Lời giải cho bài toán hồi sinh những dòng sông

Tin tức - Ngày đăng : 12:02, 21/08/2019

Ô nhiễm môi trường, tốc độ đô thị hóa nhanh đã gây sức ép lớn lên hệ thống các dòng sông trên địa bàn thành phố Hà Nội. Những năm gần đây, thành phố đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để giải cứu, hồi sinh những con sông. Thế nhưng thực tế cho thấy, việc biến những dòng sông ô nhiễm thành những “sông xanh, sông lụa” một cách bền vững là bài toán khó cần sớm có lời giải.

Những dòng sông ô nhiễm

Nhiều năm nay, người dân xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ) bức xúc vì nguồn nước sông Đáy bị ô nhiễm. Sinh sống gần dòng sông, bà Nguyễn Thị Bùng, ở thôn Phượng Đồng, xã Phụng Châu cho biết: “Mấy hôm trước xảy ra nắng nóng, mùi hôi bốc lên khiến ngày nào gia đình tôi cũng phải đóng cửa. Do phải sử dụng nguồn nước sông Đáy để tưới dưỡng nên phần lớn nông dân ở đây đi làm cỏ cho lúa đều phải mang khẩu trang, đi ủng và găng tay”.

Ông Nguyễn Văn Thơ, người cùng thôn cho biết thêm: “Ô nhiễm sông còn làm hàng loạt giếng khoan lấy nước sinh hoạt trên địa bàn xã bị ảnh hưởng. Chúng tôi mong các cấp chính quyền sớm có biện pháp giải quyết triệt để tình trạng này”…
 

nuoc
Hệ thống xử lý nước thải của Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) hoạt động ổn định đã góp phần giảm ô nhiễm nguồn nước sông Đáy.

Không chỉ ở Chương Mỹ, vấn đề ô nhiễm các dòng sông còn gây bức xúc cho nhiều người dân trên địa bàn các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức… Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải cho biết: 4 dòng sông của Hà Nội (Nhuệ, Đáy, Tích, Bùi) có nhiệm vụ cung cấp nguồn nước tưới và tiêu thoát úng cho 136.725ha sản xuất nông nghiệp của 25/30 quận, huyện, thị xã.

Tuy nhiên, nguồn nước các dòng sông này, nhất là sông Nhuệ và sông Đáy đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, không bảo đảm chất lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc, huyện liên tục nhận được ý kiến của người dân về tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Đáy. Huyện đã chuyển ý kiến của nhân dân đến các cấp, các ngành; đồng thời, yêu cầu các hộ dân không xả rác thải xuống sông… để hạn chế ô nhiễm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, nhưng chủ yếu là do hoạt động xả thải nước sinh hoạt chưa qua xử lý. Theo thống kê, thời điểm này, trên 4 tuyến sông nói trên có 1.868 điểm xả nước thải; trong đó, 797 điểm xả có nguồn gốc từ hoạt động sản xuất, 1.071 điểm xả là các cống tiêu dân sinh. Mặt khác, dòng chảy các sông: Nhuệ, Đáy, Tích, Bùi… phụ thuộc rất lớn nguồn nước bổ cập của sông Hồng.

Trong khi đó, từ năm 2003 đến nay, mực nước sông Hồng thường xuyên duy trì ở mức thấp, không thể đưa nước vào các dòng sông trên nên nước sông ô nhiễm càng thêm ô nhiễm. Thực trạng này cho thấy, việc giải cứu các con sông Nhuệ, Đáy, Bùi, Tích… là nhiệm vụ vừa mang tính cấp thiết vừa lâu dài đối với sự phát triển của Hà Nội.

Cần giải pháp căn cơ

Để giải cứu các dòng sông trên địa bàn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, thành phố đã triển khai hàng loạt dự án để cải thiện nguồn nước như: Dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc; nâng cấp trục chính sông Nhuệ kết hợp với làm đường giao thông cải thiện môi trường gắn với chỉnh trang sông Nhuệ; nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy; tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích… Tuy nhiên, do cần nguồn kinh phí lớn và khó khăn trong giải phóng mặt bằng nên tiến độ triển khai các dự án này chưa đáp ứng yêu cầu.

song
Sông Nhuệ đang “chết dần” vì các họng xả nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý.

Về vấn đề này, ý kiến của giới khoa học tập trung vào việc: Bổ cập nguồn nước cho các dòng sông và tách nguồn nước thải để xử lý trước khi đổ xuống sông… Theo GS.TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN& PTNT, nguồn nước có thể bổ cập cho sông Nhuệ, sông Đáy là nước sông Hồng qua cống Liên Mạc và bổ cập cho sông Tô Lịch là nguồn nước Hồ Tây...

Tuy nhiên, nhiều năm nay, mực nước sông Hồng vào mùa khô đều thấp hơn cao trình vận hành của cống Liên Mạc. Vì vậy, phải xây dựng hệ thống tiếp nước cho sông Nhuệ, Đáy qua cống Liên Mạc và xây dựng hệ thống tiếp nước cho Hồ Tây…

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, để pha loãng 1m3 nước thải cần đến 10m3 nước bảo đảm tiêu chuẩn. Vì vậy, xử lý ô nhiễm các sông bằng việc bổ cập nguồn nước cần kinh phí lớn để xây dựng hệ thống trạm bơm.

Hơn nữa, việc bổ cập nguồn nước chỉ có ý nghĩa giải quyết mức độ ô nhiễm sông ở khu vực Hà Nội, nhưng khu vực hạ du sẽ phải hứng chịu nguồn ô nhiễm. Để bảo đảm tính bền vững, giải pháp quan trọng là thu gom nước thải đưa vào hệ thống xử lý bảo đảm tiêu chuẩn sau đó mới xả xuống dòng sông. 

Về kinh phí, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng cho rằng: “Để có nguồn kinh phí đầu tư xây dựng và duy trì hệ thống xử lý nước thải, chúng ta phải thực hiện nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả kinh phí xử lý”, thông qua việc tăng phí xả thải trong sử dụng nước sinh hoạt…”.

Để biến những dòng sông ô nhiễm thành những “sông xanh, sông lụa” một cách bền vững, theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ các dự án cải thiện nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy, các dự án xử lý nước thải; tăng cường thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề…