Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân: Liên tục, toàn diện, trách nhiệm trong hoạt động giám sát Quốc hội

Trong nước - Ngày đăng : 21:04, 15/08/2019

(TN&MT) - Chiều ngày 15/8, tại Nhà Quốc hội, sau một ngày làm việc tập trung, hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất về việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề và các kết luận về chất vấn trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Thể hiện trách nhiệm trong theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung đã được giám sát

Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất về việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề và các kết luận về chất vấn trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

CTQH
Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Với tinh thần trách nhiệm cao, đã có 35 đại biểu đặt câu hỏi, 3 đại biểu tranh luận và 14 Bộ trưởng và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trực tiếp trả lời chất vấn những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình. Vẫn còn 12 đại biểu đăng kí nhưng không đủ thời gian đề nghị gửi chất vấn bằng văn bản đến các thành viên Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số nội dung chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát lại  các vấn đề đã được giám sát, chất vấn tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tiếp nối từ thành công của phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, việc chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp này cho thấy tính liên tục, toàn diện trong hoạt động giám sát của Quốc hội; thể hiện tinh thần trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung đã được giám sát.

Phiên chất vấn cũng là cơ hội để các thành viên chính phủ báo cáo, giải trình, làm rõ những vấn đề, nội dung còn tồn tại, hạn chế và đề xuất những chủ trương, giải pháp trong thời gian tới. Điều này là hết sức quan trọng nhất là trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực hoàn thành vượt mức các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội được đề ra cho cả nhiệm kỳ.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận nội dung chất vấn bao quát gần hết các vấn đề của đời sống kinh tế-xã hội, liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành của hầu hết các bộ, ngành. Có những nội dung đã được chất vấn nhiều lần tại các Kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng tiếp tục vẫn là vấn đề nóng, được các đại biểu Quốc hội quan tâm để chất vấn lại tại phiên họp này.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thể hiện tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trước mỗi vấn đề bức xúc của người dân. Cùng với đó, các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu kỹ các báo cáo, hỏi thẳng vào vấn đề còn vướng mắc hoặc chưa được đề cập, làm rõ trong các báo cáo; tích cực tranh luận để đi đến cùng vấn đề. Các Bộ trưởng, trưởng ngành đã dành thời gian quan tâm và chuẩn bị khá kỹ cho việc trả lời chất vấn, cơ bản nắm chắc và toàn diện vấn đề của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn nhận trách nhiệm, nêu được nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, cũng có đại biểu hỏi còn dài, phần trả lời có nội dung còn chưa tập trung, nêu vấn đề nhưng chưa xác định rõ trách nhiệm.

Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả những nội dung yêu cầu tại các nghị quyết và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và nội dung chất vấn, có thể thấy rằng bức tranh tổng thể trong việc triển khai các yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các nghị quyết giám sát, kết luận chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều điểm sáng, nhưng cũng phải thẳng thắn thấy rằng còn có nhiều nội dung, nhiều chỉ tiêu, yêu cầu chưa đạt, chưa giải quyết dứt điểm hoặc vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục có giải pháp căn cơ để triển khai, khắc phục. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả những nội dung yêu cầu tại các nghị quyết và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

CTQH1
Toàn cảnh phiên Chất vấn và trả lời phiên chất vấn chiều 15/8

Đi vào cụ thể các nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho biết nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi và cũng là những đánh giá cụ thể đối với việc triển khai các yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhiều nội dung trả lời của các Bộ trưởng, trưởng ngành đã tập trung khẳng định việc tiếp tục triển khai nội dung của các nghị quyết giám sát, kết luận chất vấn, đồng thời nhấn mạnh thêm các giải pháp để triển khai thời gian tới. Các giải pháp tập trung vào một số nhóm vấn đề:

Một là, hoàn thiện thể chế pháp luật, triển khai các đề án cụ thể; hoàn thiện chính sách pháp luật đối với người có công, đối với đồng bào dân tộc thiểu số; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn ở một số lĩnh vực xây dựng; hoàn thiện các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hỗ trợ cho ngư dân và các hoạt động kinh tế biển; các chính sách tháo gỡ nút thắt cho kết nối giao thông, chính sách phát triển bền vững, đồng bằng Sông Cửu Long; các chính sách cho phát triển khoa học công nghệ,…

Hai là, tăng cường phối, kết hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong việc triển khai các chương trình, đề án, chú trọng liên kết ngành trong việc triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Ba là, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; kiên quyết có các giải pháp để triển khai đúng hạn các yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bốn là, cần có các giải pháp phù hợp trong việc bố trí vốn, tăng cường nguồn lực để triển khai các chính sách đã được ban hành.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội đã nêu một số yêu cầu phải giải quyết đối với một số vụ việc cụ thể. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, hiệu quả trong hoạt động giám sát của Quốc hội được phản ánh rõ nét thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi lời cảm ơn các vị khách quý, đồng bào, cử tri cả nước đã dành thời gian quan tâm, theo dõi, giám sát hoạt động của Quốc hội; Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các cơ quan hữu quan đã có sự chuẩn bị chu đáo, trực tiếp trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội; các đại biểu Quốc hội đã tích cực nghiên cứu, tham gia chất vấn, tranh luận với nhiều ý kiến thẳng thắn, sâu sắc, thiết thực và các cơ quan thông tấn báo chí đã tổ chức đưa tin, phát thanh, truyền hình trực tiếp đến đồng bào và cử tri cả nước theo dõi.

Pho Thu tuong Vuong Dinh Hue tra loi chat van (1)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận phiên trả lời chất vấn

Trước đó, sau khi 15 Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã “chốt” phiên trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về chống "tham nhũng vặt” khi tình trạng này chưa cải thiện đáng kể, nguyên nhân, giải pháp của Chính phủ bảo đảm tính khả thi thời gian tới?

Bên cạnh việc tập trung xử lý các vụ án tham nhũng lớn, Phó Thủ tướng nêu rõ chủ trương của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và Nghị quyết của Quốc hội đã nhấn mạnh tới thực trạng này là tệ nạn gây bức xúc, vấn đề nhức nối trong xã hội, liên quan tới đạo đức công vụ. 

“Tuy "tham nhũng vặt” nhưng tác hại không “vặt”. Con đê to nhưng sẽ bị hỏng bởi nhiều tổ mối nhỏ. "Tham nhũng vặt” gây ra tình trạng băng hoại đạo đức, xói mòn lòng tin của nhân dân và làm tăng chi phí của doanh nghiệp, người dân”, Phó Thủ tướng bày tỏ day dứt.

Để xoá bỏ tình trạng "tham nhũng vặt”, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thiện pháp luật về kinh tế, quản lý xã hội bảo đảm rõ ràng, không chồng chéo để tránh gây ra những cách hiểu khác nhau, là mảnh đất tạo ra nhũng nhiễu; hoàn thiện các quy định pháp luật về trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công cấp độ 4, hạn chế tiếp xúc giữa công dân và chính quyền; thực hiện kiểm tra giám sát bằng công nghệ thông tin và xây dựng các quy định về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, thực hiện nghiêm quy định luân chuyển cán bộ, nhất là những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.

Cũng liên quan tới công tác xây dựng pháp luật, khi trả lời các đại biểu Quốc hội về việc nợ đọng văn bản, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ đã rất quan tâm, dành nhiều thời gian cho nhiệm vụ xây dựng thể chế, pháp luật. Từ đầu năm tới nay, Chính phủ họp 3 chuyên đề về xây dựng pháp luật. Đặc biệt là yêu cầu các Bộ trưởng phải có mặt ở các phiên giải trình luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nên không ai thoái thác được. Bên cạnh đó, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc các bộ, ngành về nhiệm vụ này…

Tuy nhiên, những hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật vẫn không hết được. Biểu hiện ở tình trạng trình luật còn chậm, nhiều dự án luật phải rút khỏi chương trình, nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Chính phủ hiện còn nợ 18 văn bản, trong đó có 2 nghị định hướng dẫn luật có hiệu lực từ 1/1/2018 và 16 văn bản hướng dẫn 7 luật có hiệu lực từ 1/7/2019. 

Nguyên nhân của tình trạng nợ đọng văn bản, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “Suy cho cùng là do chưa tuân thủ quy trình, trình tự của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sự quan tâm của một số Bộ trưởng, Trưởng ngành với việc này chưa đúng mức. Thời gian cho phép ban hành còn ngắn mà các vấn đề trong thực tiễn có nhiều diễn biến phức tạp, thay đổi nhanh, sự phối hợp liên bộ và trong một bộ còn trục trặc, có nhiều hạn chế…”.

Thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hứa với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thời gian tới sẽ chấn chỉnh, thực hiện nghiêm và hoàn thiện hơn nữa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng cũng chỉ đạo công khai danh sách các bộ, ngành nợ đọng văn bản, yêu cầu nâng cao năng lực soạn thảo, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở các Bộ, ngành.

Đầu tư hạ tầng đồng bộ, coi trọng liên kết vùng ĐBSCL

Về vấn đề phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được nhiều đại biểu chất vấn trong ngày hôm nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định quan điểm của Chính phủ coi vùng này có vị trí chiến lược về an ninh, kinh tế, quốc phòng, là “cứ điểm” chiến lược về nông nghiệp, do đó, cần tập trung đầu tư vào đây.

Ông cũng cho biết trong 5 năm vừa qua, tổng ngân sách đầu tư cho vùng ĐBSCL đứng thứ ba trong các vùng kinh tế cả nước (khoảng 16,5%). Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ cũng đứng thứ ba.

“Như vậy số vốn bố trí là không quá thấp. Tuy nhiên, xuất phát điểm thấp cộng thêm việc đầu tư tại vùng tốn kém nên nguồn lực chưa đáp ứng được”, Phó Thủ tướng nói.

Cụ thể, thực trạng địa chất vùng ĐBSCL yếu dẫn đến suất đầu tư cao. Bên cạnh đó, đầu tư phải tính đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Nói cách khác, mức đầu tư đã không cao, do điều kiện tự nhiên khiến số tiền đòi hỏi lại càng tăng cao. Ông nhấn mạnh Chính phủ đã nhận ra điều này và có Nghị quyết chuyên đề số 120/NQ-CP của Chính phủ.

Theo đó, từ nay đến năm 2020 và 5 năm tới, Chính phủ sẽ tập trung đầu tư các dự án có tính chất liên kết vùng, liên kết các tiểu vùng tại ĐBSCL như vùng Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau, tứ giác Long Xuyên, đầu tư kết nối liên vùng giữa ĐBSCL với TPHCM.

Các loại hình như đường thuỷ, đường bộ, đường sắt, hàng không sẽ được đầu tư. Về đường bộ, Chính phủ sẽ đầu tư trục đường từ bắc xuống nam, từ đông sang tây. Về đường thủy nội địa, ĐBSCL là vùng có nhiều tiềm năng lợi thế, có thể phát triển dịch vụ logistics cho khu vực tiểu vùng sông Me Kong. Với hàng hải, khu vực này có thể đầu tư các luồng tàu biển. Về hàng không, có thể mở nhiều tuyến đường bay mới, sớm nâng cấp sân bay Phú Quốc. Về đường sắt, Chính phủ đang kêu gọi vốn đầu tư tuyến đường sắt TPHCM đi Cần Thơ.

Phó Thủ tướng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu vùng ĐBSCL cần xây dựng các danh mục dự án ưu tiên để bố trí vốn từ này đến 2020 và giai đoạn 2021-2025. 

Năm nay, Chính phủ sẽ bố trí phần vượt thu ngân sách là 2.186 tỷ đồng cho dự án Trung Lương – Mỹ Thuận sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý. Phó Thủ tướng cho rằng với số vốn đó, cộng thêm khoản tín dụng từ ngân hàng (khoảng 6.000 tỷ đồng) và khoản 3.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu thì dự án sẽ thông tuyến vào năm 2020.

“Vấn đề quan trọng này là tổ chức thực hiện, ở đây nhấn mạnh vai trò của Bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang. Chính phủ sẽ có giám sát vấn đề này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng trả lời chất vấn, cung cấp thêm thông tin chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho người có công, đồng bào vùng dân tộc thiểu số, phát triển lành mạnh thị trường tài chính và các vấn đề cụ thể mà đại biểu Quốc hội yêu cầu.