Quản lý lưu vực sông cần “cây gậy” chỉ huy: Đồng thuận bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai

Môi trường - Ngày đăng : 09:48, 20/08/2019

(TN&MT) - Ngày 6/1/2017, các tỉnh, thành trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã cùng ký kết Quy chế phối hợp số 37 về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường (BVMT) ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa TP.HCM, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Lâm Đồng và tỉnh Bình Phước (Quy chế số 37). Qua 2 năm triển khai thực hiện Quy chế số 37, đã giúp các tỉnh, thành giáp ranh cùng tìm ra phương hướng giải quyết các vấn đề về môi trường một cách hiệu quả hơn.
Anh 1 Bao ve luu vuc song DN
Các tỉnh, thành đã và đang nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai

Kiểm soát nghiêm ngặt hơn

Ông Đặng Minh Đức - Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai cho hay: Việc thường xuyên trao đổi các công việc liên quan đến công tác BVMT giữa Cục Bảo vệ Môi trường Miền Nam và Sở TN&MT Đồng Nai đến nay đã có sự thống nhất về phương pháp xử lý những vụ việc thời sự, những vụ việc “nóng” vi phạm pháp luật BVMT. Qua đó, đã giải quyết hiệu quả được nhiều vụ việc “nổi cộm” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Theo ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương, Sở đã triển khai thực hiện xây dựng Quy chế phối hợp trong quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát với các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước. Qua đó, tăng cường phối hợp trong hoạt động kiểm tra các bến bãi và tàu thuyền bơm hút cát trên hồ Dầu Tiếng, góp phần lập lại trật tự hoạt động khai thác cát trên hồ. Đồng thời, Sở TN&MT triển khai đề tài, dự án về điều tra, đánh giá tài nguyên nước và BVMT, nhất là đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp về kiểm soát ô nhiễm các nguồn xả thải vào sông và kênh rạch, từ đó, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, hướng đến xây dựng tỉnh Bình Dương thành nơi có môi trường sống tốt, có sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với BVMT.

Ông Lê Hoàng Lâm - Giám đốc Sở TN&MT Bình Phước cho hay: Sau khi Quy chế số 37 được ban hành, ngày 6/3/2017, 2 tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng đã thống nhất ban hành Quy chế phối hợp số 1239 về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa 2 tỉnh. Theo đó, 2 tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng đã triển khai nhiều hoạt động về quản lý khai thác cát sỏi tại sông Đồng Nai thuộc các khu vực giáp ranh. Sở TN&MT 2 tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng đã tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời xử lý hành vi vi phạm, triển khai nhiều biện pháp thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin. Qua đó, các vụ vi phạm, tình trạng khai thác cát trái phép vùng giáp ranh đã giảm mạnh so với thời gian trước.

Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khu vực có liên quan đến lưu vực hệ thống sông Đồng Nai được xác định chủ yếu là phần lưu vực của vùng nước sông Thị Vải, TX Phú Mỹ. Do đó, ông Đặng Sơn Hải - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, để bảo đảm các nguồn thải vào dòng Thị Vải phù hợp với sức chịu tải của vùng nước, đồng thời, nhằm ngăn ngừa tái ô nhiễm môi trường nước sông Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, theo đó, sẽ lựa chọn các dự án đầu tư thân thiện với môi trường, có giải pháp bảo vệ môi trường nghiêm ngặt để phù hợp với điều kiện chất lượng môi trường và công tác quản lý của tỉnh.

Tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện dự án Điều tra, thống kê toàn diện các nguồn gây ô nhiễm chính đối với môi trường nước lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến về các nguồn gây ô nhiễm chính đối với môi trường nước lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đây là nguồn thông tin quan trọng trong việc quản lý, kiểm soát các nguồn thải trong lưu vực sông. Sở TN&MT Lâm Đồng đã cung cấp thông tin về nguồn thải vào sông Đa Goay và suối Đa Guy trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo đề nghị của Sở TN&MT Đồng Nai và phối hợp kiểm tra công tác BVMT một số trang trại nuôi heo nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai có xả nước thải vào lưu vực sông Đồng Nai.

Anh 3 Kiem soat khoang san cat
Các tỉnh, thành kiểm soát chặt các hoạt động khai thác khoáng sản cát vùng giáp ranh

Kịp thời ngăn chặn, xử lý

Để giám sát và bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai, theo Giám đốc Sở TN&MT Tây Ninh Nguyễn Thị Hiếu, tỉnh đã thực hiện và phối hợp Sở TN&MT Long An, Sở TN&MT TP.HCM để quan trắc 15 điểm với tần suất 4 lần/năm. Kết quả quan trắc hàng quý, Sở TN&MT Tây Ninh đều gửi Sở TN&MT Long An, Sở TN&MT TP.HCM.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho hay: Nhằm cụ thể hóa Quy chế 37, Sở TN&MT TP.HCM đã thực hiện chia sẻ hàng quý về chất lượng môi trường nước sông, kênh rạch giáp ranh, môi trường không khí; các mỏ khoáng sản đã được cấp phép khai thác; các dự án nạo vét, duy tu tuyến luồng đường thủy có tận thu khoáng sản. Đồng thời, chia sẻ số liệu về thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản khu vực giáp ranh. Đặc biệt, ngày 3/6/2019, UBND TP.HCM đã ban hành Đề án Phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa thành phố và các tỉnh. Đề án có thời gian thực hiện từ năm 2019 - 2022 trên các tuyến sông thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép trên sông như sông Đồng Nai, Sài Gòn, Đồng Tranh, Soài Rạp, Lòng Tàu và trọng tâm là khu vực biển Cần Giờ.

Ông Phạm Tùng Chinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Long An cho rằng, tỉnh Long An đã chia sẻ thông tin để quản lý tốt hơn về tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và môi trường. Trong quá trình thanh, kiểm tra, địa phương chủ trì có toàn quyền xử lý đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản theo quy định hiện trên các tuyến sông, rạch vùng giáp ranh giữa 2 địa phương mà không phân biệt địa giới hành chính và được quyền thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn các hành vi chống đối, phá hủy chứng cứ, tang vật của tổ chức, cá nhân vi phạm.

Nằm ở hạ lưu lưu vực sông Đồng Nai nên chất lượng nước ngày càng sút giảm và có nguy cơ ô nhiễm cao. Ông Nguyễn Văn Kiệt - Phó Giám đốc Sở TN&MT Tiền Giang cho biết, tỉnh Tiền Giang và tỉnh Long An định kỳ hàng quý chia sẻ thông tin về kết quan trắc chất lượng nước để nhằm đánh giá diễn biến nồng độ các thông số ô nhiễm, phát hiện kịp thời những diễn biến bất thường giúp cơ quan quản lý có những biện pháp xử lý kịp thời. Tỉnh Tiền Giang còn phối hợp với TP.HCM cử lực lượng tham gia kiểm tra hoạt động khai thác cát trái phép ở vùng giáp ranh 2 địa phương; chia sẻ thông tin về hoạt động khai thác khoáng sản cát sông hoặc nạo vét luồng lạch trên địa bàn quản lý để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.