Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ tích cực địa phương về giao khu vực biển

Biển đảo - Ngày đăng : 11:11, 20/08/2019

(TN&MT) - Hiện nay, hầu hết 28 tỉnh, thành có biển đã ban hành và công bố thủ tục hành chính về giao, gia hạn, sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển, trả lại khu vực biển trên địa bàn của địa phương. Song, đứng trước sức “nóng” của vấn đề này, cùng với việc thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền phổ biến pháp luật tài nguyên môi trường biển, hải đảo, Bộ TN&MT đã ban hành Công văn số 2759/BTNMT-TCBHĐVN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển về việc hướng dẫn giải quyết việc giao khu vực biển để nhận chìm chất nạo vét.
T11
Khu vực biển đề xuất sử dụng để nhận chìm chất nạo vét phải đảm bảo khi thực hiện không được tác động có hại đến môi trường sống Ảnh: MH

Theo đó, Bộ TN&MT hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển thực hiện giải quyết việc giao khu vực biển để nhận chìm chất nạo vét cho tổ chức, cá nhân trong thời gian các quy hoạch và Nghị định thay thế Nghị định 51/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển tiếp tục sử dụng địa điểm đổ thải, xử lý bùn nạo vét trên biển, cũng như thực hiện nhiệm vụ quy định địa điểm đổ thải, xử lý bùn nạo vét trên biển (khu vực biển sử dụng để nhận chìm) theo quy định tại Khoản 5, Điều 53, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu. Tuy vậy, các tỉnh, thành phố có biển cần lưu ý các vấn đề như: Ranh giới, diện tích khu vực biển đề xuất sử dụng để nhận chìm chất nạo vét được xác định theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Nghi định số 51/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, khu vực biển đề xuất sử dụng để nhận chìm chất nạo vét phải đảm bảo khi thực hiện không được gây ra tác động có hại đến sức khỏe con người, tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước; hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu tới môi trường, hệ sinh thái, nguồn lợi hải sản theo quy định tại Khoản 4, Điều 57 và Điểm b, Khoản 1, Điều 58, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Đồng thời, khu vực này phải đảm bảo không gây ảnh hưởng tới an toàn sử dụng công trình cảng biển và luồng hàng hải theo quy định tại Điều 124, Luật Hàng hải Việt Nam; không chồng lấn, ảnh hưởng tới vùng an toàn của các công trình dầu khí theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 03/2002/NĐ-CP ngày 7/1/2002 của Chính phủ về bảo vệ an ninh, an toàn dầu khí; không vi phạm khoảng cách an toàn đường cáp điện ngầm ở biển theo quy định tại Điều 4, Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện.

Ngoài ra, khu vực đề xuất sử dụng để nhận chìm chất nạo vét không ảnh hưởng tới các hoạt động quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh.

Trong khi chưa có quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, quy hoạch sử dụng biển, quy hoạch ngành, địa phương thì UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương có biển sử dụng vị trí, ranh giới, diện tích khu vực biển là: trong giấy phép đã cấp cho tổ chức, cá nhân theo quy định của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ; do UBND tỉnh, thành xác định theo quy định tại Khoản 5, Điều 53, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/ 2015. Trên cơ sở này, UBND các tỉnh, thành phố có biển làm căn cứ giao khu vực biển và thực hiện trình tự, thủ tục giao khu vực biển theo quy định của Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014.

Khi giao khu vực biển để nhận chìm chất nạo vét luồng lạch, cảng biển quân sự của Bộ Quốc phòng phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, UBND các tỉnh, thành phố có biển căn cứ vào phạm vi thẩm quyền được giao, thực hiện áp dụng Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và các nội dung hướng dẫn trên để giao khu vực và tạm thời chưa thu tiền sử dụng khu vực biển đối với các dự án này.