Chủ động phòng ngừa dịch bệnh cho nhân dân vùng lũ

Xã hội - Ngày đăng : 18:15, 16/08/2019

(TN&MT) - Nhà chức trách huyện biên giới Chư Prông (Gia Lai) đang tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh và khẩn trương thống kê thiệt hại để kịp thời hỗ trợ cho nhân dân trong trận ngập lụt do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua.
Ảnh một nhà dân thuộc xã Ia Mơr ngập trong nước lũ
Ảnh một nhà dân thuộc xã Ia Mơr ngập trong nước lũ

Theo đó, trong các ngày 6 và ngày 7/8/2019, do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan, trên địa bàn huyện Chư Prông có mưa to cộng với lượng nước lớn từ tỉnh Đak Lak tràn sang làm 5 làng: Hnáp, Khôi, Krông, Klăh, Ring thuộc xã Ia Mơ bị ngập lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của các nhân dân. Một số người bị nước lũ cô lập phải cần đến sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Ia Lốp mới thoát khỏi vùng nguy hiểm. Hiện nay, nước đã rút song sinh hoạt, sản xuất của nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn và cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.

Ông Kpă Vi (làng Klăh) kể rằng, lúc nửa đêm, khi cả gia đình đang ngủ thì nước về tràn vào khắp nhà. Nước dâng lên quá nhanh làm ướt và trôi nhiều đồ đạc trong nhà. “Sau khi nước rút, chúng tôi đã được chính quyền địa phương và bộ đội giúp đỡ dọn dẹp nhà cửa để nhanh chóng ổn định cuộc sống”, ông Kpă Vi kể.

Còn theo Bà Siu Pen (làng Hnáp), mưa lớn làm ngập nhà và giếng nước của gia đình và các nhà bên cạnh. Bây giờ, khi nước đã rút nhưng xung quanh nhà vẫn còn 1 số vùng trũng, nước vẫn còn ngập. Theo bà Siu Pen, hiện nước sinh hoạt là cái khó khăn nhất đối với gia đình do giếng giờ không đảm bảo vệ sinh. “Chúng tôi rất lo lắng vì nguồn nước không đảm bảo vệ sinh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình. Mới đây, con gái tôi bị đau bụng do sử dụng nguồn nước này nên phải đi Bệnh viện”, bà Siu Pen lo lắng.

Ảnh nước sinh hoạt từ các giếng nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi trận ngập lụt
Nước sinh hoạt từ các giếng nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi trận ngập lụt

Theo thống kê của UBND xã Ia Mơ, trong trận ngập lụt vừa qua, có 5 làng thuộc xã Ia Mơ bị ảnh hưởng. Trong đó, có 26 ngôi nhà ngập lụt cục bộ, hơn 60 ha cây trồng gồm mỳ, lúa, mía của người dân chìm trong nước lũ. Trong tổng số hoa màu bị ngập lụt thì làng Ring bị thiệt hại nặng nề nhất khi có 50,9 ha cây trồng bị ngập. Cũng trong trận ngập lụt, cháu Rơ Châm Khải (SN 2012, trú làng Klăh) khi đang chơi trước cửa nhà không may bị rớt xuống cống dẫn đến tử vong.

Trao đổi chúng tôi, ông Ngô Ngọc Tiến - Chủ tịch UBND xã Ia Mơ cho biết, trong ngày 6 và ngày 7/8/2019, mưa lớn trong thời gian ngắn cộng với nước lũ từ tỉnh Đak Lak tràn sang làm ngập lụt nhiều nhà cửa và cây trồng của nhân dân trên địa bàn. Sau khi có thông tin về tình hình ngập lụt, địa phương đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, dân quân tự vệ hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, khơi thông cống rãnh giúp thoát nước nhanh cho vùng ngập lụt. Đồng thời, ngay khi nước bắt đầu rút, UBND xã đã chỉ đạo cho Trạm Y tế chuẩn bị đủ cơ số thuốc và tổ chức phun thuốc sát trùng, làm sạch nguồn nước để đề phòng nguy cơ dịch bệnh bùng phát do ngập lụt. “Địa phương đang tiếp tục theo dõi và thống kê tình hình thiệt hại do ngập lụt để báo cáo cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ cho người dân. Về trường hợp cháu bé bị tử vong, địa phương đã đến thăm hỏi và hỗ trợ kinh phí ban đầu cho gia đình số tiền 2 triệu đồng, Quỹ Trẻ em huyện cũng hỗ trợ 1 triệu đồng giúp gia đình vượt qua khó khăn”, ông Tiến nói.

Còn theo Thiếu tá Phạm Văn Thanh-phó trưởng Đồn Biên phòng Ia Lốp, tại Đồn Biên phòng Ia Lốp, khoảng 7 giờ 45 phút ngày 7/8/2019, có 3 người dân bị mắc kẹt do ngập lụt cục bộ. Vị trí người dân bị mắc kẹt cách chốt suối Đen khoảng 700m. Ngay khi nhận được điện thoại hỗ trợ của người dân, Đồn đã cử 1 tổ công tác gồm 7 chiến sỹ tiếp cận ứng cứu số người dân gặp nạn. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, đơn vị đã tiếp cận và đưa được 3 người dân về vị trí an toàn. Sau khi nước lũ rút, đơn vị đã cử 7 cán bộ, chiến sĩ thường trực tại làng Ring để giúp người dân dọn dẹp nhà cửa, khơi thông cống rãnh và hỗ trợ nhân dân khắc phục sản xuất. Công việc dự kiến thực hiện đến khi nhân dân đã hoàn toàn ổn định cuộc sống.

Về phía lãnh đạo huyện Chư Prông, ông Từ Ngọc Thông - phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng chủ động triển khai các lực lượng theo phương châm 4 tại chỗ hỗ trợ người dân thu dọn đồ đạc lên cao, di dời một số hộ dân tại các vị trí ngập sâu đến nơi an toàn khi xảy ra ngập lụt. Đồng thời với đó là theo dõi sát diễn biến, tình hình thời tiết và tổ chức hướng dẫn cho nhân dân cách phòng bệnh ở người tại khu vực ngập lụt, hướng dẫn người dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Huyện cũng đã làm việc với các đơn vị thi công công trình kênh mương trên địa bàn khơi thông một số điểm trọng yếu về ngập úng và rào lại quanh các hố nước nhằm tránh gây tai nạn đuối nước cho trẻ em và nhân dân trên địa bàn. “Huyện cũng đã yêu cầu các lực lượng công an, quân sự, các ban, ngành, thôn, làng phối hợp với mặt trận, các đoàn thể tập trung rà soát, nắm tình hình báo cáo diễn biến mưa lũ và tuyên truyền, cảnh báo nhân dân không đi nương rẫy, không đi qua các suối khi nước chảy xiết và quản lý con em để tránh tình trạng tai nạn đuối nước có thể xảy ra”, ông Thông nói.