Cần quy hoạch hạ tầng đô thị đồng bộ cho Phú Quốc thích ứng với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:01, 16/08/2019
Mới đây, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Phú Quốc đã chính thức có văn bản báo cáo và đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho khảo sát, quy hoạch hệ thống thoát nước toàn đảo, phù hợp với tốc độ phát triển. Cụ thể là cho khảo sát, quy hoạch đồng bộ hệ thống sông, suối; nâng cấp hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn Dương Đông; xây kè chống lấn chiếm rạch ông Trì, rạch SOMACO, sông Dương Đông... triển khai đầu tư Hồ Điều tiết cho khu vực thị trấn Dương Đông.
Cùng với những việc làm khắc phục hậu quả trước mắt, ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Phú Quốc cho biết đang tiến hành khảo sát lại toàn thể các công trình để có phương án đầu tư, cải tạo lại hệ thống thoát nước; nghiên cứu, nâng cấp lại hệ thống thoát nước tại một số tuyến đường, đặc biệt tại thị trấn Dương Đông, khu vực Bến Tràm, Cây Thông Trong. Bên cạnh đó, tăng cường vận động, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức về vấn đề thoát nước đô thị, người dân cũng phải tự nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng, chính người dân phải trực tiếp tham gia bảo vệ hệ thống thoát nước, không vứt rác, không xây dựng lấn chiếm sông, suối.
Ghi nhận của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Phú Quốc: do tác động từ BĐKH trong 8/2019 (từ ngày 01/8 đến ngày 09/8) tổng lượng mưa trên địa bàn đạt 1.170 mm (trong khi lượng mưa trung bình nhiêu năm tại Phú Quôc là 2.800mm), đây là lượng mưa kỷ lục, lớn hơn so với trung bình nhiều năm và trong mưa lớn thì gió mùa Tây Nam thổi mạnh làm cho sóng biển lên cao gây cản trở đáng kể lưu lượng nước thoát của các cửa sông ra biển. Trong khi đó, hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn được đầu tư xây đựng từ năm 2003, đến nay không còn phù hợp. Tình hình Phú Quốc phát triển nhanh về dân cư, khách du lịch và cơ sở sản xuất, kinh doanh ở các khu vực này làm thay đổi hiện trạng ao hồ tự nhiên để điều hòa khi nước thoát không kịp. Một số điểm bị san lấp tôn nền xây dựng kè, làm hẹp dòng chảy, một số đoạn suối là những nguyên nhân cùng góp phần làm giảm lưu lượng thoát nước về các nhánh sông. Riêng khu vực Bãi Trường do các dự án chưa hoàn thiện nên việc đấu nối với hệ thống thoát nước chưa đồng bộ gây ra ngập cục bộ một số khu vực ở Bãi Trường.
Do mưa lớn gặp triều cường, hệ thống thoát nước lạc hậu, bị lấn chiếm, không đáp ứng được yêu cầu thông tháo nước ra biển nên nước mưa chảy tràn đã ứ đọng, gây ngập trên diện rộng và kéo dài với mức ngập sâu trung bình 0,7m, có nơi ngập sâu tới 2m, có 63km đường giao thông, gần 8.500 căn nhà ở nhiều xã, thị trấn bị ngập, lực lượng cứu hộ phải sơ tán hàng ngàn người, ngập lụt kéo dài gần chục ngày gây thiệt hại hơn 107 tỉ đồng… Nhiều người dân sở tại (như bà Nguyễn Thanh Xuân, Dương Thị Hường ở khu phố 6, thị trấn Dương Đông) bày tỏ sự hoang mang, lo lắng vì mức độ ngập sâu và kéo dài chưa từng có.
Thật ra, tình trạng ngập lụt trên đảo Phú Quốc không phải là hiện tượng lạ. Dù nhìn chung hòn đảo này có địa hình thiên nhiên thoai thoải chạy từ bắc xuống nam với 99 ngọn núi đồi, ngọn núi cao nhất có độ cao trên mặt nước biển lên tới trên 130m, nhưng thị trấn Dương Đông, thị trấn An Thới, các xã Cửa Dương, Dương Tơ… những vị trí bị ngập sâu, thiệt hại nhiều trong đợt ngập vừa qua đều là đồng bằng trũng, với những tuyến dân cư hình thành ven theo các dòng sông, suối chính của đảo, như: rạch Ông Trì, rạch SOMACO, sông Dương Đông… Độ cao của những khu vực này so với mặt nước biển đến nay chưa được xác định cụ thể và vẫn thường bị ngập khi có mưa to kéo dài gặp triều cường.
Đợt ngập lụt kéo dài vừa diễn ra là 1 trong 4 đợt ngập đã từng xảy ra kể từ cơn bão Linda - năm 1997, ở Phú Quốc. Địa bàn thị trấn Dương Đông, An Thới, các xã Cửa Dương, Dương Tơ… đã từng bị ngập sâu tới 1m do bị ảnh hưởng cơn bão Linda - năm 1997, do mưa và triều cường trong cao điểm mùa mưa năm 2011 và mùa mưa năm 2015. Cụ thể, ngày 28/8/2011, do mưa lớn, ngã ba vào nông trường thuộc ấp Cây Thông (xã Cửa Dương), nước ngập sâu hơn 50cm, kéo dài khoảng gần 4 km (các khu vườn dọc theo các con suối đều ngập sâu hơn 1m; Khu vực 5, thị trấn Dương Đông, nước ngập sâu đến gần 1m), lực lượng cứu hộ, cứu nạn phải dùng cano, thuyền đi lần vào các khu vực ngập sâu để đưa những người dân ra nơi trú an toàn. Cũng do mưa lớn, ngày 28/9/2015, nhiều tuyến đường ở thị trấn Dương Đông và xã Cửa Dương, ngập nặng, nhiều phương tiện lưu thông đã không thể di chuyển qua.
Qua đợt ngập lụt kéo dài gần 10 ngày đầu tháng 8/2019 vừa qua, chính quyền huyện đảo Phú Quốc đã thấy rõ hơn vấn nạn ngập lụt đang có chiều hướng ngày càng trầm trọng hơn do mưa lớn, triều cường bởi sự tác động của BĐKH, nước biển dâng. Để thích ứng, phát triển, cùng với việc đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang quy hoạch xây dựng hệ thống thoát nước, ông Mai Văn Huỳnh cho rằng: “Về lâu dài, phải đẩy nhanh triển khai lập và phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị Dương Đông, An Thới, phê duyệt chương trình phát triển đô thị, làm cơ sở để đề xuất giải pháp tổng thể, đồng bộ cho hạ tầng đô thị của Phú Quốc. Đây cũng là nhiệm vụ tổ chức quản lý và triển khai tốt quy hoạch chung xây dựng theo Quyết định số 633 và 868 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho Phú Quốc”.