hộ sử dụng khác ở ĐBSCL cũng chưa được chú ý nhiều. Và dường như chúng ta chưa để ý đến điều kiện địa lý, địa chất, địa mạo của ĐBSCL?”, Thứ trưởng đặt câu hỏi.

Theo Thứ trưởng, vướng mắc nhất hiện nay là cái nhìn tổng thể, liên ngành, dài hạn cho cả khu vực ĐBSCL. Do vậy, Thứ trưởng đề nghị khẩn trương xây dựng một kế hoạch chi tiết về trữ nước ĐBSCL mang tính tổng quan, liên ngành và dài hạn và đến tháng 6/2020 phải có báo cáo tổng thể về kế hoạch này.

X.Hợp