Cơ sở dữ liệu tài nguyên nước dưới đất có ý nghĩa rất quan trọng với ĐBSCL
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 18:23, 21/08/2019
Theo trình bày của chuyên gia đến từ Viện BRG, dự án nhằm mục tiêu bảo đảm khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất hiệu quả, bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, phòng tránh suy giảm mực nước, xâm nhập mặn và sụt lún mặt đất do khai thác nước dưới đất tại các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Dự án gồm 4 hợp phần chính là: nâng cao năng lực cho các Sở TN&MT về quản lý tài nguyên nước dưới đất cấp tỉnh; quan trắc về tài nguyên nước dựa trên nghiên cứu chuyên sâu về địa chất, thủy văn; hỗ trơ xây dựng quy hoạch tài nguyên nước, đưa ra các khuyến cáo trong việc sử dụng, khai thác tài nguyên nước dưới đất và xây dựng mạng lưới giữa cấp bộ, ngành, địa phương, tuyên truyền giáo dục nhận thức cộng đồng cho người dân về tài nguyên nước dưới đất.
Dự án hiện đang được triển khai tại Cà Mau và Sóc Trăng. Đơn vị thực hiện đã điều tra chuyên sâu về địa chất, thủy văn, xây dựng các trạm quan trắc nước dưới đất ở Sóc Trăng và cụm giếng ở các tầng nước dưới đất khác nhau tại Cà Mau. Đặc biệt, các chuyên gia của Đức đã áp dụng kỹ thuật hiện đại, tính toán được sự dịch chuyển của nước mặn và sụt lún ở một số vùng của Đồng bằng sông Cửu Long. Viện BRG cũng được tiếp nhận nguồn dữ liệu miễn phí từ hệ thống ảnh insart, đang tiến hành phân tích để đưa ra được thông tin về tài nguyên nước ngầm và độ sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm gần đây.
Trong thời gian tới, Viện BRG đề xuất hợp tác với các đơn vị của Bộ TN&MT để cùng nghiên cứu về mối tương quan giữa khai thác nước dưới đất với sụt lún ở ĐBSCL; điều tra sâu hơn về tình hình sử dụng nước, nghiên cứu về việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước tại các địa phương của vùng đồng bằng này…
Đánh giá cao các kết quả nghiên cứu của dự án, Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận, những thông tin từ nghiên cứu của Viện BRG sẽ được các đơn vị của Bộ TN&MT tổng hợp, phối hợp cụ thể để đưa ra cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước dưới đất ở ĐBSCL.
Thứ trưởng cho rằng, một báo cáo khoa học đủ độ tin cậy về khai thác nước ngầm và sụt lún có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển bền vững ĐBSCL. Kết quả của dự án sẽ góp phần tạo tiền đề để xây dựng nội dung cho Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 120/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời đóng góp cho việc xây dựng quy hoạch tài nguyên nước ở ĐBSCL.
Thứ trưởng giao Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế xây dựng đề xuất dự án được gia hạn, trở thành một trong những ưu tiên hợp tác của hai Chính phủ Việt Nam và Đức trong thời gian sắp tới.
Thay mặt Bộ TN&MT, Thứ trưởng mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Đức ngày càng bền chặt, đạt được những bước phát triển mới thông qua các hoạt động và các kết quả cụ thể, có hiệu quả thực chất như các hoạt động hợp tác với Viện BGR.
“Bộ TN&MT sẵn sàng phối hợp cùng Đại sứ quán Đức, các Bộ ngành liên quan và Viện BGR nhằm tìm kiếm cơ hội và xúc tiến các hoạt động giữa các bên, nhằm giúp Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu đề ra và hướng tới phát triển bền vững” - Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định.