Thừa Thiên Huế: Kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất
Trong nước - Ngày đăng : 12:59, 17/08/2019
Thừa Thiên Huế phát triển vượt bậc
Ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sau 30 năm tái lập, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển mạnh mẽ, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc cả về quy mô, tầm vóc, diện mạo, cũng như về trình độ và chất lượng; tạo thế và lực mới cho Thừa Thiên Huế trên con đường phát triển và hội nhập.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định, nền kinh tế của tỉnh đến nay đã tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực dựa trên khai thác các tiềm năng, lợi thế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1989 -2018 là 7,2%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 7 lần. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2018 gấp 81,6 lần so với năm 1990. Thu ngân sách nhà nước năm 2018 đạt 7.788,5 tỷ đồng. Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, chiếm 55,7% trong GRDP, đóng vai trò chủ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Công tác thu hút đầu tư đã có nhiều chuyển biến, các doanh nghiệp lớn, tập đoàn hàng đầu có thương hiệu đã bắt đầu tập trung về Thừa Thiên Huế. Giai đoạn 2009 - 2018 đã thu hút 387 dự án với tổng vốn đăng ký 100 nghìn tỷ đồng.
Thừa Thiên Huế cũng ngày càng khẳng định vị thế 4 trung tâm: văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước; y tế chuyên sâu; khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời, với 7 di sản văn hóa được UNESCO công nhận, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được đẩy mạnh. Các hoạt động văn hóa, lễ hội được tổ chức quy mô, sôi động, phong phú với chất lượng ngày càng cao. Festival Huế trở thành một trong những lễ hội lớn, chuyên nghiệp, mang tầm quốc gia và quốc tế.
Chính quyền điện tử xếp thứ 1 năm 2018. Mô hình Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế - mô hình vừa đoạt giải “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất Châu Á” được đưa vào hoạt động từ đầu tháng 6/2018 đã cơ bản đáp ứng nhu cầu điều hành đô thị thông minh của tỉnh trong tương lai, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ nhân dân hiệu quả hơn. Các chương trình “Ngày chủ nhật xanh”, “Nói không với túi ni-lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, “Huế - không tiếng còi xe”, “Thành phố 04 mùa hoa”... được triển khai rộng khắp và nhận được sự ủng hộ của cộng đồng.
“Tuy không nằm trong tốp dẫn đầu các tỉnh, thành trong cả nước, nhưng với xuất phát điểm của một tỉnh nghèo bị chiến tranh tàn phá nặng nề và thường xuyên đối diện với thiên tai khắc nghiệt, thì mới thấy thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đạt được là một thành công vượt bậc, rất đáng trân trọng và tự hào. Đứng trước những thời cơ và vận hội mới trong tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh quyết tâm đoàn kết, sáng tạo, đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, phát triển nhanh, bền vững. Đưa Thừa Thiên Huế tiếp tục vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao của các trung tâm và phấn đấu trở thành một Trung tâm kinh tế của vùng trọng điểm kinh tế miền Trung và cả nước...”- Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh.
Cần phát huy quê hương anh hùng
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương và chúc mừng những thành tích xuất sắc của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế trong quá trình xây dựng và phát triển. Những kết quả rất đỗi tự hào là sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ; sự kế thừa và phát huy trách nhiệm của các thế hệ, đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng quê hương, đổi mới và bảo vệ đất nước.
“Trong đấu tranh cách mạng, nhân dân Thừa Thiên Huế với tinh thần “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường” đã làm nên một Thừa Thiên Huế anh hùng, thì ngày nay tinh thần đó phải được thể hiện ở sự đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo để xây dựng Thừa Thiên Huế thành một tỉnh giàu về kinh tế, đẹp về văn hoá, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng, an ninh...”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thừa Thiên Huế tiếp tục khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Phát triển mạnh các thành phần kinh tế, quan tâm phát triển kinh tế tư nhân. Tiếp tục xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành “đô thị di sản” với định hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; đồng thời làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ, phát huy di sản cố đô Huế mà nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là thực hiện tốt việc di dời các hộ dân tại khu vực 1, Kinh thành Huế. Tiếp tục chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tập trung xây dựng và phát triển Trung tâm Văn hóa, Du lịch đặc sắc của khu vực và cả nước; Trung tâm Giáo dục - Đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; Trung tâm Y tế chuyên sâu; Trung tâm Khoa học và Công nghệ của khu vực miền Trung và cả nước...
“Vui mừng với những đổi thay trên quê hương Thừa Thiên Huế, với tấm lòng trân trọng, yêu quý, tôi hy vọng rằng những kết quả đạt được trong thời gian qua sẽ là những tiền đề vững chắc để Thừa Thiên Huế bước tiếp trên chặng đường mới, cùng với cả nước xây dựng Việt Nam trở thành một nước hùng cường theo tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu...”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho tỉnh Thừa Thiên Huế. Cũng trong dịp này, 7 tập thể vinh dự nhận đón nhận cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ về những thành tích xuất sắc trong công tác.