Tính phí nước thải: Thu - chi chưa hợp lý
Môi trường - Ngày đăng : 10:30, 22/08/2019
Mức thu không phù hợp
Phí BVMT đối với nước thải đã được Chính phủ quy định và áp dụng triển khai từ năm 2003. Cho đến nay, các quy định về phí BVMT đối với nước thải đã qua 2 lần điều chỉnh. Theo quy định tại Nghị định số 154/2016/NĐ-CP, phí BVMT đối với nước thải vẫn tiếp tục được triển khai theo hai đối tượng là nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp. Việc thu phí BVMT đối với nước thải được phân cấp cho các địa phương, theo đó, Sở TN&MT thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp, đơn vị cung cấp nước sạch hoặc các UBND xã, phường, thị trấn thu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt.
Đối với nước thải sinh hoạt địa phương được phép để lại 10% trên tổng số tiền phí BVMT thu được cho đơn vị cung cấp nước sạch và 25% cho UBND xã, phường, thị trấn để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí; đối với nước thải công nghiệp địa phương được phép để lại 25% trên tổng số tiền phí BVMT; phần còn lại nộp vào ngân sách địa phương. Theo thống kê, số tiền phí thu được năm 2016 là 1.287 tỷ đồng, năm 2017 là 2.102 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh Hải Dương đã tổ chức thu phí của 463 cơ sở với tổng số tiền thu gần 2,6 tỷ đồng; tỉnh An Giang đã triển khai thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp của 66/71 cơ sở với tổng số tiền 712,28 triệu đồng; tỉnh Cà Mau là 5.057,35 triệu đồng.
Nguồn thu này đang hỗ trợ khá tích cực cho nguồn ngân sách địa phương về BVMT cũng như hoạt động của các Quỹ BVMT địa phương. Đồng thời, nâng dần ý thức của doanh nghiệp trong việc sử dụng tiết kiệm nước và hạn chế xả thải gây ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, một số địa phương cho rằng, mức thu phí BVMT hiện thấp không đủ bù đắp chi phí xây dựng, duy tu, bảo trì hệ thống đường cống thu gom thoát nước. Đơn cử như TP. Hà Nội thu 200 tỷ đồng/năm, nhưng chi đến 1.000 tỷ đồng/năm.
Góp ý hoàn thiện Nghị định về phí BVMT đối với nước thải do Bộ Tài chính dự thảo, các tỉnh Thanh Hóa, Lào Cai, Thừa Thiên - Huế, Ninh Bình cho rằng, phí BVMT đối với nước thải công nghiệp hiện được thu theo mức độ ô nhiễm xả thải ra môi trường. Trong khi đó, các khu công nghiệp hiện nay cơ bản đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung, doanh nghiệp đã đầu tư chi phí cho hoạt động xử lý nước thải nên số tiền phí BVMT thu được thấp. Ngoài ra, mức phí cố định 1,5 triệu đồng/năm áp dụng chung cho tất cả các cơ sở xả thải dưới 20m3/ngày đêm là không phù hợp. Do đó, các tỉnh đề nghị tăng mức phí lên 2,5 triệu đồng/năm thay vị 1,5 triệu đồng/năm như hiện nay.
Quy định các đối tượng phải nộp phí chưa rõ ràng
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, mức tính phí cố định, 1,5 triệu đồng/năm đối với các cơ sở có lượng nước thải trung bình trong năm tính phí dưới 20m3/ngày đêm cho tất cả các ngành nghề là chưa công bằng. Thực tế, một số cơ sở sản xuất trong những lĩnh vực ngành nghề đặc thù sử dụng nước rất ít, dưới 1m3/ngày đêm hoặc thậm chí sử dụng chưa đến 10m3/tháng như cơ khí, gia công kim loại, chế tạo máy và phụ tùng, đá chẻ… hoặc có những cơ sở sản xuất gần như không sử dụng nước như may mặc mà không dệt nhuộm, thạch cao. Việc đánh đồng giữa cơ sở sản xuất chỉ sử dụng dưới 1m3/ngày đêm với cơ sở sản xuất sử dụng gần 20m3/ngày đêm khiến các địa phương gặp không ít khó khăn trong quá trình thu phí vì bị các cơ sở này phản đối gay gắt. Ngoài ra, vì không quy định rõ phí cố định 1,5 triệu đồng/năm thu theo hộ gia đình sản xuất hay thu theo số lượng cơ sở sản xuất/hộ gia đình, nên trường hợp một hộ gia đình thành lập nhiều cơ sở sản xuất nên các cơ quan chức năng cũng biết thu thế nào cho phù hợp.
Bên cạnh đó, Nghị định 154/2016/NĐ-CP quy định các loại nước thải phải nộp lệ phí BVMT, đối tượng nộp, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí BVMT đối với nước thải, theo đó, cơ quan đầu mối thực hiện là cơ quan quản lý về TN&MT. Trong khi đó, pháp luật về tài nguyên nước (Luật Tài nguyên nước 2012 và Nghị định 201/2013/NĐ-CP) quy định các đối tượng được cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật và cơ quan đầu mối thực hiện là cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước. Đối với pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, quy định tổ chức, cá nhân xả nước thải vào công trình thủy lợi có trách nhiệm nộp phí xả nước thải cho tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Ngoài ra, Nghị định 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải quy định về định giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, theo đó đầu mối chịu trách nhiệm thực hiện là chủ sở hữu hệ thống thoát nước. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập trong hoạt động thu phí nước thải.
Đối với hoạt động khai thác khoáng sản, việc tính toán lưu lượng nước thải cũng khiến các ngành chức năng “đau đầu”. Vì, nước thải từ khai thác khoáng sản chủ yếu là nước mưa; hoặc với các loại hình như khai thác cát, không sử dụng nước, nhưng lại nằm trong đối tượng phải nộp phí BVMT với nước thải...