Quản trị tài nguyên nước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:46, 20/08/2019
Thực tế cũng cho thấy, phần lớn cơ cấu thể chế cho quản lý tài nguyên nước đã được luật quy định rõ ràng. Thế nhưng, để tất cả các bên lợi ích ở cấp ngành và cấp địa phương làm việc cùng nhau còn là một thách thức lớn về phối hợp cả theo chiều ngang và chiều dọc, trong một lĩnh vực liên quan đa ngành và đa thẩm quyền như nước. Quy mô của thách thức này có thể được minh họa qua một phân tích của nhóm Tài nguyên nước 2030: Để giảm mức độ căng thẳng về nước trong một lưu vực, cần có 24 biện pháp từ bảy Bộ, sáu hội đồng tỉnh, nhiều thành phố, nhiều công ty thủy lợi và các công ty tư nhân, cùng hàng triệu nông dân và cư dân thành phố.
Việt Nam được đánh giá là nước có mức độ ủy quyền đặc biệt cao về trách nhiệm, tài chính và nguồn nhân lực cho chính quyền địa phương. Nhưng năng lực quản lý tài nguyên nước ở các cấp được phân quyền còn khá yếu, đặc biệt là dưới cấp tỉnh. Một số tỉnh có năng lực lập quy hoạch và quản lý tài nguyên nước, nhưng hầu hết các tỉnh chưa có hướng dẫn chi tiết về phân cấp cho huyện và xã. Ở cấp địa phương, UBND tỉnh và dưới tỉnh là các UBND các huyện chịu trách nhiệm phát triển và quản lý tài nguyên nước cùng các dịch vụ nước và thủy lợi trong phạm vi quyền hạn của họ. Chỉ có những các dự án lớn được quản lý trực tiếp bởi các Bộ, trách nhiệm lớn thuộc phạm vi liên tỉnh. Thế nên, hơn 70% ngân sách thủy lợi, được quản lý bởi các UBND tỉnh chứ không phải Bộ NN&PTNT.
Mặc dù đã có sự phân công trách nhiệm giữa các Bộ ngành về quản lý tài nguyên nước, song còn chồng chéo về nhiệm vụ và bất cập trong phối hợp giữa các cơ quan. Việc phân quyền trong lập quy hoạch liên quan đến tài nguyên nước đã dẫn đến việc các Bộ, ngành đều xây dựng quy hoạch phát triển chuyên ngành theo yêu cầu của Bộ mình đặt ra. Chẳng hạn, Bộ NN&PTNT xây dựng quy hoạch thủy lợi; Bộ Công Thương xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống thủy điện; Bộ GTVT xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông thủy.
Việc thiếu phối hợp giữa các ngành dẫn đến những xung đột trong khai thác sử dụng nước, làm gia tăng nguy cơ thiếu nước và ô nhiễm môi trường nước mặt. Còn mâu thuẫn về lợi ích liên quan đến tài nguyên nước như giữa chống lũ với phát điện; giữa phát điện với cấp nước tưới; giữa phát điện với cấp nước cho hạ du, nước sinh hoạt, nước để đẩy mặn cửa sông.
Ở một khía cạnh khác, dù khung pháp lý cho quản lý tổng hợp tài nguyên nước đã được thiết lập, việc thực hiện còn khó khăn. Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, vấn đề lớn nhất là các tổ chức lưu vực sông hiện tại – các ban quản lý lưu vực sông và Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông – không có đầy đủ thẩm quyền vì bị chồng chéo về nhiệm vụ và trách nhiệm, hạn chế về năng lực thể chế, nguồn lực và tài chính. Phối hợp giữa các tổ chức cũng hạn chế.
Nhìn chung, còn nhiều vấn đề cần giải quyết để tăng quyền hạn, phân bổ đủ nguồn lực và bảo đảm tính đại diện của các tổ chức lưu vực sông. Các tổ chức này không phải là thực thể độc lập dưới hình thức như các mô hình quốc tế đề xướng, và không có chức năng quản lý Nhà nước để đưa ra và thực hiện các quy hoạch lưu vực hay giải quyết các xung đột trên lưu vực.
Khung quản trị nước của Việt Nam có mục đích lồng ghép quy hoạch và quản lý ở cấp lưu vực, song thành công trong việc thành lập các tổ chức lưu vực và đảm bảo quy hoạch lưu vực còn hạn chế. Vì vậy, cần tăng cường trao quyền cho các tổ chức này, phân bổ đủ nguồn lực và bảo đảm các tổ chức này đại diện đầy đủ quyền lợi của các bên liên quan.
Có như vậy, các tổ chức này mới thực sự phát huy sức mạnh, nguồn lực và đặc điểm để lập quy hoạch và quản lý tổng hợp lưu vực sông, thúc đẩy cách tiếp cận tổng hợp cho quản lý tài nguyên nước.