Thừa Thiên -  Huế “bội thực” dự án “treo” - Bài 2: Hàng loạt dự án du lịch biển “đắp chiếu”

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 11:12, 20/08/2019

(TN&MT) - Khu kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc) được xem là mảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng thu hút nhiều nhà đầu tư tìm đến, xin cấp phép các dự án (DA) du lịch nghỉ dưỡng với số vốn hàng nghìn tỷ đồng. Tuy vậy, không ít dự án đang “đắp chiếu” bên bờ vịnh đẹp của thế giới, gây lãng phí nguồn tài nguyên và khiến dư luận bức xúc...
lang co
KTT Chân Mây - Lăng Cô đang thu hút làn sóng đầu tư mạnh mẽ trong nhiều năm gần đây

Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có gần 30 dự án du lịch ven biển đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, phần lớn dự án nằm trong KKT Chân Mây - Lăng Cô.

Những ngày giữa năm 2019, PV trở lại nơi này và chứng kiến không ít DA du lịch được cấp phép vẫn “án binh bất động”.

“Siêu dự án” hơn 5.000 tỷ nằm trên giấy

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô được khởi công xây dựng vào năm 2008 tại thôn Phú Hải (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Hai năm sau, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Phát triển Phong Phú - Lăng Cô xin điều chỉnh quy mô dự án lên đến 5.230 tỷ đồng và diện tích đất sử dụng là 292 ha.

Dự án được thiết kế gồm 3 hạng mục công trình là khu resort ven biển 100 phòng, phố ẩm thực hải sản và công viên biểu tượng có diện tích lên đến 17.000m2 nhưng trên thực tế, đến nay, dự án vẫn nằm trên giấy, công tác giải phóng mặt bằng chưa thực hiện xong.

Mặc dù, được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Ban Quản lý KKT, công nghiệp tỉnh tạo điều kiện, cho điều chỉnh gia hạn tiến độ thực hiện dự án (năm 2017) nhưng nhà đầu tư vẫn không hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công xây dựng dự án. Đến nay, dự án chậm khởi công xây dựng và chậm hoàn thành giai đoạn 1 (hạng mục sân golf và công trình phụ trợ) đưa vào hoạt động so với tiến độ tại Giấy chứng nhận đầu tư.

Trong khi đó, việc kiểm kê đền bù đất cho người dân địa phương vẫn chưa xong. Điều này khiến gần 100 hộ dân nằm trong vùng dự án phải luôn sống trong cảnh bất an.

anh 1 lang co
Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô đang “treo”

Gia đình ông Trần Minh Phụng (60 tuổi) là một trong những hộ dân nằm trong vùng quy hoạch của dự án sân golf. Vì sự chậm trễ của dự án nên ông luôn sống trong cảnh lo âu. Ông Phụng cho biết, nhà ông ở là nhà cấp 4 với gần chục người, có gần 1.000m2 đất nông nghiệp trồng hoa màu... “Vừa qua, tôi xây thêm phòng tắm để tiện sinh hoạt. Nhưng khi xây xong, xã đến lập biên bản vì cho rằng, nhà nằm trong vùng quy hoạch; xã yêu cầu tháo dỡ nếu không sẽ cưỡng chế. Việc trồng trọt cũng không được gì vì trồng được 1, 2 tháng, bà con trong làng nói dự án sân golf sắp làm. Tôi cứ sống trong cảnh thấp thỏm đợi chờ...” -  ông Phụng bức xúc.

Người dân cho biết, tại các cuộc họp cử tri, họ luôn kiến nghị về dự án cũng như việc đền bù... nhưng không có tiến triển.

Ông Lê Công Minh - Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh thông tin, thôn Phú Hải có 97 hộ nằm trong diện phải di dời. Chủ đầu tư đã kiểm kê tài sản và phê duyệt giá trị bồi thường, từ năm 2009 đến năm 2017 tiến hành kiểm kê lại, nhưng đến nay, doanh nghiệp không chi trả tiền khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, gặp nhiều khó khăn khi không được xây dựng, sửa chữa nhà cửa, chia tách đất đai cho con cái xây dựng nhà ở.

Nhiều dự án “trùm mền”

Dự án Khu du lịch Bãi Chuối được cấp phép tại khu vực Bãi Chuối (thị trấn Lăng Cô) để xây dựng khu nghỉ dưỡng với vốn đầu tư đăng ký 1.636 tỷ đồng, diện tích thuê đất 100ha. Dự án sẽ khởi công vào đầu năm 2009 và đến tháng 8/2014 sẽ hoàn thành. Tuy vậy, theo quan sát của PV, đến nay, dự án đang là một khu đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm; mới chỉ làm xong một đoạn đường ngắn.

anh 3 lang co
Tài nguyên ở Lăng Cô đang bị lãng phí bởi nhiều dự án "ma"

Trong khi đó, năm 2008, Khu Liên hợp nghỉ dưỡng Conic - Lăng Cô được khởi công rầm rộ. Dự án này cam kết sẽ hoàn thành vào tháng 12/2009. Nhà đầu tư lúc đó thông báo sẽ xây dựng 200 phòng khách sạn, 40 biệt thự đẳng cấp 5 sao, các phòng hội nghị tiêu chuẩn quốc tế và các dịch vụ cao cấp khác nhưng đến nay, dự án vẫn là một khu đất hoang.

Ngoài ra, ở KKT này còn có Nhà máy Cơ khí chính xác Chân Mây của Công ty TNHH sản xuất cơ khí Chân Mây Việt Nam chưa triển khai gây lãng phí và bức xúc trong dư luận.

Trao đổi với PV, ông Dương Đăng Trung - Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô nhận định: “Trong khi đời sống nhân dân còn khó khăn vì thiếu công ăn việc làm mà lượng lớn diện tích đất của thị trấn lại nằm phơi đất như thế hết sức lãng phí. Nếu thu hồi những dự án treo này, sẽ giải quyết được rất nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương...”.

Không chỉ những dự án treo ở các “khu đất vàng” trong thành phố hay tại KKT Chân Mây - Lăng Cô - một trong những khu kinh tế trọng điểm của miền Trung mà tại Thừa Thiên - Huế còn rất nhiều dự án khác đang “án binh bất động” như: Khu công nghiệp Phú Bài có 7 dự án chậm tiến độ với diện tích đất đăng ký là 145 ha; khu công nghiệp Phong Điền có 5 dự án chậm tiến độ với diện tích đất đăng ký 8,8ha; khu công nghiệp La Sơn có 2 dự án chậm tiến độ với diện tích đất đăng ký 80,2 ha…

Tìm giải pháp

Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực có thể tiếp cận đất đai, dự án, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, hiện đã rà soát toàn bộ các dự án chậm tiến độ, xử lý chia làm 3 giai đoạn; trong đó, 24 dự án cần xem xét thu hồi (đã thu hồi 12 dự án), 29 dự án cần được giám sát đặc biệt và 26 dự án đang triển khai cần đôn đốc thực hiện.

Theo Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế, từ năm 2014 đến nay, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thu hồi đất 14 dự án chậm tiến độ và hàng chục dự án đất chậm tiến độ khác có nguy cơ bị thu hồi. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, đã thu hồi 3 dự án. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh kiểm tra, thu hồi những dự án vi phạm theo luật...

Theo ông Hoàng Việt Trung - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Thừa Thiên - Huế, các dự án “đắp chiếu” vì một số nguyên nhân như nhà đầu tư thua lỗ trong hoạt động kinh doanh, không còn đủ khả năng triển khai dự án; một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực để triển khai dự án nhưng vẫn đăng ký để giữ chỗ, chờ chuyển đổi dự án để kiếm lợi; nhiều dự án đăng ký đầu tư với sản phẩm đầu ra tương tự trong khi khả năng hấp thụ nền kinh tế địa phương không cao dẫn đến khó đảm bảo hiệu quả dự án...

Để khắc phục tình trạng đất dự án bỏ hoang, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Sở TN&MT, Sở KH&ĐT, Ban Quản lý Khu kinh tế, Khu công nghiệp và UBND các địa phương khẩn trương rà soát các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn. Đồng thời, kêu gọi các chủ đầu tư liên doanh, liên kết đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Đối với các dự án chậm tiến độ, vượt thời gian gia hạn theo quy định của pháp luật, UBND tỉnh thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh rà soát, bổ sung danh mục dự án cần rà soát thu hồi; danh mục dự án giám sát đặc biệt nhằm tạo sự bình đẳng trong đầu tư, phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng đất.

Ngoài ra, thực hiện công khai danh mục các dự án chậm triển khai tiến độ, các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn theo quy định trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và các website của các Sở, ngành để người dân biết, giám sát. Củng cố pháp lý, đảm bảo chặt chẽ đúng quy định của pháp luật khi thực hiện thu hồi các dự án chậm tiến độ. Rà soát, đánh giá lại các quy hoạch chưa hoặc chậm triển khai, điều chỉnh một số quy hoạch không có tính khả thi, không còn phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương.

KKT Chân Mây - Lăng Cô được thành lập vào năm 2006, có diện tích 27.108ha, nằm trên địa bàn các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô. Đến nay, sau hơn 10 năm thành lập, qua số liệu mới nhất, KKT này đã thu hút hơn 40 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 75.743 tỷ đồng; trong đó, có 20 dự án hoàn thành đi vào hoạt động (chiếm tỷ lệ 46,5% tổng số dự án) với tổng vốn đầu tư 46.647 tỷ đồng, 19 dự án đang triển khai (chiếm tỷ lệ 44,2% tổng số dự án) với tổng vốn đầu tư 21.916 tỷ đồng.